Bộ GTVT cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong các tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hết tháng 6/2020, Bộ GTVT giải ngân được 13.388 tỷ đồng (33,7%) kế hoạch giải ngân cả năm. Dự kiến tới hết tháng 7 này, Bộ sẽ giải ngân được khoảng 16.587 tỷ đồng, đạt 41,7%. Như vậy, Bộ GTVT nằm trong số 10 bộ, ngành có kết quả giải ngân 6 tháng tốt nhất.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là bởi, vốn được bố trí cho Bộ GTVT, nhưng công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các địa phương, Bộ chỉ có thể hỗ trợ, phối hợp. Trong năm 2020, Bộ GTVT có tới khoảng 6.924 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Nhưng đến nay mới chỉ chi trả được khoảng 2.773 tỷ đồng và tiến độ chậm nhiều so với kế hoạch.

Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và cơ cấu tổng mức đầu tư một số dự án ODA cũng đang là vướng mắc, bởi một số dự án cần điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đã trình nhưng chưa được phê duyệt.

Tương tự, về thủ tục điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trung hạn với một số dự án đang triển khai thực hiện có tiến độ nhanh, nhu cầu giải ngân lớn nhưng vượt kế hoạch trung hạn đã giao cần điều chỉnh để có cơ sở bố trí vốn tiếp tục triển khai thi công.

Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án. Đây được coi là một vấn đề mang tính “đặc thù ngành” của các dự án giao thông công cộng trọng điểm hiện nay. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn cho rằng, khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công hiện nay là do công tác dự báo và lập kế hoạch, bởi Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó, thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án quá dài, thường kéo dài 2-3 năm, do đó thời gian còn lại để giải ngân vốn là rất ít.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, đối với nguồn vốn đầu tư công, cần xác định rõ các công trình, dự án cần ưu tiên đặc biệt với các tiêu chí cụ thể, từ đó chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo giải ngân hết vốn, cũng như phát huy vai trò “đòn bẩy” của đầu tư công. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của ngành giao thông, các cơ quan quản lý trực tiếp về đầu tư xây dựng và chất lượng công trình giao thông.

Có thể bạn quan tâm