Diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước tháng 4/2023 tiếp tục kém khả quan khi chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ. Trong đó tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế tạo chỉ ở mức 0,2%, thấp hơn mức tăng chung của toàn lĩnh vực.
Những ngành kìm hãm sự tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đều là những trụ cột xuất khẩu như sản xuất hàng điện tử (-4,3% so với cùng kỳ), trang phục (-1,8%), gỗ (-9,6%) và máy móc thiết bị (-1,0%).
Tính chung 4 tháng đầu năm, toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu GDP năm 2022, ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng 30%, việc ngành này không tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023.
Trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 tiếp tục đưa ra các phải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng khó khăn. Ngoài ra, ngân hàng Thương mại được cho phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trong vòng 12 tháng thông qua việc ban hành Thông tư 03.
VDSC đánh giá tích cực nhất là thông tư cho phép cơ cấu lại nợ, hình thức về cơ bản là tương tự giai đoạn Covid-19, tuy nhiên đối tượng rộng hơn và thời gian kéo dài hơn 1 năm. Tuy nhiên, rủi ro của chính sách có thể sẽ cao hơn giai đoạn Covid-19.
Đối với tình hình kinh tế thế giới, chỉ số biến động VIX (Chicago Board Options Exchange) đã có xu hướng giảm trong nhiều tháng.
Cụ thể, các quỹ phòng hộ có trụ sở tại Hoa Kỳ phân bổ hơn 35% tài sản của họ vào các sản phẩm theo chiến lược biến động. Việc sự biến động suy giảm, khiến các nhà đầu tư và các quỹ này khó kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận của chỉ số quỹ phòng hộ toàn cầu HRFX đã giảm 1,6% trong tháng 3. So với đầu năm chỉ số barclay (bao gồm hơn 3.000 quỹ) chỉ tăng 2,3% (tính đến ngày 31 tháng 3).
Kể từ đầu năm, chỉ 32% cổ phiếu sinh lời tốt hơn so với S&P 500, đây là mức thấp nhất kể từ năm 1998. Nó có thể được giải thích một phần bởi sự biến động thấp. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ hầu như không thay đổi trong hai tháng qua.
VDSC đưa ra quan điểm rằng không thể kiếm lợi nhuận nếu không có biến động, đặc biệt là đối với các chiến lược 'ngắn hạn'. Khi sự biến động không còn, khối lượng giao dịch suy giảm do đó chênh lệch giá mua và bán tăng khiến việc thực hiện giao dịch chênh lệch giá trở nên khó khăn.
Theo như VSDC nhận định, biến động thấp không tốt cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Sự biến động sẽ sớm tăng trở lại khi thị trường vượt qua nỗi ám ảnh về chu kỳ lãi suất.