Trong cuộc họp báo cuối tuần vừa qua, Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn cam kết sẽ bàn giao cho người mua trong tháng 12/2021 số lượng nhà gần gấp 4 lần so với 3 tháng trước đó.
"Kể từ khi công ty lâm vào khó khăn, Evergrande đã bàn giao chưa tới 10.000 căn hộ trong giai đoạn tháng 9, tháng 10 và tháng 11", ông Hứa cho biết, "trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc tháng 12, tập đoàn cần phải đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo bàn giao 39.000 căn hộ thuộc 115 dự án phát triển cho khách hàng trong tháng 12 này".
Cam kết trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi cơ quan quản lý bất động sản Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ giải quyết các rủi ro phát sinh từ việc các hãng bất động sản lớn quá hạn bàn giao nhà ở. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà.
Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc, Evergrande đang lún sâu trong "núi" nợ lên đến hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Hiện tập đoàn này đang chật vật để trả nợ cho các trái chủ và nhà đầu tư sau khi mắc kẹt trong chiến dịch siết chặt quản lý lĩnh vực bất động sản của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, tập đoàn Evergrande đã khẳng định có thể thanh toán một số khoản nợ.
Trong nỗ lực nhằm trả bớt nợ, gần đây, Evergrande nhiều lần khẳng định sẽ hoàn tất các dự án đang dở dang để bàn giao nhà cho khách hàng, bất chấp việc tập đoàn không thể trả khoản thanh toán hơn 1,2 tỷ USD trong đầu tháng 12.
Trước đó, khó khăn trong việc thanh toán cho các nhà cung cấp và nhà thầu do khủng hoảng nợ đã dẫn đến những cuộc biểu tình kéo dài của người mua nhà và các nhà đầu tư tại trụ sở chính của Evergrande ở Thẩm Quyến trong tháng 9.
Kể từ đó, tập đoàn bất động sản này cố gắng bán bớt tài sản và cắt giảm cổ phần tại nhiều doanh nghiệp khác, với việc Chủ tịch Hứa trả một số khoản nợ bằng tài sản cá nhân.
Chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở chính, đang giám sát chặt chẽ quá trình tái cơ cấu nợ của tập đoàn này, giữa bối cảnh Chính phủ Trung Quốc không "lỏng tay" trong công tác quản lý đối với thị trường bất động sản.
Mặc dù thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng tài chính bất động sản để ngăn sự đổ bể có hệ thống trong lĩnh vực này, nhưng các quan chức hàng đầu đã cho biết Trung Quốc sẽ không sử dụng lĩnh vực bất động sản như một công cụ để kích thích nền kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn.
Thay vào đó, Trung Quốc sẽ thiết lập một cơ chế để thúc đẩy sự phát triển lâu dài của ngành bất động sản, đồng thời duy trì sự ổn định về kỳ vọng của thị trường, cũng như giá đất và bất động sản.