Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc tới thăm Việt Nam có những "ông lớn" nào?

Tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm tới Việt Nam là hơn 200 nhà lãnh đạo những tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyosung, Hyundai...

Phái đoàn bao gồm những tài phiệt Hàn Quốc: Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Euisun Chung, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Won-tae và Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-sang.

Sự kiện này được xem là cơ hội lớn để các công ty, tập đoàn của cả hai nước tìm hiểu thêm các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, chuẩn bị động lực mới thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế lên tầm cao mới. Đáng chú ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mà nhà lãnh đạo này tới thăm sau khi nhậm chức vào tháng 5/2022.

tài phiệt Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc và phu nhân cùng hơn 200 tài phiệt đến thăm Việt Nam

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và trở thành “Đối tác hợp tác chiến lược” vào tháng 10/2009. Đến tháng 12/2022, hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 9.500 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 82 tỷ USD.

Các tập đoàn gia đình hàng đầu Hàn Quốc đã rót hàng chục tỷ USD xây dựng nhiều nhà máy tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động cũng như đóng góp lớn vào kinh tế địa phương và GDP cả nước.

Samsung

“Thái tử” Samsung Lee Jae-yong sinh năm 1968 tại Seoul, Hàn Quốc. Ông Lee Jae-yong là cháu nội của người sáng lập Samsung Lee Byung-chul và là con trai đầu tiên của cố Chủ tịch Lee Kun-hee. Ông Lee Jae-yong bắt đầu làm việc cho Samsung từ năm 1991 và được thăng chức Phó chủ tịch vào năm 2012. Ông chính thức giữ vị trí chủ tịch Samsung từ năm 2022.

Theo ước tính trên Forbes, ông Lee Jae-yong hiện là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 9 tỷ USD (đứng thứ 225 thế giới).

Chủ tịch Lee Jae-yong được kỳ vọng nhiều hơn khi Việt Nam đang là điểm đến kinh doanh trọng yếu của Samsung. Samsung Electronics sản xuất gần một nửa số điện thoại thông minh Galaxy tại các nhà máy thuộc tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.

tài phiệt Hàn Quốc
Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở Việt Nam

Tầm quan trọng của việc hợp tác càng được nhấn mạnh khi điện thoại thông minh Galaxy góp khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tập đoàn này đang vận hành 6 nhà máy tại 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TPHCM và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội với tổng giá trị đầu tư lên tới 20 tỷ USD.

Tháng 3/2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam được thành lập tại Bắc Ninh với mức đầu tư ban đầu 670 triệu USD. Những năm sau đó, Samsung tiếp tục xây dựng thêm hai nhà máy là Samsung SDI Việt Nam (2009) và Samsung Display Vietnam (2014) với số vốn lên đến 2,5 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với vốn đầu tư ban đầu.

Sau 15 năm, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn Hàn Quốc này vào các nhà máy ở Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh đã tăng lên hơn 9,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp đó, tháng 3/2013, Samsung khởi công nhà máy tại Thái Nguyên với tổng vốn đăng ký ban đầu là 2 tỷ USD. Đến nay, số vốn đầu tư của Samsung cho các dự án tại Thái Nguyên đạt khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm gần 73% tổng số vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.

Trong năm 2022, báo cáo tài chính cho thấy tập đoàn này đạt doanh thu hơn 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 39%, đạt trên 43 tỷ USD. Trong đó, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Năm ngoái, Samsung Thái Nguyên tiếp tục là nhà máy có doanh thu cao nhất ở Việt Nam với gần 28 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 và lợi nhuận cũng tăng 18% lên gần 2,1 tỷ USD.

SK Group

Ông Chey Tae-won sinh năm 1960, là cháu trai của Chey Jong-kun, người sáng lập ra SK Group, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, dầu mỏ, dịch vụ viễn thông, hóa chất...

Ông Chey gia nhập SK năm 1989 với tư cách là Giám đốc của một chi nhánh ở San Jose, California. Hai năm sau, ông chuyển tới trụ sở của SK tại New York và quay về Seoul vào năm 1994 để giữ chức Giám đốc quản lý tập đoàn. Năm 1997, ông được thăng chức từ giám đốc phát triển kinh doanh lên CEO của SK Corp.

