Chính quyền TT Biden yêu cầu Arab Saudi trì hoãn quyết định của OPEC thêm một tháng

Chính quyền TT Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Arab Saudi - nhà lãnh đạo trên thực tế của nhóm sản xuất dầu OPEC, trì hoãn quyết định cắt giảm sản lượng dầu của mình thêm một tháng.
Joe Biden
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden được chào đón bởi Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại Cung điện Hoàng gia Alsalam ở Jeddah, Ả Rập Saudi trong chuyến thăm vào ngày 15/7/2022.

Vào đầu tháng 10, OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu vào tháng 11 - mức lớn nhất kể từ năm 2020. Điều đó có nghĩa là nguồn cung sẽ bị thắt chặt, đẩy giá cả lên cao hơn vào thời điểm lạm phát tăng cao gây lo ngại về suy thoái toàn cầu. Đây là một động thái khiến các nhà lập pháp Hoa Kỳ tức giận - những người hiện đang kêu gọi "đánh giá lại" mối quan hệ của họ với Arab Saudi. 

Mới đây, Arab Saudi tiết lộ rằng chính quyền TT Mỹ Joe Biden đã yêu cầu OPEC trì hoãn quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm một tháng, sẽ là cho đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ.

Arab Saudi đã từ chối yêu cầu này. 

Trong một tuyên bố hôm 12/10, chính phủ Aran Saudi đã bảo vệ quyết định của mình và cho biết tất cả các quyết định của OPEC đều dựa trên các dự báo và nhu cầu kinh tế. “Thông qua cuộc tham vấn của Chính quyền Hoa Kỳ, Arab Saudi đã nói rõ rằng tất cả các phân tích kinh tế đều chỉ ra rằng việc trì hoãn quyết định của OPEC+ thêm một tháng, theo những gì đã được đề xuất, sẽ gây ra những hậu quả kinh tế tiêu cực”. 

Đáp lại các tuyên bố của Arab Saudi, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Trong những tuần gần đây, Arab Saudi đã truyền đạt lại với chúng tôi - cả riêng tư và công khai - về ý định giảm sản lượng dầu, điều mà họ biết sẽ giúp làm tăng doanh thu cho Nga và giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế. Đó là hướng đi sai lầm,” ông Kirby nhấn mạnh. “Chúng tôi đã trình bày với Arab Saudi bản phân tích để cho thấy rằng không có cơ sở thị trường nào để cắt giảm mục tiêu sản xuất và họ có thể dễ dàng chờ đợi đến cuộc họp OPEC tiếp theo để xem mọi việc thay đổi hay tiến triển như thế nào.”

Ông Kirby nói thêm, dù không đưa ra ví dụ, rằng các thành viên OPEC khác phản đối động thái của Arab Saudi và nhắc lại lời thề của chính quyền TT Biden trong việc xem xét lại mối quan hệ với Riyadh. “Các quốc gia OPEC khác đã trao đổi riêng với chúng tôi rằng họ cũng không đồng ý với quyết định này, nhưng cảm thấy bị buộc phải ủng hộ hướng đi của Arab Saudi. Như Tổng thống Joe Biden đã nói, chúng tôi đang đánh giá lại mối quan hệ của mình với Arab Saudi dựa trên những hành động này và sẽ tiếp tục tìm hiểu xem lập trường của họ về cuộc chiến Nga - Ukraine thực sự là như thế nào.”

Trước đó vào 11/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng sẽ có "hậu quả" đối với việc cắt giảm sản lượng dầu của Arab Saudi, điều mà vương quốc này đang thực hiện cùng với sự phối hợp của các thành viên OPEC khác và các đồng minh ngoài OPEC như Nga. Nhiều ý kiến ở Washington coi đây là một hành động “dè bỉu” và thể hiện rõ ràng việc Arab Saudi đứng về phía Moscow.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã thúc giục chính quyền cắt giảm việc kinh doanh vũ khí cho Arab Saudi, một trong những “khách hàng” hàng đầu của Mỹ và khuyến khích việc thông qua dự luật NOPEC. 

Riyadh đã bác bỏ cáo buộc thực hiện bất kỳ động thái có động cơ chính trị nào của Hoa Kỳ. “Trước tiên, Chính phủ Vương quốc Arab Saudi muốn bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố không dựa trên thực tế và các cáo buộc sai lầm về quyết định của OPEC+. Quyết định này đã được tất cả các quốc gia thành viên của nhóm OPEC+ nhất trí thực hiện ”.

Arab Saudi

Arab Saudi xin khẳng định rằng kết quả của các cuộc họp OPEC+ đều được thông qua bởi sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên và không dựa trên quyết định đơn phương của một quốc gia duy nhất. Những kết quả này hoàn toàn dựa trên những cân nhắc kinh tế trong đó bao gồm việc duy trì cân bằng nguồn cung và cầu trên thị trường dầu mỏ”.

Các diễn biến mới đây làm nổi bật thêm những căng thẳng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ gần 80 năm giữa Mỹ và Arab Saudi khi cả hai bên đều cho rằng đối phương không thể duy trì cam kết trong thỏa thuận về một mối quan hệ hữu nghị dựa trên nguyên tắc năng lượng vì an ninh.

Arab Saudi bên cạnh đó cũng nhấn mạnh mức độ kiểm soát của Washington đối với chính sách năng lượng của Saudi và OPEC.

James Swanston, nhà kinh tế Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London, nhận xét: “Mối quan hệ giữa Arab Saudi và Mỹ đã trở nên tồi tệ sau khi OPEC+ chọn cắt giảm hạn ngạch dầu mỏ - khi Arab Saudi rõ ràng đang ‘rời xa quỹ đạo’ của Mỹ”.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Arab Saudi vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tiếp tục mối quan hệ song phương. “Chúng tôi muốn khẳng định rằng mình luôn xem mối quan hệ với Hoa Kỳ là một mối quan hệ chiến lược phục vụ lợi ích chung của cả hai quốc gia. Arab Saudi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục củng cố các yếu tố vững chắc đã duy trì mối quan hệ trong suốt tám thập kỷ qua. Các yếu tố này bao gồm tôn trọng lẫn nhau, tăng cường lợi ích chung, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế, chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, và đạt được thịnh vượng cho các dân tộc trong khu vực”.

Xem thêm

Khó cản sự phục hồi của giá dầu?

Khó cản sự phục hồi của giá dầu?

OPEC + có vẻ sẽ cắt giảm sâu hơn nữa sản lượng dầu khi nhóm tổ chức cuộc họp vào 5/10 và việc EU đạt được thoả thuận áp trần giá dầu Nga đều có thể gây tác động trực tiếp tới thị trường dầu.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…