Bitcoin có thể là vàng kỹ thuật số?

Bitcoin đã làm cho giới đầu tư trở nên giàu hơn nhiều so với vàng trong thời gian gần đây, khi trong 12 tháng qua, đồng tiền số này mang lại lợi nhuận 1.116%, bỏ xa so với con số chưa tới 12% do vàng
Bitcoin có thể là vàng kỹ thuật số?

Để giải thích mức tăng theo cấp số mũ của Bitcoin trong năm 2017, những người ủng hộ tiền số thường quay trở lại điệp khúc trước giờ vẫn dùng: hãy nghĩ về Bitcoin như một loại vàng kỹ thuật số, một cách "tích trữ giá trị" mà, giống như bản thân kim loại quý này, không nhất thiết phải có nhiều công dụng thực tế mới có giá trị lớn.

Giá của một Bitcoin - mà lần đầu tiên vượt qua giá vàng là cách đây gần 1 năm - hiện đang gấp hơn 7 lần giá trị của một ounce vàng. Lưu ý rằng, đó là tỉ lệ so sánh sau khi giá Bitcoin gần đây đã bị giảm mạnh, khi hiện tại chỉ quanh quẩn ở mức 10.000 USD, bằng phân nửa mức cao nhất mọi thời đại của nó hồi tháng 12/2017.

Nhưng liệu Bitcoin có thể thật sự thay thế vàng (chứ nói chi là thay cho đồng nội tệ truyền thống được các chính phủ ủng hộ) đã là một vấn đề gây ra tranh cãi dữ dội – đến nỗi mà có hẳn một sự kiện mang tên là "Vàng so với Bitcoin", được tổ chức hồi tháng trước tại New York, trong đó Jim Rickards, một người nổi tiếng ủng hộ vàng, tranh luận với James Altucher, một tác giả sách tự làm giàu hiện đang làm công việc tư vấn đầu tư Bitcoin dưới biệt danh "thiên tài tiền số". Kết quả là phe ủng hộ vàng đã giành phần thắn.

Cameron Winklevoss, một nhân vật đang "nổi như cồn" khi cùng với người em song sinh của mình là Tyler được cho là những tỷ phú bitcoin đầu tiên trên thế giới, thì cho rằng tiền số có thể "phá bĩnh" vàng, khi gọi đồng tiền này là "vàng 2.0".

Hiện tại, trong một động thái hiếm hoi, một ngân hàng lớn ở Phố Wall cũng đã tham gia cuộc tranh luận. Trong bản báo cáo triển vọng thị trường mới đây, các chiến lược gia từ bộ phận quản lý tài sản của Citigroup đã tỏ ra nghi ngờ về tranh luận của Winklevoss nhưng vẫn cho rằng Bitcoin có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn vàng.

Thật vậy, Bitcoin đã làm cho giới đầu tư trở nên giàu hơn nhiều so với vàng trong thời gian gần đây, khi trong 12 tháng qua, đồng tiền số này mang lại lợi nhuận 1.116%, bỏ xa so với con số chưa tới 12% do vàng mang lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn quay sang vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ, dùng vàng như là nơi trú ẩn an toàn để bảo vệ họ khỏi sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán. Đừng quên rằng, trong lịch sử, vàng đã cho thấy một mối liên hệ ngược chiều với chứng khoán – nghĩ là khi chứng khoán giảm giá thì vàng tăng, và ngược lại.

Trái lại, Bitcoin không những dễ biến động hơn so với cả cổ phiếu và vàng (như trong hình minh họa trên), mà còn giao dịch ở mức giá không thể dự báo được, thậm chí là "điên cuồng", mà không có sự liên hệ nào với các tài sản khác hay với vàng. Trong phân tích của mình, Citi thấy rằng sự tương quan của Bitcoin với S&P 500 gần như là zero, trong khi sự tương quan của nó với vàng là 0,054, nghĩa là Bitcoin chỉ giao dịch đồng bộ với vàng khoảng 5% – một mối quan hệ không đáng kể đến mức trở thành "không quan trọng".

Những chuyển động thất thường đó sẽ làm cho Bitcoin khó có được vai trò tương tự như vàng trong mắt nhà đầu tư. Ngoài ra, các chiến lược gia của Citi còn nghi ngờ rằng liệu thế giới có cần thêm một phiên bản mới của vàng hay không, khi các chính phủ cách đây từ lâu đã ngừng "neo" giá trị của tiền giấy vào quý kim này. "Một nguồn cung tiền cố định, một tiêu chuẩn vàng kỹ thuật số, có thật sự tốt hơn một nguồn cung tiền linh động không?", các tác giả của bản báo cáo đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, Citi tin rằng khả năng tăng giá của Bitcoin, cho dù các thị trường khác đang giao dịch thế nào, là tín hiệu tốt cho nhà đầu tư, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. "Mối tương quan thấp giữa các giá tài sản cũng là một dấu hiệu của ‘tâm lý thị trường giá tăng’. Lợi nhuận tương lai có thể bị giảm vì lợi nhuận ngắn hạn đang rất tốt", báo cáo viết.

Vì những lợi nhuận tiềm năng đó, Citi khuyên rằng sẽ là hợp lý cho nhà đầu tư khi sở hữu một lượng tiền số nhỏ, vì "những khoản đầu tư mang tính đầu cơ và cơ hội" như thế có thể "đóng một vai trò" trong các danh mục đầu tư – miễn là chúng không "lấn át" lợi nhuận của các tài sản truyền thống hơn như cổ phiếu và trái phiếu.

Mặc dù ngân hàng này không sẵn lòng loại bỏ hoàn toàn Bitcoin, nhưng họ rất hoài nghi rằng Bitcoin hay bất kỳ đồng tiền số nào trong gần 1.500 đồng tiền số khác hiện đang tồn tại sẽ sống sót, khi so sánh những đồng tiền kỹ thuật số với "vé số". Nói về những đồng tiền số khác, ngoài Bitcoin, các chiến lược gia của Citi viết: "Chúng tôi cho rằng nhiều đồng tiền số sẽ có một tương lai mờ mịt".

Nhưng tương lai đó cũng có thể xa vời hơn nhiều so với những gì mà nhiều người chỉ trích tiền số nghĩ. Giá trị của các cổ phiếu công nghệ vào lúc cao điểm của đợt bong bóng dot-com lớn gấp nhiều lần so với kích thước của thị trường tiền số hiện tại. Báo cáo của Citi thừa nhận rằng có thể sẽ mất một thời gian trước khi bong bóng tiền số bị vỡ: "Bong bóng có thể được hình thành một cách rõ ràng, được nhận diện đúng thời điểm, và chứng tỏ rất ‘bền’ trong một giai đoạn được tính bằng nhiều năm".

Theo Trí thức trẻ/Lược dịch từ Fortune

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…