Chống độc quyền với các tập đoàn công nghệ lớn: Hoa Kỳ muốn gì?

Facebook, Google đang phải đối mặt với 04 cuộc điều tra chống độc quyền từ Mỹ. Thậm chí, Amazon và cả Apple cũng đang nằm trong tầm ngắm. Việc tiến hành điều tra diện rộng các “Big Tech” – tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ đang tạo nên nhiều biến động.
Chống độc quyền với các tập đoàn công nghệ lớn: Hoa Kỳ muốn gì?

Đánh giá tác động?

04 cái tên được nhắm đến trong các cuộc điều tra này, không hề xa lạ, chính là Google, FacebookAmazonApple. Đây vốn là những công ty công nghệ - Big Tech có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống và hành vi tiêu dùng của hầu hết người dân Mỹ.

Hiện, Google đang bị điều tra với những cáo buộc về việc ưu tiên hiển thị các dịch vụ và sản phẩm của mình trong hệ thống kết quả tìm kiếm cũng như trên hệ điều hành Android. Trong khi đó, Facebook lại bị chỉ trích về bảo mật quyền riêng tư của người dùng, khả năng xử lý thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch.

Đến thời điểm này, Ủy ban Thương mại Liên bang - FTC đã điều tra và phạt Facebook vì hành vi bảo mật. Cơ quan này cũng được trao thẩm quyền điều tra Amazon về các vi phạm độc quyền nếu có dấu hiệu vi phạm. Bộ Tư pháp Mỹ - DOJ thì thực hiện một cuộc đánh giá sức ảnh hưởng và sự thống trị của 4 Big Tech này trên thị trường. Đây được nhận định là cuộc đánh giá sâu rộng chưa từng có.

Trong khi nhóm luật sư của 8 tiểu bang của Mỹ, thậm chí có cả Washington. DC tiến hành điều tra Facebook thì có đến 48 tiểu bang khác nhau tuyên bố nhắm vào Google để đánh giá sức ảnh hưởng của DN này trong ngành quảng cáo. Chỉ riêng California – nơi Google đặt trụ sở và bang Alabama vẫn chưa tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào. Đại diện truyền thông của California cho biết, chưa có quyết định điều tra nào tính đến thời điểm này. Thậm chí, Abalama còn không có phản hồi trước những câu hỏi liên quan của giới truyền thông.

Mục đích của tất cả các cuộc điều tra đều là nhằm đánh giá sức ảnh hưởng của các Big Tech. Đơn cử là sự thống trị của Google trong ngành quảng cáo trực tuyến có bất công với các DN nhỏ hay không? Với Facebook, các nhà lập pháp Mỹ muốn biết, liệu trang mạng xã hội này có tham gia vào một cuộc cạnh tranh thông tin hay không khi thu thập được quá nhiều dữ liệu từ hàng tỷ người sử dụng trên toàn thế giới.

Trong khi đó, phía Hạ viện Mỹ thì tiến hành điều tra với kỳ vọng, kết quả của cuộc điều tra sẽ trở thành căn cứ để điều chỉnh Luật chống độc quyền – giúp người dùng mạng xã hội “dễ thở” hơn với những điều khoản trong các ứng dụng được vận hành bởi các công ty công nghệ này.

Hay là động thái nắn gân?

Các chính khách ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang rất “tích cực” chỉ trích sự thống trị của các ông trùm công nghệ trong khi một số ứng cử viên tổng thống đã kêu gọi chia tách các tập đoàn này.

Các cuộc điều tra trên của chính quyền Mỹ diễn ra khi sự bất mãn của người dùng ngày càng tăng đối với các tập đoàn công nghệ do lỗi bảo mật và bảo vệ dữ liệu. Sự thống trị trong ngành quảng cáo, marketing, bán hàng và dịch vụ trực tuyến... cũng là nguyên nhân khiến các DN này rơi vào vòng xoáy điều tra.

Thậm chí, án phạt còn vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ của Hoa Kỳ khi Liên minh Châu Âu đã phạt tiền Google và Facebook nhằm xử phạt những vi phạm về chống độc quyền công nghệ. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng, từ điều tra cho tới xét xử để ra phán quyết là cả một chặng đường dài. Thực tế, có rất nhiều cuộc điều tra ở Mỹ đã không thể đi tới xét xử do nhiều vấn đề liên quan hay đơn giản là cơ quan quản lý không nắm chắc phần thắng nếu khởi kiện.

Thực chất, việc các Big Tech bị điều tra chống độc quyền không phải là điều mới. Năm 2011, FTC đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào hoạt động tìm kiếm trực tuyến của Google nhưng đã kết thúc chỉ một năm sau đó. Sau sự việc này, Google đã cải cách phương thức kinh doanh để tránh vi phạm Luật chống độc quyền, ngay cả khi các biện pháp khắc phục không đạt được như kỳ vọng.

