Chuyện của nữ tướng ngân hàng nhảy qua làm giáo dục

Gần 20 năm làm ngân hàng, từng là CEO của 2 ngân hàng ngoại tại Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy bất ngờ chuyển qua làm giáo dục với tư cách Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam.

Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam

- Ở Việt Nam, đã có thời vàng của ngành ngân hàng, khi đây là ngành hot, muốn giàu phải qua ngân hàng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lần lượt các sếp ngân hàng ngã ngựa, vướng vào lao lý. Từng có gần 20 năm gắn bó với tư cách sếp lớn của ngân hàng ngoại, chị nghĩ sao về điều này?

- Cá nhân mình chưa bao giờ nghĩ ngân hàng là ngành kinh doanh có thể mang lại siêu lợi nhuận, như đã từng có giai đoạn thực tế ở Việt Nam đã chứng minh như vậy.

Để một ngân hàng có được mức lợi nhuận 10-12% đã khá khó khăn, lên 16% nhiều khi chỉ có ngân hàng Australia mới đạt được vì thị trường nội địa của họ rất mạnh về tiêu dùng.

Cuối cùng mọi người đã nhìn thấy hậu quả của việc tin rằng có thể thu lãi rất nhanh từ hoạt động kinh doanh ngân hàng.

- Những cú vấp của lãnh đạo ngân hàng có ảnh hưởng đến quyết định rời ngành này của chị?

- Cũng không hoàn toàn vì những chuyện vòng lao lý, rủi ro đâu. Mình biết nếu mình vẫn gắn bó với hệ thống ngân hàng nước ngoài thì rủi ro khá thấp. Nhưng qua 17-18 năm ở hệ thống ngân hàng, đến lúc mình nên tìm kiếm hướng làm mới lại mình. Việc gì cũng vậy, nằm mãi một chỗ, làm mãi một công việc thì dù công việc vẫn tốt nhưng sẽ không tốt cho cả tổ chức lẫn cá nhân.

Đó là lí do mình tìm lĩnh vực mà mỗi ngày mình thức dậy, đến công sở, thấy vẫn có nhiều thứ để say mê, tìm tòi, học hỏi từ các bạn đồng nghiệp.

Không tạo ra những ngôi sao lẻ loi

- Tại sao lại là giáo dục, thưa chị?

- Có lẽ xuất phát từ kinh nghiệm của mình ở ngân hàng. Điều say mê nhất với mình không phải là đạt được chỉ tiêu của năm, tăng doanh thu, tăng tài sản ngân hàng 3-4 lần. Điều mình yêu thích nhất là làm việc với con người, xây dựng đội ngũ và tạo điều kiện cho đội ngũ ấy phát triển hết năng lực.

Mình cho rằng quan trọng nhất không phải là không tạo ra những ngôi sao, mà không tạo ra những ngôi sao lẻ loi. Mình muốn có được đội ngũ đều say mê làm việc, cống hiến, qua đó chứng minh được khả năng của mình, để không phải ở tổ chức này, mà ở các tổ chức tương lai cần họ. Các cá nhân giỏi ấy tập hợp với nhau, thành 1 đội ngũ cùng nhau làm những việc trước đó từng nghĩ là không thể.

Đó là điều mình sung sướng nhất trong 7 năm làm việc ở Việt Nam trong ngành ngân hàng.

Với kinh nghiệm như vậy, mình nhận ra việc gì đụng chạm đến con người là mình thích. Và có lẽ giáo dục là cái đụng nhiều nhất đến con người.

- Kinh nghiệm đó giúp được gì cho cá nhân chị khi làm giáo dục?

- Nhiều người cho rằng khi tuyển nhân viên, tốt nhất hãy tuyển những người đã có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực đó. Với mình, kinh nghiệm không phải là cái quan trọng nhất. Tinh thần, thái độ, và sự say mê với công việc họ chuẩn bị làm quan trọng hơn nhiều. Kinh nghiệm cần vài tháng, 1 năm có thể đào tạo được nếu người ta có niềm say mê.

Mình muốn chọn ra được những người không nhất thiết phải có lý lịch 10-20 năm trong lĩnh vực, thậm chí chưa từng có chút kinh nghiệm nào, nhưng khi nói chuyện thấy sự say mê, nhạy cảm trong công việc mình muốn giao. Những người ấy khả năng thành công rất cao và sẽ mang lại cái mới hoàn toàn so với những người ngồi vị trí đó 5-10 năm.