Theo Forbes, ông Chey Tae-won đang nắm trong tay 1,6 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ 14 của Hàn Quốc.

Tháng 4 vừa qua, tập đoàn SK Group đã mua lại 16,26% cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với thương vụ này, VCM được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.

Ông Woncheol Park, Giám đốc Đại diện của SK South East Asia Investment – công ty thành viên của SK Group - cho biết: "Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online - offline (O2O) tại Việt Nam và kỳ vọng VinCommerce sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ".

Tháng 5/2020, SK Investment Vina III, đơn vị đầu tư trực thuộc tập đoàn SK Group, đã nhận chuyển nhượng 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Imexpharm và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.

11,3 triệu cổ phiếu được SK Investment Vina III mua lại từ Quỹ Dragon Capital. Phần còn lại đến từ một số quỹ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…

Trước thương vụ này, SK Group đã thực hiện nhiều thương vụ đình đám. Cụ thể, giữa năm 2019, SK Group chi ra khoảng 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce.

Sau giao dịch, SK Group trở thành cổ đông ngoại lớn nhất, nắm giữ 6,15% cổ phần của Vingroup. Đây được xem là giao dịch M&A lớn nhất trong năm 2019, chiếm hơn 10% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm đó.

tài phiệt Hàn Quốc
SK Group hiện là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc đang mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam, thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần

Trước đó, vào tháng 9/2018, SK Group đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ, để sở hữu 9,5% cổ phần của Masan Group, doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng trong nước. Trong thời gian ngắn, SK Group đã  đầu tư gần 1,5 tỷ USD vào hai doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài hai thương vụ trên, một công ty con khác của SK Group là SK Energy còn nắm hơn 5% cổ phần của PV Oil, trị giá gần 30 triệu USD.

Những thương vụ đầu tư liên tiếp biến SK Group trở thành một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh ThaiBev, GIC (Singapore), Mizuho Bank và nhóm các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, KIM (Korea), Dragon Capital.

Lotte

Ông Shin Dong-bin sinh năm 1955 tại Nhật Bản. Ông là con trai thứ của nhà sáng lập Tập đoàn Lotte - Shin Kyuk-ho và người vợ thứ hai người Nhật Bản - bà Hatsuko Shigemitsu. Anh trai ruột là Shin Dong-joo, người từng nắm quyền điều hành tại Lotte Holdings ở Nhật Bản. Nhưng nay người anh trai này đã mất quyền lực trong tay bởi vì cuộc tranh đấu quyền lực gây “chấn động” dư luận cách đây vài năm. Hiện ông Shin Dong-bin là Chủ tịch Tập đoàn Lotte - một trong 5 chaebol lớn nhất Hàn Quốc.

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, ông Dong-bin không vào doanh nghiệp của cha mình làm ngay, mà ông lựa chọn làm việc cho chi nhánh tại London của Công ty Nhật Nomura International Ltd. Chỉ trong vòng 6 năm, ông trở thành giám đốc bộ phận nghiên cứu - kinh doanh của công ty. Đến tháng 4/1988, ông quyết định quay trở về phụ giúp cha mình, thông qua công việc tại Lotte Trading tại Nhật Bản. Chỉ 2 năm sau, ông được lệnh của cha phải quay về Hàn Quốc làm việc, và đảm nhiệm cương vị Giám đốc Điều hành Honam Petrochemical (Hàn Quốc, nay là Lotte Chemical). 

Theo một số liệu của Chính phủ cho thấy, tập đoàn này đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam. Tại Việt Nam, hiện nay người tiêu dùng đã quá quen thuộc với những thương hiệu thuộc Lotte như Lotte Mart, Lotte Cinema, Lotteria,… tuy nhiên ít người biết rằng đây cũng là một “ông lớn” trong ngành bất động sản, với nhiều dự án đẳng cấp hàng đầu cả trong lẫn ngoài nước.

Tại Hà Nội, tập đoàn Hàn Quốc đây dựng Lotte Center Hà Nội trị giá 500 triệu USD, dự án mang tính biểu tượng của tập đoàn tại Việt Nam.

Những dự án của Lotte tại Việt Nam
Những dự án của Lotte tại Việt Nam

Lotte cũng dự kiến xây dựng một khu phức hợp lớn mang tên Eco Smart City. Dự án 900 triệu USD này sẽ có diện tích 50.000m2 tại Bán đảo Thủ Thiêm, bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ dịch vụ và khu dân cư phức hợp.

