Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay có sự góp mặt lần đầu tiên của một vị Tổng thống Mỹ kể từ năm 2000, ông Donald Trump, dự báo sẽ làm nóng nghị trường Diễn đàn kinh tế thế giới hơn bao giờ hết, với cuộc đối đầu giữa một bên bảo vệ chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại, với một bên là nước Mỹ với học thuyết “Nước Mỹ trên hết” và chính sách bảo hộ.
Bản “Báo cáo Rủi ro toàn cầu” công bố hồi tuần trước đã dự báo nguy cơ đối đầu sâu sắc về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc trong năm nay. Nếu như ở Diễn đàn Davos 2017, sự có mặt và những cam kết mở cửa đầu tư và ủng hộ tự do hóa thương mại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý thì ở diễn đàn năm nay, sự tham gia lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại được dự báo sẽ dẫn tới những màn tranh cãi gay gắt về chính sách giữa nhà lãnh đạo nền kinh tế số một thế giới với những nước ủng hộ toàn cầu hóa.
Phát biểu tại Thụy Sĩ, một ngày trước chuyến đi của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gửi đi thông điệp tới người đứng đầu nước Mỹ khi khẳng định “chủ nghĩa bảo hộ không phải là câu trả lời” cho các vấn đề của thế giới. Theo bà, các chính sách đóng cửa hay biệt lập sẽ không mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho các quốc gia.
“Chúng tôi tin rằng, nếu mọi thứ không được thực hiện một cách công bằng và các cơ chế không phải là tương hỗ, thì chúng ta nên tìm kiếm các giải pháp đa phương, chứ không phải là đơn phương. Bởi điều này chỉ dẫn tới chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ. Sau hết, điều quan trọng là Đức phải nhanh chóng thành lập được một chính phủ và tôi hi vọng chúng tôi có thể làm được điều này", bà Angela Merkel khẳng định.
Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác và không ngừng được nhắc tới kể từ khi sự kiện kinh tế lớn này được khai mạc hôm 23/1 vừa qua như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hay Tổng thống Braxin Misen Tê-mê, với những lo ngại về sự gia tăng của xu hướng bảo hộ.
Vậy trước 3000 doanh nghiệp, đại diện của các tổ chức đa quốc gia... Tổng thống Donald Trump sẽ nói gì về chính sách thương mại của Mỹ trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ, với học thuyết “Nước Mỹ trên hết”? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra lúc này.
Cần phải nhắc lại rằng, trong suốt thời gian vận động tranh cử hồi năm 2016, ông Donald Trump không hề che giấu tư tưởng bảo hộ và sau khi đã chính thức trở thành ông chủ Nhà trắng, ông cũng có những bước đi khá quyết liệt khi rút Mỹ khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, sau đó là yêu cầu đàm phán lại thỏa thuận thương mại NAFTA với Canada và Mexico hay khai tử tiến trình đàm phán tiến tới một khu vực tự do thương mại với Liên minh Châu Âu.
Tuy nhiên, trên thực tế, tới nay chính quyền Mỹ chưa thực sự ban hành một biện pháp bảo hộ nào, dù hiện có nhiều thông tin khẳng định phần lớn các quyết định theo hướng này sẽ được đưa ra vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 tháng tới. Điều này cho thấy, chính bản thân người đứng đầu nước Mỹ vẫn còn dè dặt trong quá trình cụ thể hóa học thuyết của mình, bởi dẫu sao một số điểm trong học thuyết này cũng đi ngược lại với xu thế toàn cầu.
Trước thềm chuyến đi của ông Donald Trump tới Thụy Sĩ, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận của nhà lãnh đạo khi khẳng định điều này là gây hại cho toàn cầu hóa và thương mại thế giới.
Thậm chí Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn tuyên bố, “Nước Mỹ trên hết” không đồng nghĩa với chủ nghĩa bảo hộ. Trong khi đó Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nhấn mạnh, học thuyết này đơn giản cho thấy mong muốn của Tổng thống Donald Trump quan tâm tới người lao động và tới các lợi ích của nước Mỹ theo cách mà ông ấy muốn chứng kiến các nhà lãnh đạo thế giới khác quan tâm tới những con người này.
Tổng thống Donald Trump là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới kể từ sau cựu Tổng thống Bill Clinton năm 2000. Phái đoàn Mỹ tham dự sự kiện cũng được xem là hùng hậu nhất khi có tới 10 thành viên chính quyền Mỹ và các cố vấn cấp cao như con rể của Tổng thống Jared Kushner.
Theo Vov