Cổ phiếu dệt may "ngấm đòn" Covid-19

Ngành dệt may chào đón năm 2020 với nhiều kỳ vọng sáng đến từ việc Hiệp định EVFTA được thông qua sau một thời dài trì hoãn. Tuy nhiên, mọi ước tính đã bị đảo lộn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều cổ phiếu dệt may đã giảm khá sâu.
Cổ phiếu dệt may "ngấm đòn" Covid-19

Theo thông tin từ các doanh nghiệp dệt may, trong thời gian từ trung tuần tháng 3/2020 liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng hầu hết các đơn vị thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Thương hiệu càng cao thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng lớn, và chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi. Dự đoán tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng chậm.

Ép chặt giữa 2 cú sốc

Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020.

 Thiệt hại ước tính với ngành dệt may Việt Nam lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 (riêng tập đoàn Dệt may Việt Nam ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng); và nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành dệt may đang nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng (Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhập khoảng 120 triệu USD nguyên liệu/tháng), nếu giả thiết khách hủy 20% đơn hàng thì sẽ ngành có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng (Tập đoàn là 24 triệu USD), tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển.

Ước đến hết năm 2020, số hàng tồn kho trong hai tháng 4 và tháng 5/2020 của toàn ngành sẽ mất 50% giá trị, tương ứng khoảng 300 triệu USD (Tập đoàn mất khoảng 24 triệu USD).

Đáng chú ý, Tập đoàn Dệt may đưa ra giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5, và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại do Covid-19  lên tới 11.000 tỷ đồng, và tập đoàn sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu, ngành dệt may còn đau đầu về nguồn cung bởi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đã cho đóng cửa nhiều nhà máy và hạn chế hệ thống giao thông vận tải trong nước và giao thương với nước ngoài.

Sự gián đoạn về sản xuất tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp dệt may thế giới do Trung Quốc đóng vai trò lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, chiếm tới 54% sản lượng ngành dệt may của thế giới trong năm 2018.

Theo Tổng cục Hải Quan, Việt Nam nhập khẩu 11,5 tỷ USD nguyên vật liệu dệt may từ Trung Quốc trong năm 2019. Hơn nữa, khoảng 60% lượng vải dùng cho sản xuất trong nước được nhập khẩu từ Trung Quốc, cho thấy sự gián đoạn này có ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất dệt may của Việt Nam.

Mãi cho đến gần đây, khi số ca nhiễm đã giảm mạnh và chỉ còn vài ca nhiễm mới mỗi ngày, Trung Quốc mới cho mở lại các cơ sở sản xuất, nhưng việc khởi động lại sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi những nước khác cần có thời gian.

Cổ phiếu lĩnh đủ

Trong một tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán đang chứng kiến đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu dệt may trước tâm lý bi quan của nhà đầu tư về diễn biến dịch Covid-19 không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới.

Cho tới nay, Covid-19 đã lan rộng ra 197 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, khiến hơn 420.000 người nhiễm bệnh và hơn 18.000 người tử vong. Do đó, “Tiêu cực” là đánh giá của CTCK SSI về tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực dệt may.

Ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nhóm dệt may là cổ phiếu MPT của CTCP Tập đoàn Trường Tiền với hơn 40% hiện chỉ còn giao dịch tại mức giá 1.000 đồng/cp. Tiếp theo đó là  cổ phiếu MSH của May Sông Hồng với gần 37% xuống còn 27.000 đồng/cp, thậm chí Chứng khoán SSI còn loại bỏ cổ phiếu này ra khỏi danh sách cổ phiếu ưa thích.

Đều ghi nhận mức giảm hơn 30% là cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư Thương mại TNG và GMC của May Sài Gòn, TCM của Dệt may Thành Công. Ngoài ra, các cổ phiếu khác như EVE của Everpia, FTM của Fortex, TDT của Đầu tư và Phát triển TDT, STK của Sợi Thế Kỷ...đều ghi nhận mức giảm hơn 20%.

Nhìn chung, trước những khó khăn hiện hữu của ngành dệt may, tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vừa để đáp ứng nhu cầu khẩu trang cấp thiết trên thị trường, vừa để cầm cự qua mùa dịch Covid-19.

Mới đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cũng đã yêu cầu các đơn vị thành viên cần tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; Áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32 - 40 giờ/tuần, làm việc luân phiên, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động.

Ngoài ra, để tìm cách giải cứu cho ngành dệt may, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu các doanh nghiệp cần quan tâm đến thị trường nội địa.Có thể ít tiền hơn xuất khẩu song thị trường trong nước vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho doanh nghiệp.

Do đó, một số phân tích vẫn đánh giá cơ hội đầu tư cổ phiếu dệt may vẫn còn nhưng sẽ phân hóa mạnh theo triển vọng từng doanh nghiệp, khó trở lại giai đoạn tăng đồng đều như nửa cuối năm 2018.

Có thể bạn quan tâm