Washington doạ thúc đẩy NOPEC, ai gánh chịu?

Nhà Trắng tuyên bố sẽ sớm tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của OPEC+ với giá năng lượng. Theo giới chuyên gia, việc thúc đẩy thêm dự luật NOPEC có thể được thực hiện.
Washington doạ thúc đẩy NOPEC, ai gánh chịu?

OPEC và OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Động thái này được thiết kế để thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu thô, vốn đã giảm xuống khoảng 80 USD/thùng từ mức hơn 120 USD vào đầu tháng 6.

Quyết định của OPEC+ được đưa ra ngay sau khi EU tuyên bố đạt được thống nhất về việc áp giá trần đối với dầu của Nga. Thêm nữa, giá dầu tăng thêm 2% ngay sau quyết định trên càng khiến người Mỹ không hài lòng, đặc biệt khi  thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống giữa nhiệm kỳ tháng 11/2022 đã tới gần.

Phản ứng lại quyết định của OPEC+, Nhà Trắng đã công khai bày tỏ sự tức giận, chỉ trích động thái này là vô cùng "thiển cận”, đồng thời ám chỉ rằng Quốc hội Mỹ sẽ sớm tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của nhóm đối với giá năng lượng.

Theo ông Dan Yergin, Phó chủ tịch S&P Global nhận định: “Trước hết, đây được coi là đòn giáng mạnh vào ông Joe Biden, người đã đến Arab Saudi vào tháng 7 qua. Thứ hai, bằng một cách nào đó, nó sẽ có tác động vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ, mặc dù việc cắt giảm sẽ chưa có hiệu lực cho đến tháng 11”.

Herman Wang, biên tập viên điều hành mảng tin tức OPEC và Trung Đông tại S&P Global Platts, nói với CNBC rằng OPEC+ đang thực hiện việc cắt giảm sản lượng sâu với tầm nhìn dài hơn nhằm đưa họ vượt qua cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn.

Nhưng nó lại đến vào một thời điểm khó khăn về mặt chính trị đối với Hoa Kỳ, khi nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, và điều cuối cùng mà Nhà Trắng muốn thấy là giá xăng dầu tăng vọt", vị này nói.

sản xuất dầu

Một số chuyên gia, như trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, ông Vishnu Varathan ​​nhận định: “OPEC+ có thể chống lại phương Tây bằng việc vũ khí hóa năng lượng. Việc cắt giảm nguồn cung dầu được coi như sự phản đối với lệnh áp trần giá dầu của Nga và khẳng định mong muốn của tổ chức về mức giá ổn định, chứ không chỉ là công cụ hỗ trợ thị trường.

TT Mỹ Joe Biden đã đến thăm chính phủ Arab Saudi vào tháng 7 trong nỗ lực tăng cường sản xuất dầu và kiểm soát giá năng lượng tăng cao. Chuyến đi là một phần trong nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao với Riyadh, vốn không tích cực từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018. Tuy nhiên, nhiều tuần sau đó, OPEC+ chỉ tăng sản lượng dầu lên 100.000 thùng/ngày.

Arab Saudi cũng đã hơn một lần khẳng định quan hệ hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia đã làm ổn định thị trường dầu toàn cầu, bất chấp phản ứng giận dữ của Mỹ và phương Tây với Nga liên quan tới cuộc chiến Ukraine.

Mỹ ẩn ý thúc đẩy Dự luật NOPEC?

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết TT Biden "thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ về việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ukraine. 

Chính quyền Biden cũng sẽ tham khảo ý kiến ​​của Quốc hội về các công cụ và cơ quan chức năng bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng.”, Nhà Trắng nói thêm.

Điều này khiến các nhà phân tích tại Citibank cho rằng, có thể sẽ có thêm các phản ứng chính trị từ Mỹ, như phát hành bổ sung các cổ phiếu chiến lược cùng với một số ‘đòn chủ chốt’ bao gồm cả việc thúc đẩy thêm dự luật NOPEC. 

