Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn: Ông trùm bất động sản sa cơ thành “chúa nợ”, vướng vòng lao lý

Từ ông trùm bất động sản máu mặt ở Trung QUốc, chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn hiện vướng vòng lao lý, tương lai bất định. 

Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn: Ông trùm bất động sản sa cơ thành “chúa nợ”, vướng vòng lao lý

Ông Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) chính là người thành lập nên tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande. Lời hứa biến các làng quê thành thành phố với nhiều tiện ích cho tầng lớp trung lưu đã biến ông trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

Trước đây, ông vốn là 1 doanh nhân máu mặt tại Trung Quốc, có mối quan hệ thân cận với các quan chức chính phủ. Nhưng hiện tại, ông Hui đang bị cơ quan chức năng giám sát vì những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Câu chuyện cuộc đời của ông Hui, từ cậu bé nghèo ở làng quê đến tỷ phú bất động sản, trước đây đã khiến ông trở thành biểu tượng cho sự hứa hẹn lớn lao của sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Người mua đổ xô mua căn hộ của Evergrande ở hàng trăm thành phố trên khắp Trung Quốc, thường là bán trước cả nhiều năm khi tòa nhà hoàn thành. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, tập đoàn này báo cáo doanh số bán hàng lập đỉnh khi giá nhà tăng mạnh.

Những rắc rối của Evergrande bắt đầu xuất hiện vào năm 2020. Thị trường bất động sản nóng của Trung Quốc bắt đầu nguội dần sau chiến dịch của chính phủ nhằm hạ nhiệt thị trường. Ngoài ra, những biện pháp thắt chặt nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã làm giảm chi tiêu cho bất động sản và bắt đầu khiến những khách hàng có ý định mua nhà cảm thấy sợ. Năm 2021, Evergrande không thể thanh toán các khoản nợ đối với một số bên cho vay. Kể từ đó, các khoản nợ xấu của họ ngày càng gia tăng.

Evergrande đã báo cáo có khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Công ty đã đệ đơn xin phá sản ở New York vào tháng tám vừa qua, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết nợ với các chủ nợ trái phiếu nước ngoài. Trong một báo cáo gửi cho Sàn giao dịch Chứng khoán Hong Kong vào ngày thứ năm, Evergrande thông báo rằng ông Hui bị cơ quan chức năng nghi ngờ về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuyên bố này dường như xác nhận thông tin từ các báo cáo tin tức rằng ông Hui đang bị giám sát bởi cảnh sát, một hình thức tạm giam tại nhà. Hiện ông Hui 64 tuổi, vẫn còn là tỷ phú nhưng không còn là người giàu nhất Trung Quốc nữa.

HUI KA YAN LÀ AI?

Sinh ra tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ông Hui được nuôi dưỡng bởi bà nội trong cảnh nghèo đói ở nông thôn. Mẹ ông đã qua đời khi ông chỉ vừa tròn một tuổi. Ông nhớ lại tuổi thơ cơ cực khi phải ăn những chiếc bánh bao, bánh mì mốc khi tới trường.

Lớn lên, ông Hui nói rằng ông dự định trở thành một thợ xây để có thể nhận lương đều đặn. "Lúc đó, tôi rất muốn được người khác giúp đỡ và háo hức để có một công việc, rời bỏ nông thôn và cuộc sống ăn bột mỳ mãi mãi", ông Hui nói trong một bài diễn thuyết năm 2018. Nhưng khi các trường đại học mở cửa sau Cách mạng Văn hóa, ông đã nhập học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Wuhan và làm việc trong một nhà máy thép thuộc sở hữu nhà nước trong một thập kỷ.

ever1.jpgÔng Hui khi niêm yết cổ phiếu Evergrande vào năm 2009.

