Chìa khóa thành công trong cuộc đua xe điện Trung Quốc

Bên cạnh cuộc chiến về giá cả, các công ty xe điện Trung Quốc hiện đang cạnh tranh gay gắt trong phân khúc công nghệ hỗ trợ lái xe và các tính năng hiện đại khác được hỗ trợ bởi thiết bị chip bán dẫn…

im-930920.jpeg

Các công ty xe điện Trung Quốc không chỉ cạnh tranh trong cuộc chiến giá cả khốc liệt mà hiện còn đối đầu gay gắt trên mặt trận công nghệ chip bán dẫn.

2 thương hiệu Nio và Xpeng mới đây đã đưa ra thông báo về việc các chip ô tô do họ tự thiết kế đã sẵn sàng để sản xuất.

"Thật khó để khẳng định sản phẩm của bạn vượt trội hơn nếu bạn và đối thủ cùng sử dụng một loại chip silicon giống nhau cho hệ thống giải trí và lái xe thông minh”, ông Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights giải thích về lý do các nhà sản xuất ô tô điện đang có xu hướng chuyển sang sử dụng chip tự sản xuất.

Ông Tu Le dự đoán, cả Tesla và các công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc sẽ bắt đầu cạnh tranh trong việc thiết kế chip riêng, còn các nhà sản xuất ô tô truyền thống có khả năng vẫn sẽ dựa vào Nvidia và Qualcomm trong tương lai gần.

TÌM KIẾM THẾ MẠNH RIÊNG

Từ trước đến nay, phần lớn nhà sản xuất EV của Trung Quốc đều phải dựa vào chip của Nvidia. Riêng doanh thu từ mảng chip ô tô đã mang lại hơn 300 triệu USD mỗi quý cho Nvidia trong vài năm qua. “Đây là một trong những động lực tăng trưởng chính trong quý này vì mọi nhà sản xuất ô tô phát triển công nghệ xe tự lái đều sử dụng chip Nvidia trong các trung tâm dữ liệu của họ”, ban lãnh đạo công ty cho biết trong một cuộc gọi công bố kết quả tài chính.

Theo nhà phân tích cao cấp Alvin Liu của Canalys, lý do chính khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chú ý hơn đến việc tự phát triển hệ thống chip là vì thành công của Tesla trong công nghệ tự lái hoàn toàn. Năm 2019, Tesla được cho là đã chuyển từ chip Nvidia sang chip riêng của mình để đẩy mạnh mục tiêu phát triển xe tự hành.

Và bằng cách thiết kế chip riêng, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể tùy chỉnh các tính năng và giảm rủi ro chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, ông Alvin Liu không cho rằng vấn đề này sẽ có tác động đáng kể đến Nvidia trong ngắn hạn, vì các nhà sản xuất thường phải thử nghiệm công nghệ mới trong các lô nhỏ hơn ở phân khúc cao cấp của thị trường.

Vào cuối tháng 7, Nio tiết lộ việc hoàn thành thiết kế chip ô tô NX9031, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến 5 nanomet. "Đây là lần đầu tiên công nghệ 5 nanomet được áp dụng trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Tin mừng này dường như đã phá vỡ điểm nghẽn trong nghiên cứu và phát triển chip lái xe thông minh nội địa”, Florence Zhang, giám đốc tư vấn tại China Insights Consultancy nhận định.

Nio dự định chip trong mẫu sedan cao cấp ET9, dự kiến sẽ được giao hàng vào năm 2025.

https---cms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com-images-4-1-4-6-47146414-4-eng-GB-Cropped-170555779720240118+Caixin.jpeg

5 nanomet hiện là công nghệ tiên tiến nhất đối với ô tô vì hệ thống 3 nanomet chủ yếu được sử dụng cho các ứng dụng liên quan đến điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và trí tuệ nhân tạo.

Mặt khác, Xpeng dù không cung cấp thông tin về công nghệ nanomet trong chip Turing riêng nhưng hệ thống hỗ trợ lái xe của công ty này được coi là một trong những công cụ tốt nhất hiện có ở Trung Quốc.

TIÊU CHUẨN MỚI, XU THẾ MỚI

Các “ông lớn” trong ngành công nghiệp EV của Trung Quốc đang ngày càng nhận thức rõ ràng hơn tầm quan trọng của công nghệ chip đối với ô tô.

Nếu pin là nền tảng cho giai đoạn phát triển đầu tiên, thì chip bán dẫn là cơ sở cho giai đoạn tiếp nối thứ hai của ngành công nghiệp EV. Đây là chia sẻ của nhà sáng lập BYD, Wang Chuanfu tại cuộc họp báo do công ty chip hỗ trợ lái xe Horizon Robotics tổ chức. Ông Wang cho biết hơn 1 triệu xe BYD hiện sử dụng chip của Horizon Robotics.

Gần đây nhất, BYD thông báo dòng xe địa hình Fang Cheng Bao của họ sẽ hợp tác với Huawei để xây dựng hệ thống hỗ trợ lái xe.

Các hạn chế của Mỹ đối với việc bán chip Nvidia sang Trung Quốc chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất ô tô vì cho đến nay hầu hết các mẫu xe đều chưa yêu cầu công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất. Nhưng với xu hướng tập trung vào công nghệ lái xe dựa trên trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực trọng tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung - các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải cố gắng tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất của mình.

Nhìn sang thập kỷ tới, nhà sáng lập Xpeng He Xiaopeng đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp ô tô trí tuệ nhân tạo toàn cầu.

Khi được hỏi về khả năng tính toán để đào tạo công nghệ hỗ trợ lái xe, đại diện Xpeng nói với các phóng viên rằng ngay cả trước khi có các hạn chế của Mỹ, công ty đã làm việc với Alibaba Cloud. Quyền truy cập này đã mang lại cho Xpeng khả năng tính toán đám mây mạnh nhất trong số các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc.

im-931038.jpeg

Các chính sách khuyến khích của chính phủ, từ trợ cấp đến hỗ trợ xây dựng mạng lưới sạc pin, đã giúp xe điện phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Vào tháng 7, tỷ lệ thâm nhập của các phương tiện năng lượng mới, bao gồm ô tô chỉ sử dụng pin và ô tô hybrid, đã lần đầu tiên vượt qua mức 50% số xe chở khách mới bán ra ở Trung Quốc, theo dữ liệu ngành.

Quy mô đó đồng nghĩa với việc các công ty tiên phong trong ngành sẽ mang đến những đóng góp quan trọng cho quy trình thiết lập tiêu chuẩn mới về công nghệ ô tô. Chẳng hạn như loại bỏ nhu cầu về chìa khóa vật lý và thay vào đó tài xế có thể sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh.

Cách thức ứng dụng và thiết bị kết nối với người lái xe là một phần của bộ tiêu chuẩn sắp tới mà Car Connectivity Consortium đang hoàn thiện, theo tiết lộ của chủ tịch Alysia Johnson. Một phần tư thành viên của tổ chức này là các doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm Nio, BYD, Zeekr và Huawei. Apple, Google và Samsung cũng có mặt trong danh sách thành viên.

Theo chia sẻ, tổ chức đang cố gắng thiết lập nên tiêu chuẩn chung để cho phép tài xế xe Nio sử dụng điện thoại Huawei có thể chia sẻ "chìa khóa xe” với một người bạn sử dụng điện thoại Apple và lái xe Zeekr.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…