CEO Phùng Minh Lương và chuyện những chiếc khẩu trang "chạm tới trái tim"

Ý tưởng của CEO Phùng Minh Lương được nhắc đến đó là tạo ra những chiếc khẩu trang độc đáo được thêu bằng tay với nhiều hoa văn bắt mắt như bông hoa, côn trùng, động vật. Để biến ý tưởng này thành hiện thực, chị đã hợp tác

Phùng Minh Lương - Người tạo ra chiếc khẩu trang chạm tới trái tim khách hàng và 3 bí quyết thành công

Ý tưởng của CEO Phùng Minh Lương được nhắc đến đó là tạo ra những chiếc khẩu trang độc đáo được thêu bằng tay với nhiều hoa văn bắt mắt như bông hoa, côn trùng, động vật. Để biến ý tưởng này thành hiện thực, chị đã hợp tác cùng với Đỗ Quyên Hoa - nhà thiết kế thời trang tại Hà Nội để tạo nên những chiếc khẩu độc, lạ này. Những chiếc khẩu trang độc đáo đó giờ đây không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là khẩu trang, mà nó đã trở thành phụ kiện thời trang cho cả nam và nữ.

Truyền thông nước ngoài đã tìm đến và đưa tin về những chiếc khẩu trang đặc biệt này. Cơ duyên nào giúp chị có ý tưởng sản xuất những chiếc thời trang như hiện tại?

Khi dịch Covid-19 xảy đến, nhìn từng kiện vải chất đống trong kho tôi buồn rầu khôn tả. Nhưng sau đó tôi đã linh hoạt chuyển tất cả vải có trong kho sang may khẩu trang thường và khẩu trang kháng khuẩn rồi bán với giá hỗ trợ người tiêu dùng chống dịch.

Trong quá trình làm khẩu trang kháng khuẩn thông thường, tôi đã nảy ra ý định khoác cho từng chiếc khẩu trang của mình một diện mạo mới và thời trang hơn khi phối kết hợp cùng các nhà thiết kế tại Việt Nam tạo ra những chiếc khẩu trang độc đáo, được thêu bằng tay với nhiều hoa văn bắt mắt như bông hoa, côn trùng, động vật...

Nghe chị kể có vẻ như DN của chị không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?

Ảnh hưởng mạnh chứ. Trước khi quyết định sản xuất khẩu trang thì Hương Ngọc Lan là DN chuyên cung cấp vải, nguyên phụ liệu, in ấn và sản xuất Uniform cho các trường học, công ty, nhà hàng, khách sạn, trang phục sự kiện. Đại dịch Covid-19 đã khiến Hương Ngọc Lan không ký được một hợp đồng nào về trường học vì các con và nhà trường nghỉ chống dịch, các sự kiện đều bị huỷ. Đại dịch cũng khiến nguyên phụ liệu vải vóc bị kẹt không về được để sản xuất; nhân sự bị thiếu vì một số nhân viên sau khi nghỉ Tết xong bị cách ly vì nằm trong vùng dịch…Hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, hợp đồng đồng phục không kí được, trong khi đó tiền điện, tiền nước, tiền nhà xưởng vẫn phải trả…

Khi chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang chúng tôi bán với giá bình ổn từ 4.000-5.000 đồng/chiếc, trong khi giá thị trường bán ra là 7.000 đồng/chiếc; ngoài ra chúng tôi còn đem khẩu trang đi tặng cho các địa phương có hoàn cảnh khó khăn nữa thế nên chuyện có lợi nhuận trong việc sản xuất khẩu trang là điều rất khó.

Tại sao chị vẫn quyết định chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang khi không có lợi nhuận?

Tôi quyết định thế bởi tôi thấy rằng, để doanh nghiệp hoạt động còn hơn là rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” bởi ngoài việc tạo được công ăn việc làm cho công nhân thì chúng tôi còn giữ được mối liên kết với các đối tác vì khi đó hầu như DN nào cũng cần đến mặt hàng này. Mặt khác, trong lúc cả nước đang rất khan hiếm khẩu trang, việc DN chúng tôi sản xuất ra mặt hàng này nhằm giải quyết phần nào khó khăn cho thị trường thì tôi nghĩ đó là “thắng lợi” lớn của chúng tôi trong mùa dịch rồi.

Sau khi hết dịch, chị có muốn tiếp tục phát triển mặt hàng khẩu trang thời trang này?

Trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, khẩu trang là vật dùng vô cùng cần thiết giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của thời tiết, ô nhiễm không khí. Tôi nghĩ sau đại dịch, mọi người sẽ càng nâng cao ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ của mình nên hy vọng việc sử dụng khẩu trang sẽ có tỷ lệ cao hơn so với khi chưa xảy ra đại dịch.

Hơn thế nữa, khi khẩu trang không chỉ còn là một vật dụng đơn thuần nữa mà đã trở thành một phụ kiện thời trang làm đẹp thì tôi cho rằng nhu cầu về mặt hàng này sẽ rất tiềm năng, do đó tôi sẽ vẫn tiếp tục sản xuất khẩu trang bên cạnh sản xuất các mặt hàng khác tôi đã làm trước đó.

Quay trở lại với câu chuyện khởi nghiệp, chị có thể chia sẻ cơ duyên nào khiến chị gắn bó với lĩnh vực may mặc này?

Tôi có niềm đam mê với thời trang khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, tôi đã đi làm thêm bằng việc làm ở các cửa hàng may đo thời trang mặc dù gia đình không phải là quá khó khăn. Niềm đam mê cứ thế dần lớn theo thời gian nên sau khi học xong THPT, tôi đã thi vào trường nghề chuyên về thiết kế thời trang.

Ra trường, tôi thành lập doanh nghiệp và thuận lợi là nhà chồng tôi cũng có doanh nghiệp chuyên về may mặc nên đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc.

Quá trình khởi nghiệp của chị có vẻ suôn sẻ khi nhà không quá khó khăn, gia đình chồng lại cùng lĩnh vực kinh doanh?

Thực ra cũng không suôn sẻ lắm. Bởi khi tôi thành lập doanh nghiệp không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ vì lo cho con gái sẽ vất vả. Không có nhiều vốn, tôi phải tự lặn lội sang tận Ninh Hiệp mua vải rồi gửi sản phẩm vào các công ty giới thiệu sản phẩm, chờ họ bán được hàng mới có vốn quay vòng…Tuy nhiên nhờ suy nghĩ tích cực kiểu “thua keo này ta bày keo khác” nên tôi vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình trong hoàn cảnh thiếu cái nọ hụt cái kia, rồi chết lên chết xuống bao phen, bị thương trường vùi dập tơi bời mới được như bây giờ.

Để thành công trong lĩnh vực này thì bài học rút ra là gì, thưa chị?

Nghề nào cũng có cái vất vả của nghề đó. Nhưng nếu có điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất đó là niềm đam mê thì chắc chắn sẽ thành công. Thứ hai là có sự liên kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Thứ ba là phải trường vốn. Tôi cho rằng ba yếu tố này rất quan trọng để quyết định mình điều hành doanh nghiệp có thành công hay không.

Xin cảm ơn chị và chúc doanh nghiệp của chị ngày càng phát triển hơn nữa

Nội dung: Hồ Hường
Đồ họa: Justin Bui

Có thể bạn quan tâm