Nhiều người cứ tính thuê người 10-12 năm kinh nghiệm, số người tìm được đã ít, nhưng với người như vậy, họ sẽ ở lại với mình được bao lâu.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao ý định thư về tài trợ cho đại diện Đại học Fulbright. Ảnh: Thanh Tuấn.
Khi bắt đầu làm ANZ, mình cũng tập trung vào đào tạo ngay từ đầu, nhận những bạn có sở thích say mê được thể hiện qua vòng phỏng vấn. Đơn cử, có bạn sở thích thường ngày là học đàn từ bé, thích chơi piano, mỗi ngày tập 2-3h. Mình nghĩ ngay một người kiên trì, luôn tập trung cao để theo đuổi một thứ người ta thích thì là phẩm chất đáng quý. Thực tế bạn ấy sau này rất thành công trong ngân hàng, dù thời điểm đó bạn ấy mới chỉ là sinh viên ra trường được 2-3 năm.

- Tư duy của một người làm ngân hàng có gì cản trở chị khi làm giáo dục?

- Với ngân hàng, sếp của bạn đánh giá kết quả làm việc dựa trên lợi nhuận. Mình làm giáo dục lại khác trong một đại học phi lợi nhuận nên không cần quan tâm lắm kết quả lợi nhuận.

Tuy nhiên, mình vẫn mang tư duy làm thế nào chi phí phải xứng đáng, 1 đồng bỏ ra phải có ích. Nhiều khi điều này là cản trở, vì anh buộc phải chi tiền để chuẩn bị cho một tương lai dài. Vòng đời của trường không phải 1-5 năm giống như cơ quan kinh doanh mà hàng trăm năm, anh phải đầu tư ngay từ đầu để chuẩn bị cho tương lai dài đó.

- Ngã rẽ hoàn toàn khác, thách thức lớn nhất với chị là gì?

Giáo dục không thể năm nay làm cái này, năm sau làm cái khác được. Tất cả những gì chúng ta làm hôm nay cho giáo dục, thì sản phẩm đó ảnh hưởng hết cả cuộc đời người mua của mình.

Nói cách khác, trách nhiệm tạo sản phẩm lớn hơn rất nhiều, sản phẩm ấy phải có khả năng tồn tại và có ích trong thời gian dài. Ví dụ, dạy gì đó mà 3-4 năm nữa kiến thức hoàn toàn xóa sổ vì công nghệ thay đổi, thì các bạn ấy làm gì.

- Sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, chị phải thay đổi gì không?

- Có chứ. Mình phải nhìn nhận mọi chuyện một cách cởi mở, không có định kiến, bởi vì môi trường giáo dục thay đổi rất nhanh.

Giáo dục giờ khác trước, không cửa đóng then cài nữa nhờ tiếp cận thông tin mở, google. Ngồi trong bếp, ngoài phố, quán cafe, các bạn vẫn học được. Khái niệm lớp học bây giờ sẽ như thế nào. Vì thế, mình phải thay đổi hàng ngày. Mình đã cố gắng, dù không thành công lắm, để nghĩ theo cách các bạn 14-15 tuổi bây giờ. Đó là thách thức nhưng cũng rất thú vị.

- Vai trò của một nhà ngân hàng trong vai mới ở ngành giáo dục?

Một là phải bảo đảm rằng tài chính của trường được đầy đủ và cân đối. Thứ hai là áp dụng nguyên tắc quản trị trước đây, làm được tốt cho xã hội, cho học sinh và cho phụ huynh như những gì mình muốn con mình được hưởng.

Quyết định và đánh đổi

- Trong khi nhiều người Việt bây giờ chỉ tìm mọi cách đưa con ra nước ngoài, thì suốt thời gian 2 năm ở Mỹ, 10 năm ở Singapore, chị vẫn để con lại Việt Nam. Chị có tiếc nuối?

- Mình nghĩ rất rõ ràng: Mình biết trước sau con gái mình cũng học ở nước ngoài, nên mình muốn dành đoạn đầu đời của cháu để cháu tập trung học ở trường Việt, sống giữa bạn bè, thầy cô Việt Nam, để vẫn giữ được chất Việt Nam trong con người của cháu.

