
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Andy Wang đã tìm mọi cách mua đồ tiếp tế từ rượu gạo đến hộp nhựa cho nhà hàng của mình ở khu Phố Tàu, New York. Wang cho biết cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã phả hơi nóng vào gáy ông cũng như những người kinh doanh tại khu Phố Tàu, New York. Mức tăng giá đối với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến Taiwan Pork Chop House mà ông thành lập cách đây 26 năm phải đóng cửa và buộc ông phải nghỉ hưu sớm.
"Tôi phải tích trữ để có thể duy trì chi phí hoạt động ổn định lâu nhất có thể", ông nói trả lời phóng viên tại tầng hầm nhà hàng của mình, xung quanh là ngổn ngang hàng hóa dự trữ. "Mọi thứ bạn thấy ở đây, bao gồm một số nguyên liệu thực phẩm, đều đến từ Trung Quốc và Hoa Kỳ không có sản phẩm thay thế hoặc có sản phẩm rất đắt tiền".
Chiến tranh thương mại đối với Phố Tàu New York còn tệ hơn cả tác động của 11/9
Wang là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ của người Mỹ gốc Hoa tại New York đang phải vật lộn để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tồi tệ nhất từ trước đến nay khi Washington và Bắc Kinh không có vẻ gì "sốt ruột" trong việc sớm đạt được thỏa thuận.
Việc tăng thuế mạnh tay của ông Trump đã giáng một đòn đặc biệt lớn vào cộng đồng vốn phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc để duy trì hoạt động. Không chỉ tại New York, các khu phố Tàu trên khắp nước Mỹ đang cảm nhận được tác động của cuộc chiến thuế quan đang leo thang, vì giá cả các mặt hàng gia dụng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm thuốc đông y, mì khô và đồ trang sức bằng ngọc đã bắt đầu tăng.
Theo nhóm vận động Chinatown Partnership của New York, tác động kinh tế còn tệ hơn những gì mà khu phố Tàu phải trải qua sau ngày 11/9, khi lượng khách hàng giảm mạnh trong nhiều tháng.

Thuế quan sẽ có tác động lâu dài và tàn phá đến cộng đồng người Mỹ gốc Hoa", giám đốc điều hành Wellington Chen của Chinatown Partnership cho biết. Là nơi có dân số người Hoa đông nhất trong số các thành phố của Hoa Kỳ, New York nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn bất kỳ nơi nào khác, trừ Thụy Sĩ và Úc.
Các nhà bán lẻ và doanh nghiệp cung cấp thực phẩm tại Mỹ gốc Hoa đặc biệt phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới để lấp đầy kệ hàng và trang bị cho nhà bếp của họ.
“Nó (cuộc chiến tranh thương mại và thuế quan_PV) sẽ tác động rất lớn”, Jasmine Bai, quản lý của Sun Vin Grocery, một cửa hàng nhỏ chủ yếu bán các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các thành phần hiếm khi tìm thấy trong các cửa hàng tạp hóa của Mỹ, như mì sợi đậu và bột hạt sen, cho biết. “Trong tương lai, có thể chúng tôi sẽ có ít khách hàng hơn và họ sẽ mua ít thực phẩm hơn”.
Theo Sở Dịch vụ Doanh nghiệp Nhỏ của New York, cư dân khu phố Tàu ở Hạ Manhattan chi 1,15 tỷ USD mỗi năm cho hàng hóa và dịch vụ bán lẻ, và khoảng 80% doanh nghiệp địa phương trong khu vực phục vụ trực tiếp cho cộng đồng người Hoa.
Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ khó có thể chuyển chi phí tăng do thuế sang những khách hàng nhạy cảm về giá mà không làm giảm doanh số.
“Tôi tính giá phải chăng nhưng vẫn có thể kiếm được lợi nhuận nhờ lấy hàng từ Trung Quốc”, Wang, người bán sườn heo chan cơm với giá 8,75 USD, một mức giá rẻ theo tiêu chuẩn của New York, cho biết. Nhưng mô hình kinh doanh của Wang có thể sụp đổ khi lệnh tăng thuế của ông Trump đẩy giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc lên cao.
Hoang mang và hỗn loạn
Đó là tình thế chung của các chủ doanh nghiệp nhỏ tại khu Phố Tàu New York. “Nhiều người không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hiện tại, họ rất lo lắng và thất vọng”, Siu, người đã điều hành một công ty lữ hành trong khu phố này trong 40 năm, cho biết.