Ông thành lập Evergrande tại thành phố phía nam Guangzhou vào năm 1996, trong thời điểm chính phủ đang cố gắng di dời hàng trăm triệu người từ nông thôn vào thành phố. Ông mua hàng trăm khu đất và hứa biến chúng thành các tòa tháp căn hộ đô thị. Bị thu hút bởi tiện ích cho tầng lớp trung lưu - như gần các phương tiện giao thông công cộng và các trường học tốt - người mua đổ xô về các căn hộ của ông, và Evergrande bán được nhiều căn hộ hơn so với các nhà phát triển bất động sản khác.

Sau khi niêm yết cổ phiếu Evergrande vào năm 2009, ông Hui đổ lợi nhuận từ bất động sản vào các lĩnh vực không liên quan khác. Evergrande đã mua câu lạc bộ bóng đá tốt nhất của thành phố Guangzhou vào năm 2010, chi hàng tỷ USD cho các cầu thủ nước ngoài trong nhiều năm. Một số khoản đầu tư khác của ông Hui, bao gồm phát triển xe điện và y học truyền thống Trung Quốc. Công ty thậm chí đã thuê Jackie Chan làm hình ảnh đại diện cho dự án nước khoáng.

SỰ SỤP ĐỔ

Để đảm bảo mở rộng quy mô của Evergrande trên toàn quốc, công ty đã vay mượn khá nhiều. Công ty đã vay tiền từ các ngân hàng và thậm chí cả nhân viên của mình. Cuối cùng, công ty đã vay nhiều hơn những gì họ có thể trả lại.

Nhưng sau đó vào năm 2021, Evergrande bắt đầu không thể thanh toán được các khoản nợ. Trước đây nằm trong số các cổ phiếu có hiệu suất cao nhất trong nước, cổ phiếu của công ty giảm sút do lo ngại về khả năng công ty có thể trả lại nợ và hoàn thành xây dựng các căn hộ.

Người mua nhà đã biểu tình trên nhiều đường phố. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đưa Evergrande vào tình trạng cảnh báo để giải quyết nợ. Công ty đã gặp khó khăn trong việc bán đi một số tài sản của mình để huy động vốn.

Trước đây được định giá là 43,8 tỷ USD, tài sản ước tính của ông Hui giảm xuống còn 3 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo của công ty nghiên cứu Hurun, một công ty theo dõi người giàu tại Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc chưa công bố bất kỳ thông tin nào về cuộc điều tra về ông Hui. Evergrande, đã tạm ngừng giao dịch cổ phiếu của mình trong quá trình đàm phán với các chủ nợ. Trong một tuyên bố vào ngày thứ hai, phía công ty nói rằng họ không có thông tin mới về tình hình tại công ty, mặc dù có cuộc điều tra về ông Hui.

Sau đề nghị mở lại giao dịch cổ phiếu của công ty chính và đơn vị dịch vụ bất động sản, hôm nay cổ phiếu Evergrande đã được giao dịch trở lại, tăng tới 42% trong phiên sáng ngày 3/10, ngoài ra cổ phiếu của Evergrande Property Services Group Ltd cũng tăng gần 14%.

Những vấn đề của Evergrande trở nên căng thẳng hơn vào tháng trước, sau khi họ huỷ bỏ các cuộc họp quan trọng với chủ nợ và xem xét lại kế hoạch tái cơ cấu nợ ở nước ngoài. Hơn nữa, tập đoàn này sẽ có một phiên điều trần vào ngày 30/10 tại toà án Hong Kong, khi nhận được yêu cầu giải thể và có thể buộc tập đoàn này phải thanh lý tài sản.

Willer Chen, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Forsyth Barr Asia Ltd., cho biết: “Cổ phiếu Evergrande thực sự biến động mạnh và có những diễn biến đầy bất ngờ. Tôi không chắc có nhà đầu tư nào dám mua trong tình huống này".

ever3.jpg
Cảnh sát Trung Quốc trước cửa trụ sở chính của Evergrande.

Theo thông báo của Evergrande, tuần trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã thông báo cho công ty rằng Chủ tịch Hứa Gia Ấn đã phải chịu “các biện pháp quản thúc bắt buộc” do liên quan đến “các cáo buộc nghi ngờ về hành động bất hợp pháp”. Công ty này không nói rõ đó là những biện pháp nào hay ông bị nghi ngờ với những cáo buộc gì.

