Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng liên tục duy trì ở mức cao, có thời điểm chạm mốc 2.400 USD/ounce nhờ nhu cầu đối với các kênh tài sản trú ẩn an toàn ngày càng nở rộ khi tình hình kinh tế và chính trị có nhiều biến động. Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất các ngân hàng trung ương cũng làm tăng sức hấp dẫn cho vàng.
Điều này được nhìn thấy rõ nhất tại Trung Quốc, khi người tiêu dùng "loay hoay" trong một nền kinh tế đang chật vật để phục hồi sau đại dịch. Họ cũng đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho chứng khoán, khi thị trường đã liên tục xuống dốc trong vài năm qua. Và sự hỗn loạn trên thị trường đã trở thành động lực lớn cho vàng.
Mặc dù vàng - giống như hầu hết các mặt hàng giao dịch quốc tế được tính bằng đồng USD – thậm chí còn đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 5% so với đồng USD, nhưng “cơn sốt vàng” vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt ở Trung Quốc.
Ngay cả các nhà đầu tư Gen Z tại quốc gia tỷ dân cũng đã bắt kịp xu hướng và tham gia vào “cơn sốt vàng” tại nước này với hy vọng tận dụng tối đa số tiền tiết kiệm ít ỏi mà họ có. Giới trẻ lựa chọn những cách thức đầu tư nhẹ nhàng hơn như những hạt đậu vàng có kích thước nhỏ và giá thành phù hợp hơn với túi tiền.
Nhưng sự phổ biến của việc đầu tư vàng trong thời gần đây, cả ở người lớn tuổi và giới trẻ, cũng đã vô tình làm gia tăng các vụ lừa đảo ở Trung Quốc.
LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN
Theo chính phủ nước này, hàng nghìn người tiêu dùng đã bị lừa mua phải vàng giả – vàng kém chất lượng hoặc nhân tạo – sau khi săn lùng các mặt hàng vàng 999 giá rẻ trên mạng Internet.
Vàng nguyên chất nhất thường được gọi là vàng 999, vì nó có hàm lượng vàng là 99,9%. Đôi khi nó còn được gọi là vàng 24 carat.
Shaun Rein, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc cho biết: “Vàng giả đang trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc khi ngày càng nhiều người muốn bỏ tiền tiết kiệm vào vàng”.
Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu tiêu dùng vàng thỏi hàng đầu, sau khi nước này vượt qua Ấn Độ vào năm 2023 để trở thành nước mua vàng trang sức lớn nhất thế giới. Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.
“Nhu cầu cao về vàng kết hợp với sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để phân biệt giữa vàng 24 carat và vàng chất lượng thấp, đã tạo cơ hội những kẻ lừa đảo lộng hành”, ông Shaun Rein nhấn mạnh.
Các báo cáo về sự gia tăng lừa đảo đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương và các trang web bảo vệ người tiêu dùng như Heimao Tousu, một nền tảng dịch vụ tiêu dùng bên thứ ba thuộc công ty công nghệ Sina.
Một người dùng được cho là đã mua 5 mặt dây chuyền vàng với giá 1.985 nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 280 USD) trên nền tảng thương mại điện tử trực tuyến Taobao cho biết, anh phát hiện ra vàng là giả sau khi tiến hành thử lửa. Vàng giả sẽ sẫm màu hơn hoặc lộ ra màu xanh lục khi đặt dưới ngọn lửa, trong khi vàng nguyên chất sẽ sáng hơn khi tiếp xúc với nhiệt.
Một người dùng khác cũng phàn nàn về việc mua phải một sản phẩm vàng từ nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo, nhưng sau một vài lần sử dụng lại bị rỉ sét. Người dùng khẳng định đã mang nó đến một thợ kim hoàn để thẩm định và được cho biết đó là hàng giả.
Cả Taobao và Pinduoduo đều không trả lời yêu cầu bình luận của CNBC.
CẨN TRỌNG KHI ĐẦU TƯ
Trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng khỏi những kẻ lừa đảo, chính phủ Trung Quốc gần đây đã ban hành hướng dẫn về cách xác định tính xác thực của đồ trang sức bằng vàng.
Các hướng dẫn này bao gồm việc lắng nghe âm thanh khi nó được ném xuống sàn hoặc nhỏ axit nitric lên đồ dùng bằng vàng. Nếu giọt axit có màu xanh lục tức là sản phẩm được làm bằng kim loại thông thường hoặc được mạ vàng. Nếu không có biến đổi gì xảy ra thì có khả năng đó là vàng thật.
Ngoài ra, một người tiêu dùng quen với vàng có thể phát hiện ra vàng giả dựa trên trọng lượng và kích thước của nó, theo ông Nikos Kavalis, đối tác sáng lập của công ty tư vấn nghiên cứu kim loại quý Metals Focus cho biết.
Mặc dù vậy, ngoài các dấu hiệu và phương thức đơn giản để nhận biết, vẫn khó để người tiêu dùng có thể xác định chắc chắn rằng liệu một sản phẩm mà họ mua có phải là vàng thật hay không bởi công nghệ làm giả ngày nay vô cùng tinh vi.
“Điều quan trọng mà người tiêu dùng có thể làm để tự bảo vệ mình là mua hàng từ các nguồn có uy tín, cho dù đó là trực tuyến hay tại cửa hàng”, ông Nikos Kavalis nhấn mạnh.
Hàng giả vốn không phải là hiện tượng mới ở Trung Quốc. Quốc gia này vẫn luôn được nhắc đến như nguồn cung hàng giả và hàng lậu lớn nhất thế giới, được thúc đẩy bởi những người mua chủ động tìm kiếm hàng giả và cả những người không biết rằng họ đang mua phải hàng giả.
“Hàng giả vẫn tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, từ vàng cho đến những chiếc túi xách Chanel nhái”, giám đốc điều hành Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc Shaun Rein chỉ ra.
Việc bán và mua vàng trực tuyến dù đang mở rộng nhanh chóng nhưng mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng tiêu thụ vàng ở Trung Quốc bởi hầu hết người tiêu dùng vẫn lựa chọn mua vàng ở các cơ sở cửa hàng truyền thống, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết.
“WGC vẫn luôn nhắc nhở người tiêu dùng không nên đánh đổi sự an toàn khi mua vàng với mức giá thấp đáng ngờ”, đại diện của Hội đồng Vàng Thế giới chia sẻ với CNBC trong một lưu ý.