Eva Sam, chủ sở hữu cửa hàng Popular Jewelry tại Thành phố New York, một doanh nghiệp gia đình nổi tiếng với các loại dây chuyền và mặt dây chuyền gắn đá quý tinh xảo được các nghệ sĩ hip hop ưa chuộng, cho biết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo nên cảm giác hỗn loạn trong các doanh nghiệp ở Phố Tàu.
Bà cho biết: "Những thay đổi đột ngột và mức thuế quan leo thang khiến việc ổn định giá cả hoặc cung cấp báo giá thống nhất cho khách hàng của chúng tôi gần như không thể".
Popular Jewelry lấy vàng 24 karat cũng như đá ngọc bích cắt và đánh bóng từ Trung Quốc. Cửa hàng đã phải tăng giá 10% đối với đồ trang sức nhập khẩu, Sam cho biết.
William Wong, con trai của Sam, thì cảm thán: "Rất khó để đưa ra quyết định dài hạn hay ngắn hạn, vì bạn không biết liệu mức thuế quan này có được áp dụng vĩnh viễn hay không hoặc liệu ông ấy có bãi bỏ thuế hay không".
Theo Welcome to Chinatown, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực, hầu hết các cửa hàng ở Chinatown tại Thành phố New York chỉ dự trữ đủ nhu yếu phẩm cho một hoặc hai tháng.
Daniel Dellaratta, một dược sĩ đã làm việc tại Phố Tàu trong 30 năm, cho biết: “Chúng tôi dự kiến trong vòng 90 ngày tới sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể đối với hầu hết các sản phẩm chung”.
“Không đời nào khách hàng của chúng tôi có thể chấp nhận mức giá tăng từ 100 - 200 USD trong một khoảng thời gian ngắn như vậy”, Wu Jianxi, tổng giám đốc Siêu thị C&A tại Flushing, một khu phố ở New York nổi tiếng với cộng đồng người Hoa, cho biết. “Họ sẽ phải cắt giảm chi phí”. Ba nhà bán buôn thực phẩm tại NYC cho biết các giao dịch của họ với các nhà cung cấp ở Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ khi Washington áp mức thuế mới nhất đối với Bắc Kinh. Deng Long, chủ sở hữu của Strong America Ltd, một công ty thương mại có trụ sở tại New York, cho biết các đối tác Trung Quốc của ông đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới vì triển vọng của cuộc chiến thuế quan vẫn chưa rõ ràng.
Deng cho biết: “Trung Quốc có vẻ như đã sẵn sàng tách khỏi Hoa Kỳ” và nói thêm rằng các nhà cung cấp Trung Quốc của ông tỏ ra không mấy quan tâm đến việc chia sẻ gánh nặng thuế quan.
Người mua Hoa Kỳ cũng đã rút đơn hàng. Tuần trước, Hei Chan, giám đốc của New Kam Man LLC tại Phố Tàu New York đã yêu cầu các đối tác Trung Quốc và Hồng Kông của mình hủy các lô hàng nấm khô trị giá hơn 1 triệu USD cho đến khi các tranh chấp về thuế quan được "giải quyết".
Sự sụt giảm trong nhập khẩu đã dẫn đến tình trạng tồn kho thấp trong số các nhà bán buôn, khiến một số trong số họ phải tính giá cao hơn hoặc hạn chế bán hàng. Deng của Strong America cho biết ông có kế hoạch tăng giá một nửa vào tuần tới sau khi tăng 10% trong tuần này.

“Với mức thuế 145%, tôi thà tặng không các sản phẩm Trung Quốc cho bạn còn hơn bán chúng với giá gốc”, Deng nói trong kho hàng của mình ở Long Island City, nơi hàng tồn kho đang giảm nhanh chóng.
Các nhà bán buôn khác bắt đầu đặt hạn ngạch bán hàng tối đa cho những người mua đang chạy đua tích trữ. Wang của Taiwan Pork Chop House cho biết anh chỉ có thể mua được một hộp bát dùng trong lò vi sóng sau khi đặt hàng sáu hộp. “Thật đáng thương,” ông nói. “Mọi người đều đang tích trữ.”
Việc tăng giá bán buôn đang bắt đầu lan sang bán lẻ. Sáu siêu thị Trung Quốc ở Phố Tàu và Flushing cho biết họ tăng giá các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất từ bánh gạo đến gia vị từ 10% đến 50% kể từ đợt tăng thuế mới nhất.
Giá cả sẽ còn tăng nữa vì hầu hết chủ doanh nghiệp Trung Quốc đều nghĩ rằng lượng hàng tồn kho họ mua trước khi thuế quan tăng sẽ hết trong vòng hai tháng.
Wu của C&A Supermarket cho biết giá hàng hóa Trung Quốc có thể "tăng vọt" ngay trong tháng tới khi thị trường bắt đầu phụ thuộc vào hàng nhập khẩu chịu mức thuế quan cao hơn.
Chúng ta không thể sống với mức thuế 145% chỉ trong một ngày”, ông nói.
Mei Zhu, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên phố Stockton, cũng lo ngại về tình trạng thiếu hàng dự trữ vì khách hàng đã cố gắng tích trữ sản phẩm để chờ giá tăng cao.
“Không còn gì để bán nữa”, Zhu nói, chỉ vào một hộp các tông rỗng có dán nhãn “muối”, giải thích rằng nhiều khách hàng đã mua tới mười lon cùng một lúc, mặc dù cửa hàng của cô không nhập khẩu muối từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Edward Siu, Chủ tịch Hiệp hội thương gia Chinatown tại San Francisco, cho biết khu phố Tàu của San Francisco cũng đang trải qua tình trạng bất ổn trong các doanh nghiệp khi các chủ doanh nghiệp hy vọng vào các cuộc đàm phán hiệu quả giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Siu kêu gọi chính phủ Mỹ và Trung Quốc hãy quan tâm đến những người dân bị ảnh hưởng bởi chính sách của họ, chẳng hạn như ông và những chủ doanh nghiệp người Mỹ gốc Hoa khác.
"Hiện tại, chúng ta đang ở trong vùng nguy hiểm", ông nói. "Tôi không muốn chiến tranh thương mại trở thành một cuộc chiến".