Bầu cử Mỹ: Khác biệt trong chiến thuật

Bà Clinton dành những ngày cuối mùa tranh cử tập trung vào nhóm cử tri thiểu số còn ông Trump củng cố sức hút với cử tri da trắng tầng lớp lao động.

Ông Trump tấn công “đồn địch”, bà Clinton giữ vững “sân nhà”

Trong những ngày vận động tranh cử cuối cùng, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục tập trung “đánh” vào lãnh địa của đảng Dân chủ khi tiếp tục kêu gọi cử tri ngoài đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ông.

Ở bên kia chiến tuyến, bà Hillary Clinton lại tập trung nỗ lực vào việc đảm bảo chắc chắn sự ủng hộ của các cử tri thường bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Để thực hiện chiến thuật này, bà Clinton thường tổ chức những buổi vận động tranh cử với sự xuất hiện của các ngôi sao ca nhạc hay vận động viên nổi tiếng – chiến lược vận động tranh cử vốn bị Trump thờ ơ. “Tôi chỉ có tôi”, ông Trump nói trước những người ủng hộ ở Bắc Carolina ngày 5/11.

Trong sự cố tại buổi vận động tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump ở Reno, Nevada khi hai mật vụ phải đưa ông Trump xuống sân khấu trong lúc đang có bài phát biểu vận động tranh cử, ông Trump đã quay trở lại sau đó chỉ vài phút với tuyên bố hùng hồn: “Chúng ta sẽ không bao giờ được dừng lại”.

Tuyên bố này không chỉ là một câu nói đơn thuần của tỷ phú Trump mà nó phản ánh đúng tính cách thường thấy của ông cũng như quyết tâm theo đuổi chiến thuật tranh cử từ đầu cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của ứng cử viên này.

BBC sau đó dẫn lời tỷ phú 70 tuổi phát biểu tại Tampa, Florida cho biết: “Chúng tôi sẽ đi vào những nơi thường được coi là thành trì Dân chủ, nơi chúng tôi đang bám đuổi sít sao hoặc dẫn trước. Chúng tôi sẽ tới Minnesota, nơi có truyền thống không ủng hộ đảng Cộng hòa”. 

Trong quá khứ, bang Minnesota đã không bầu cho ứng viên Tổng thống nào của đảng Cộng hòa kể từ năm 1972. Hai bang Pennsylvania và Michigan cũng nằm trong lịch trình của ông Trump và đều là những bang khó khi phe Cộng hòa không giành được chiến thắng nào tại đây kể từ năm 1988.

Trong khi đó, cuối tuần qua, người ta thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton liên tiếp xuất hiện cùng những siêu sao trong làng giải trí và những vận động viên nổi tiếng như ca sĩ nhạc pop Katy Perry, diva Beyoncé, ca sĩ nhạc hip hop Jay Z và siêu sao bóng rổ  Lebron James.

“Tối nay, tôi muốn nghe bạn gầm thét”, bà Clinton mỉm cười thật tươi khi giới thiệu sự xuất hiện của Katy Perry tại buổi vận động tranh cử tối 5/11 ở Philadelphia.

Katy Perry xuất hiện với chiếc áo choàng màu tím in dòng chữ “Tôi cùng với bà Tổng thống” ôm cựu Ngoại trưởng Mỹ và hét lên: “Trong ba ngày tới, chúng ta hãy cùng nhau làm nên lịch sử!”.

Cách thức tranh cử rõ ràng cũng phản ánh sự khác biệt giữa hai ứng cử viên Tổng thống trong chiến dịch tranh cử đầy biến động và kịch tích năm nay.

Được sự ủng hộ của Tổng thống Barack Obama và giới tinh hoa chính trị, bà Clinton đã dành nhiều thời gian để thống nhất liên minh của ông Obama, tìm kiếm sự ủng hộ của bộ phận những cử tri thiểu số, các cử tri trẻ và những người phản đối cách hành xử với phụ nữ của Trump từ cả hai phe.

Ông Donald Trump lại có sự hấp dẫn với những cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động bởi sự nổi tiếng khi còn là một nhân vật giải trí.

Khác với bà Clinton, ông Trump dường như khá cô đơn trong những ngày này khi đảng Cộng hòa không cử những người có vai vế nhất đi hỗ trợ ông. Một số lãnh đạo đảng đã chối bỏ ông hoặc từ chối hậu thuẫn ông.

Ông Trump phần nào thừa nhận sự cô đơn của mình nhưng với tính cách mạnh mẽ, ông đã lấy đó làm đòn tấn công nhằm vào đối thủ. “Tôi chẳng cần phải mang theo J. Lo hay Jay Z - cách mà bà ấy dùng để lấy lòng mọi người”, ông nói. “Chỉ có một mình tôi ở đây. Chỉ tôi mà thôi. Không có guitar, không có đàn piano, không có gì khác”.

Nỗi lo chiến thắng cho cả bà Clinton và ông Trump

Trong khi cuộc đua đang đến hồi gay cấn nhất, đỉnh vinh quang đang ở trước mặt cả hai đối thủ Hillary Clinton và Donald Trump thì truyền thông Mỹ đã dự báo vị Tổng thống Mỹ tiếp theo dù thuộc đảng nào đều có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý do phe đối lập thúc đẩy.

Thông tin đăng tải trên tờ The Hill ngày 5/11 cho rằng, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên kế hoạch thúc đẩy một cuộc điều tra chống lại ứng viên của đảng đối thủ trong trường hợp người này đắc cử Tổng thống Mỹ sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/11, điều này dự báo một tương lai đầy sóng gió cho cả ông Trump lẫn bà Clinton khi vừa “chân ướt chân ráo” bước vào cánh cửa Nhà Trắng.

Theo đó, nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong tuần qua đã cảnh báo các văn kiện tố cáo sẽ được đưa ra nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Clinton đắc cử.

Thông tin này không phải không có cơ sở khi Chủ tịch ủy ban an ninh nội địa Hạ viện Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Texas, Michael McCaul, nhiều lần tuyên bố rằng bà Clinton sẽ phải đối mặt với một tương lai bấp bênh nếu bà giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu. 

Ông Michael McCaul thậm chí còn gọi vụ bê bối email cá nhân của cựu Ngoại trưởng Mỹ là phản quốc, đồng thời đề nghị luận tội bà nếu bà thắng cử.

Ở chiều ngược lại, đảng Dân chủ cũng có kế hoạch mở cuộc điều tra nhằm vào các vụ kiện tụng liên quan đến công việc kinh doanh của ông Trump. Theo The Hill, đảng Dân chủ sẽ sử dụng các cuộc điều trần không chính thức, các cuộc họp báo hay những cách khác để gây chú ý trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang nắm cả 2 viện Quốc hội.

Bình luận về những diễn biến có thể xảy ra trên chính trường Mỹ sau ngày bầu cử, một cựu quan chức cấp cao của phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cho rằng: “Không khí căng thẳng và thù hằn trong chính trường Mỹ sẽ không thay đổi sau khi cử tri Mỹ đã có lựa chọn của riêng mình”.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm