UBND TP Cần Thơ phê duyệt dự toán mua sắm hóa chất, vật tư y tế tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, đẩy nhanh chọn nhà thầu cung cấp để giải quyết tình trạng thiếu máu.
Theo đó, UBND thành phố đã phê duyệt dự toán mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024 tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Sở Y tế và bệnh viện chậm nhất đến ngày 9/6 trình UBND kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai mua sắm.
Trong khi chờ chọn nhà thầu, UBND TP Cần Thơ cho phép bệnh viện chủ động mua vật tư, trang thiết bị y tế để đảm bảo điều trị người bệnh. Bệnh viện cũng rà soát nhu cầu và nguồn cung cấp máu, chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị 3-4 tháng tới, báo cáo thành phố ba ngày một lần.
Trước đó, từ đầu tháng 6, bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thông báo không thể tiếp tục điều chế, sàn lọc máu và chế phẩm máu do khó khăn đấu thầu kéo dài, dẫn đến không còn túi lấy máu để điều chế. Bệnh viện đề nghị các cơ sở y tế sử dụng máu tiết kiệm, chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu.
Hiện, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ là nơi điều chế, cung ứng máu cho 74 bệnh viện ở miền Tây, với khoảng 12.000-15.000 đơn vị máu.
Nhưng do khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu từ các cấp kéo dài từ 2022 tới nay, hiện bệnh viện vẫn chưa có túi lấy máu cũng như các hóa chất sàng lọc máu.
Ngoài ra, một lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ cho biết, quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gặp một số thay đổi trong Thông tư 8/2023 (thay cho thông tư 14/2020) của Bộ Y tế, nên "thủ tục phải làm đi làm lại nhiều lần". Sở cũng có nhiều giải pháp tình thế để bệnh viện mua sắm nhỏ, trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Tình trạng thiếu máu và các chế phẩm từ máu kéo dài hơn một năm qua, nhưng nghiêm trọng nhất là từ tháng 3 đến nay. Vừa qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ họp, đề xuất Sở Y tế ba phương án xử lý tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu.
Thứ nhất là nhanh chóng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư y tế. Nếu phê duyệt nhanh trong vòng 1-2 tuần, thì khoảng 4 tháng nữa sẽ có kết quả đấu thầu. Sau đó có thể mất thêm khoảng 1-2 tháng để đơn vị trúng thầu chuẩn bị, cung ứng hàng sử dụng trong một năm, với giá trị khoảng 150 tỷ đồng.
Phương án hai là mua sắm trực tiếp (áp thầu) với giá trị khoảng 30-40 tỷ đồng, ước tính khoảng 1-2 tháng sẽ có hàng, sử dụng khoảng ba tháng trong thời gian chờ kết quả đấu thầu.
Phương án ba là mua gói nhỏ lẻ, theo thẩm quyền dưới 100 hoặc 500 triệu đồng để giải quyết tạm ổn cho nhu cầu cấp cứu, điều trị các bệnh về máu của bệnh viện.
Như vậy, UBND thành phố Cần Thơ đã chọn phương án một và ba để giải quyết tình trạng thiếu máu trên diện rộng hiện nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.