BioNTech sẽ sản xuất vắc xin tại Singapore

BioNTech sẽ mở một trụ sở mới cho khu vực Đông Nam Á tại Singapore.

Theo thông báo từ BioNTech cho biết, họ sẽ thành lập trụ sở Đông Nam Á của mình tại Singapore và xây dựng một cơ sở sản xuất vắc xin mRNA và các loại thuốc khác để điều trị các bệnh truyền nhiễm và ung thư.

Nhà máy mới sẽ có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin dựa trên công nghệ mRNA mỗi năm, tùy thuộc vào loại vắc xin cụ thể. Cơ sở này có thể đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2023. 

Kế hoạch sẽ cho phép công ty mở rộng quy mô sản xuất ở Đông Nam Á nhằm nhanh chóng giải quyết các mối đe dọa đại dịch trong tương lai.

BioNTech đã đồng phát triển vắc xin ngừa Covid-19 với nhà sản xuất dược phẩm Pfizer của Hoa Kỳ bằng công nghệ mRNA sử dụng vật liệu di truyền để kích thích phản ứng miễn dịch chống lại virus. 

Dự án mở rộng của BioNTech được hỗ trợ bởi Ban Phát triển Kinh tế Singapore - một cơ quan trực thuộc bộ thương mại Singapore. 

“Với cơ sở sản xuất mRNA mới, chúng tôi sẽ nâng cao năng lực và mạng lưới tổng thể của mình, mở rộng khả năng sản xuất và cung cấp vắc xin cũng như liệu pháp mRNA cho người dân trên khắp thế giới.” Ugur Sahin, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập BioNTech, cho biết trong một tuyên bố.

Năm ngoái, công ty đã thành lập trụ sở chính tại Massachusetts, Hoa Kỳ. Hoa Kỳ hiện đã phân phối 170 triệu liều vắc xin Pfizer-BioNTech theo ủy quyền khẩn cấp của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết, đối với vắc xin của Pfizer-BioNTech, người dân sẽ cần phải tiêm hai mũi, cách nhau 21 ngày và vắc xin này có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa Covid-19. 

Kể từ khi vắc xin ngừa Covid-19 nhận được phần lớn giấy phép phê duyệt, các quốc gia đã tranh giành để đảm bảo có đủ liều tiêm cho dân số của họ. Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết các quốc gia giàu có đã nhận được phần lớn các mũi tiêm Covid-19, trong khi các quốc gia nghèo chỉ được tiêm dưới 1%.

CNBC

Có thể bạn quan tâm