Dự luật “Không Sản xuất và Xuất khẩu Dầu” (No Oil Producing and Exporting Cartels), hoặc NOPEC, được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ khỏi các đợt tăng giá đột biến. 

OPEC

Dự luật của Hoa Kỳ - đã thông qua một ủy ban của Thượng viện vào đầu tháng 5 nhưng vẫn chưa được ký thành điều luật - có thể cho phép Hoa Kỳ kiện các nước OPEC và đối tác khi họ điều phối cắt giảm nguồn cung làm tăng giá dầu thô toàn cầu.

Các bộ trưởng các nước xuất khẩu hàng đầu của OPEC trước đây đã chỉ trích dự luật NOPEC, cảnh báo rằng dự luật này sẽ mang lại sự hỗn loạn lớn hơn nữa cho thị trường năng lượng.

Trong khi đó, khi được hỏi vào hôm 5/10 liệu liên minh có đang sử dụng năng lượng như một vũ khí hay không, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Thái tử Abdulaziz bin Salman trả lời: “Hãy chỉ ra cho tôi xem đâu là hành động khiêu chiến. Chấm hết.

Ai gánh chịu?

Sự kiên quyết của OPEC+ trong chiến lược ngăn chặn sự biến động thay vì nhắm vào một mức giá dầu cụ thể có thể buộc Mỹ phải cân nhắc trước khi tạo thêm bất cứ áp lực lên giá dầu bằng cách thúc đẩy NOPEC. Trong trường hợp chính quyền Tổng thống Joe Biden không từ bỏ mục tiêu này, châu Âu có thể sẽ  một lần nữa chịu liên đới?

Trên thực tế, sau những lệnh trừng pháp áp dụng lên nguồn cung năng lượng Nga, các doanh nghiệp Mỹ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống ở thị trường châu Âu.

Đầu tháng 8/2022, số liệu tuần của Chính phủ Mỹ cho thấy nước này đã xuất khẩu 5 triệu thùng dầu thô/ngày. Theo những dự báo lạc quan, Mỹ sẽ xuất khẩu bình quân hơn 4 triệu thùng/ngày trong những tháng tới và năm 2023.

Phần lớn số dầu này được xuất sang châu Âu và xu hướng này được dự báo sẽ duy trì trong hai năm tới.

Đáng lưu ý, cuối tháng 3/2022, một tháng trước thời hạn doanh nghiệp Mỹ phải hoàn thành giao dịch nhập khẩu dầu, các sản phẩm dầu, khí hóa lỏng và than từ Nga vào nước này, theo báo cáo mới của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khối lượng nhập khẩu dầu Nga của Mỹ đã tăng 43% từ ngày 19 đến 25/3 so với tuần trước đó. Dữ liệu cho thấy Mỹ đã nhập khẩu tới 100.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày.

Không chỉ vậy, mới đây, Wall Street Journal đưa tin, với việc lỏng lẻo trong kiểm soát, các chủ hàng và nhà chế biến vẫn giấu nguồn gốc nhiên liệu khi cung cấp ra thị trường thế giới. Do đó, các bang New York và New Jersey của Mỹ vẫn nhận được một phần sản phẩm được làm từ ​​nguyên liệu thô của Nga.

Chính quyền TT Biden cũng đang chuẩn bị giảm quy mô trừng phạt đối với Venezuela để cho phép Chevron Corp tiếp tục khai thác dầu ở đó, điều này có thể giúp thúc đẩy nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Dẫu vậy, không phải châu Âu không nhìn thấy thực tế này. Trên tờ báo Đức NOZ ngày 5/10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói thẳng: "Một số nước, bao gồm các nước thân thiện, đôi lúc đặt giá cao ngất ngưởng. Dĩ nhiên, điều này mang tới những vấn đề mà chúng ta buộc phải bàn tới".

Bộ trưởng Kinh tế Đức kêu gọi sự đoàn kết từ Mỹ, mong Washington hỗ trợ kiềm chế giá nhiên liệu hiện nay ở châu Âu.

Có thể bạn quan tâm