Và cũng bắt đầu từ đó, những cuộc điều tra chống độc quyền cũng được thường xuyên thực hiện. Điều này làm cổ phiếu của các công ty này giảm sút từ 4% - 7%, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Tuy nhiên, các nhà quan sát đánh giá, trọng tâm của các cuộc điều tra này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Chính vì vậy, mọi cuộc điều tra đến bây giờ vẫn chỉ là dần dần mở rộng phạm vi. Các kết quả thu được cũng chỉ nhằm “tái đánh giá” các tác động của Big Tech đến nền kinh tế và cộng đồng DN Mỹ.

Còn nhiều hơn thế?

Truyền thông Mỹ đánh giá, khi liên tục tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền với các Big Tech, Chính phủ Mỹ muốn - thêm một lần nữa - chia nhỏ các tập đoàn công nghệ này, phân tán thế lực để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các DN công nghệ thuộc “phân khúc dưới” phát triển. Nhưng quan trọng hơn, chính phủ Mỹ có thể quản lý chặt chẽ và khiến các DN này hoạt động minh bạch.

Ý định chia nhỏ này vốn được Hoa Kỳ nhem nhóm thực hiện từ những năm 1990 với cuộc điều tra chống độc quyền đình đám mà Bộ Tư pháp Mỹ nhắm vào Microsoft. Cuộc chiến ấy liên quan đến việc Microsoft muốn “đo ni đóng giày”trình duyệt tìm kiếm Internet Explorer vào Windows như một cách để duy trì sự thống trị của trình duyệt trong hệ điều hành của hãng.

Cuộc chiến dài hơi này đã khiến cả giới hành pháp Mỹ và tỷ phú Bill Gates tốn nhiều tiền của. May mắn là Bill Gates và Microsoft vẫn “bình an vô sự” sau cuộc điều tra. Hai thập kỷ sau đó, Microsoft trở thành một trong số ít các công ty công nghệ lớn của Mỹ không chịu sự giám sát theo quy định tại chính quyền Washington. Và với các cuộc điều tra chống độc quyền đang diễn ra với 04 Big Tech như hiện nay, Bill Gates, có lẽ là người hiểu rõ nhất “bản chất” cũng như nắm rõ “quy tắc” của cuộc chiến.

Đã không dưới một lần, tỷ phú Bill Gates cho rằng, không nên hủy hoại các gã khổng lồ công nghệ vì “họ sáng tạo và hợp pháp”. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, tỷ phú này khẳng định, “bạn phải thực sự cân nhắc xem đây có phải là điều tốt nhất không. Thay vào đó, bạn chỉ nên nói rằng hành vi nào đó của một công ty là sai trái và cần bị cấm. Giải tán hay chia tách một công ty không phải là giải pháp”.

Nhưng chính sự lớn mạnh đó đã khiến nhiều DN Mỹ chịu ảnh hưởng. Đã có 80 DN công nghệ (giấu tên) gửi đơn lên Bộ Tư pháp Mỹ để “kêu than” về sự ảnh hưởng của các Big Tech. Nhiều DN đã khiếu nại về những “hợp đồng độc quyền” của Google và Amazon với một số điều khoản dành cho nhà cung cấp, khách hàng... Thực trạng này khiến cộng đồng DN công nghệ Mỹ (nói riêng) phát triển “lệch” hay tạo ra những hệ luỵ đến từ việc “cạnh tranh không bình đẳng”.

Google đang xử lý 2/3 số lượt tìm kiếm trực tuyến và chiếm 37% tổng ngân sách chi tiêu quảng cáo trực tuyến – một thống kê phản ánh sức ảnh hưởng của các công ty công nghệ top đầu làng công nghệ Mỹ. Hiện, truyền thông Mỹ đang râm ran thông tin, có khả năng giới chức trách Mỹ sẽ mua lại WhatsAppInstagram của Facebook nhằm quản lý chặt chẽ hơn các Big Tech. Nhưng đó có thể chỉ là các bước đi tạm thời.

Bảng xếp hạng các website có lượng truy cập lớn nhất tại Mỹ trong 20 năm
Bảng xếp hạng các website có lượng truy cập lớn nhất tại Mỹ trong 20 năm

DOJ và FTC cùng đồng ý rằng, Google hay Facebook và cả Amazon đều đã trở nên quá quyền lực. Thậm chí, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren - một ứng cử viên Tổng thống đã đưa ra kế hoạch chi tiết về cách giải tán bộ 3 Big Tech này. Nhưng các Big Tech phát triển nhanh và trở nên quyền lực hơn là điều khó tránh khỏi trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, mọi quốc gia đều muốn bước vào cuộc đua số hoá, tự động hoá...

Và để giải thể một cỗ máy khổng lồ luôn không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt khi các cỗ máy ấy đang tạo nên diện mạo và sức ảnh hưởng mới cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Khi công nghệ trở thành “một phần tất yếu” của kinh tế, gắn với sự phát triển của quốc gia thì chính quyền Mỹ, không còn cách nào khác, là “uốn” nó theo hướng phù hợp với sự khả năng quản lý của chế độ chính trị. Lúc đó, những động thái như cuộc điều tra chống độc quyền này, có lẽ lại là một bước đi phù hợp để duy trì tốc độ phát triển của các Big Tech này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…