Vì như mình đã chia sẻ, cái cạnh tranh sau này, cũng như cạnh tranh khi mình đi học ở nước ngoài không phải ở chỗ nói tiếng Anh thành thạo như người bản xứ, hòa đồng 100% như người bản xứ. Anh làm được điều đó nhưng anh vẫn cần cái gì đó riêng của cá nhân mình. Có cái khác ấy, người ta mới muốn tìm hiểu, kết bạn, để họ thấy mình có điểm gì đó để đóng góp, chia sẻ.

- Chị có bị chỉ trích vì lựa chọn ấy?

Có chỉ trích, cũng có người quan tâm, lo âu. Nhưng đến giờ mình có thể khẳng định đó là quyết định sáng suốt và thành công. Nhưng đây là trường hợp của cá nhân mình và con gái mình thôi, vì phụ thuộc tính cách của con gái nữa.

- Con gái từng hờn trách mẹ vì như thế?

Không biết có không nhưng con không thấy nói. Nhưng dù sao lúc đó công nghệ cũng phát triển, hàng ngày mẹ con vẫn nói chuyện qua skype, nên khá dễ dàng. Mình cũng làm dự án ở Việt Nam nên cũng có nhiều cơ hội đi về và hè thì cháu sang Singapore, tham gia một số hoạt động của mẹ.

Đưa con đi mà mẹ không chăm được, phải thuê người giúp việc chăm con trong khi ở nhà mình có ông bà, lại là những nhà giáo dục tốt, thì mình phải lựa chọn, ai giáo dục con mình tốt hơn.

- Đâu là những bí quyết quản trị thành công của chị?

- Cũng như phương châm sống, trong quản trị, nhất là quản trị con người, nếu như mình tổ chức các hoạt động quản trị giống như mình muốn người ta quản trị mình thì thường là thành công. Ví dụ như mình muốn đến cơ quan vui vẻ, hạnh phúc thì không lý do gì mình tạo nên một môi trường làm việc căng thẳng, mọi người lúc nào cũng nói xấu nhau, làm việc sau lưng nhau vì đó có phải là môi trường làm việc mình muốn đâu.

- Làm sếp nữ ở Việt Nam có khó khăn gì không, thưa chị?

- Mình không nghĩ Việt Nam có khó khăn gì khi phụ nữ làm lãnh đạo về mặt xã hội. Đây là một xã hội phụ nữ được tạo điều kiện thuận lợi trong làm việc nếu anh muốn làm. Phụ nữ có hỗ trợ của gia đình, bản thân xã hội, nam giới không có kỳ thị. Ở xã hội phương Tây, bước trần kính rất rõ ràng.

Việc làm lãnh đạo với phụ nữ Việt thực ra là lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhiều người không thích làm lãnh đạo đâu.

Khi anh quyết định thì trong cuộc đời không có gì hoàn hảo được cả, sẽ phải hi sinh thời gian ở với gia đình, con cái...

- Cá nhân chị có phải đánh đổi?

- Có chứ. Thời gian cho gia đình ít hơn rất nhiều. Khi mình làm ở nước ngoài, con gái vẫn học ở Việt Nam. Mình đưa ra quyết định cá nhân không đưa con theo vì có lựa chọn cho con mình.

Người ngoài nhìn vào có người bảo, ừ chị cũng phải đánh đổi nhiều đấy nhỉ. Nhưng trong tất cả quyết định đó, mình đều có tính toán rất cụ thể, có sự lựa chọn rất rõ ràng.

- Lời khuyên của chị dành cho các bạn trẻ?

- Nếu có đưa lời khuyên gì thì sẽ là đừng nên hoạch định cái gì xa quá, để cuộc đời giới thiệu cho mình những ngả rẽ khác nhau. Tại ngả rẽ đó, cũng cần chấp nhận một số rủi ro, hay điều chưa biết, để thử sức mình. Những điều chưa biết đến ấy, đều thú vị, đáng để thời gian bỏ công sức, đầu tư cho nó.

Theo Phương Loan/Zing

>> Chủ thẻ ANZ bỗng dưng bị 'bốc hơi' gần 31 triệu đồng 

Có thể bạn quan tâm