Tờ Wall Street Journal cho biết, giới chức Trung Quốc đang điều tra xem liệu ông Hứa có đang cố gắng chuyển tài sản ra nước ngoài hay không, trong bối cảnh Evergrande còn đang chật vật để hoàn thiện các dự án đang dang dở.

Một hồ sơ khác của công ty con Property Services thuộc Evergrande cho biết: “HĐQT công ty cho rằng mọi hoạt động vẫn đang diễn ra bình thường”. Tuy nhiên, hồ sơ của tập đoàn Evergrande không nói đến vấn đề này, mà chỉ khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng khi xem xét đến cổ phiếu này.

LẶNG LẼ BÁN TÀI SẢN

Các trái chủ ở nước ngoài của Evergrande đang tập trung vào tài sản ở nước ngoài của tập đoàn này, khi kế hoạch tái cơ cấu nợ của tập đoàn càng trở nên khó khăn sau khi người sáng lập bị điều tra tội hình sự.

Trong tuần này, quá trình tái cơ cấu nợ của Evergrande trở nên phức tạp hơn nữa sau khi trụ sở chính bị điều tra. Theo giới phân tích, việc chậm trễ tái cơ cấu nợ sẽ làm tăng nguy cơ tập đoàn bị thanh lý.

Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Evergrande phải bán siêu du thuyền dài 60m với giá 32 triệu USD trong quy trình bán bớt tài sản không cốt lõi.

Một nguồn tin khác xác nhận việc bán du thuyền đã diễn ra. Phát ngôn viên Evergrande chưa phản hồi đề nghị bình luận.

Khi ông Hui bị điều tra, giới phân tích và đầu tư đang băn khoăn rằng ai sẽ điều hành các hoạt động của tập đoàn và điều gì sẽ xảy ra với kế hoạch tái cấu trúc nợ ở nước ngoài.

Evergrande là tập đoàn nợ “khủng” nhất thế giới, với tổng số nợ lên đến hơn 300 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng của tập đoàn này từ năm 2021 gây tác động nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc và cả thị trường toàn cầu.

Sau khi vỡ nợ trái phiếu bằng đô la Mỹ hồi cuối năm 2021, Evergrande đang trong quá trình thuyết phục các chủ nợ chấp thuận cho tái cấu trúc khoản nợ nước ngoài trị giá 31,7 tỷ USD, bao gồm trái phiếu, tài sản thế chấp và mua lại.

Ngày 26/9, một nhóm chủ nợ nước ngoài của Evergrande lên kế hoạch tham gia vụ kiện đòi thanh lý tài sản của Evergrande nếu tập đoàn này không nộp kế hoạch cải tổ nợ mới vào cuối tháng 10.

Evergrande có ít tài sản hơn nhiều so với tổng số nợ 31,7 tỷ USD ở nước ngoài. Việc tập đoàn bán du thuyền Event cho thấy các chủ nợ nước ngoài sẽ có rất ít lựa chọn trong bất kỳ quy trình thanh lý tài sản nào.

Event được bàn giao năm 2012 và nhận Giải thưởng siêu du thuyền thế giới sau 1 năm, theo thông tin trên trang web của hãng đóng tàu Hà Lan Amels. Theo báo chí Trung Quốc, giá trị của du thuyền này khoảng 60 triệu USD.

Các nguồn tin cũng cho biết, một chiếc máy bay Boeing riêng của Evergrande được bán vào tháng 7 năm ngoái, với giá 100 triệu USD.

Trước đó, Reuters đưa tin Evergrande bán 2 máy bay phản lực Gulfstream. Theo Wall Street Journal , cũng trong năm 2021, Evergrande huy động được hơn 50 triệu USD từ việc bán 2 chiếc máy bay cho các nhà đầu tư Mỹ.

Có thể bạn quan tâm