Theo Bloomberg, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016.
Fed nhận định lạm phát đã tăng lên đáng kể trong khi thị trường lao động đang thắt chặt lại. Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thì nhận định các điều kiện về thị trường lao động và lạm phát đã diễn ra đúng như mong đợi. Điều này cho phép Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Do đó, mức mục tiêu cho lãi suất liên bang (tức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng) nằm trong khoảng 0,5 – 0,75%.
"Các quan chức Fed còn dự báo sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, mỗi lần tăng 0,25%. Dự báo, năm 2017 lãi suất sẽ ở mức 1,375%, đến năm 2018 lãi suất liên bang sẽ ở mức 2,125%.
Bloomberg cũng thông tin rằng, bất chấp những rủi ro từ kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ vẫn đang khởi sắc và tiến gần hơn đến các mục tiêu mà Fed đề ra. Trung bình năm 2016, Mỹ có thêm 180.000 việc làm mới mỗi tháng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,6% trong tháng 11 (thấp nhất 9 năm). Tỷ lệ lạm phát sắp chạm mốc mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã vững chắc tiến tới mốc mục tiêu 2% mà Fed đề ra, khi mà tỷ lệ thất nghiệp ngày càng giảm sâu và Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Những diễn biến này có thể thúc đẩy Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn.
Ai sẽ là những đối tượng bị tác động nhiều nhất?
Những người vay mượn nhiều nhất sẽ bị ảnh hưởng nhất. Việc tăng lãi suất cũng sẽ làm đồng đô la Mỹ trở nên mạnh hơn. Nhiều công ty và các nước tại các thị trường mới nổi đã tăng vay nợ bằng đồng đô la Mỹ nhưng thu nhập của họ lại chủ yếu được tính bằng đồng tiền bản địa, do đó việc thanh toán nợ của họ sẽ trở nên đắt đỏ hơn khi đồng đô la Mỹ tăng giá.
Việc tăng lãi suất của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến cách các nhà đầu tư nhìn nhận rủi ro. Nếu họ có thể kiếm được lợi nhuận hấp dẫn hơn bằng cách đầu tư vào Mỹ, họ có thể tránh xa các khoản đầu tư ở các quốc gia rủi ro hơn.
Việc Mỹ tăng lãi suất cũng xảy đến ở một thời điểm tồi tệ đối với nhiều nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những quốc gia dựa vào xuất khẩu các mặt hàng cơ bản. Giá dầu, kim loại và các mặt hàng nông sản đã giảm mạnh, nên các công ty và chính phủ có thể sẽ phải đối mặt với chi phí vay cao hơn tại một thời điểm khi mà nguồn thu từ khai khoáng và sản phẩm nông nghiệp cũng đang giảm.
Và bởi vì các mặt hàng cơ bản thường được định giá bằng đồng đô la Mỹ, việc đồng tiền này tăng giá càng khiến giá các mặt hàng cơ bản này giảm thêm nữa.
Về mặt tích cực, đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể là điều tốt cho các nền kinh tế châu Âu và châu Á khi nó đồng nghĩa với việc giá các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ trở nên rẻ hơn.