Đầu tháng 9/2022, khi tới Việt Nam tham dự lễ động thổ dự án này, Chủ tịch Lotte Shin Dong-bin cho biết Lotte Eco Smart Thủ Thiêm sẽ đánh dấu “điểm khởi đầu” cho các hoạt động mở rộng đầu tư sắp tới của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam.

Và không lâu sau khi động thổ Dự án khu phức hợp 900 triệu USD tại Thủ Thiêm (TP.HCM), Tập đoàn Lotte còn có ý định mở rộng đầu tư vào Đồng Nai và nhắm đến các dự án đô thị xung quanh sân bay Long Thành.

LG

Sinh năm 1978, Chủ tịch LG Koo Kwang-mo là một trong những nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong giới tài phiệt Hàn Quốc. Theo Forbes, ông Koo Kwang-mo đang sở hữu khối tài sản 1,9 tỷ USD, là một trong 50 người giàu nhất Hàn Quốc.

Ông Koo Kwang-mo là con trai của cựu Phó Chủ tịch LG Electronics - ông Koo Bon-neung (em trai của cố Chủ tịch LG Koo Bon-moo).

Chính thức nắm giữ vai trò là chủ tịch tập đoàn LG kể từ năm 2019, Koo Kwang-mo đã trở thành lãnh đạo thế hệ thứ tư của tập đoàn do gia đình nhà họ Koo nắm giữ.

Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, đến nay, LG đã đầu tư 5,3 tỷ USD vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô. Hiện LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.

LG khởi đầu với một nhà máy tại Hưng Yên, nhưng sau nhiều năm mở rộng đầu tư, Hải Phòng mới được xem là "cứ điểm" tại Việt Nam của tập đoàn này. Hiện nay, LG đã đầu tư vào Hải Phòng khoảng 8,24 tỷ USD, bao gồm 7 dự án với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.

Năm 2022, các doanh nghiệp của LG xuất khẩu 12,4 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho gần 40.000 lao động trong và ngoài thành phố.

Hyosung

Ông Cho Hyun-sang là con út trong ba người con trai của ông Cho Seok-rae, cựu chủ tịch của Hyosun. Ông Hyun-sang hiện giữ vị trí phó chủ tịch của tập đoàn công nghiệp, trong khi anh trai Cho Hyun-joon là chủ tịch. Ông Cho Hyun-sang đã làm việc cho công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co. trước khi gia nhập Hyosung vào năm 2000.

Không quá nổi bật như Samsung hay LG, nhưng Hyosung cũng là một gã khổng lồ công nghiệp của Hàn Quốc. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1966, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp hóa chất, máy móc công nghiệp, công nghệ thông tin, thương mại và xây dựng.

Các sản phẩm chính của doanh nghiệp thường là nguyên liệu sản xuất phục vụ các nhà sản xuất lớn như Michellin, Adidas, Nike, Puma...

Kể từ sau nhà máy đầu tiên tại Đồng Nai, Hyosung đã liên tục xây dựng thêm các nhà máy mới tại Việt Nam.

Công ty Hyosung tại Việt Nam
Công ty Hyosung tại Việt Nam

Cụ thể, năm 2008, tập đoàn xây dựng thêm nhà máy sản xuất Spandex, sau đó, tới năm 2014 tiếp tục mở rộng đầu tư; năm 2010, xây nhà máy Steel Cord; năm 2012, mở thêm Nhà máy Technical Yarn…

Trong 2 năm 2015 và 2016, Hyosung đã xây dựng thêm các nhà máy Nylon, Ticord, PTMG, Motor… ở Đồng Nai. Năm 2018, tập đoàn này mở thêm Nhà máy Sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Nhà máy sản xuất vải mành của Hyosung tại Khu công nghiệp Tam Thăng Quảng Nam.

Không chỉ đầu tư thêm nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh doanh hiện có, Hyosung còn đang xem xét đầu tư vào các lĩnh vực mà tập đoàn chưa từng thực hiện ở Việt Nam như sinh học, công nghệ cao, thông tin và truyền thông.

Thời gian qua, việc các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam đã mang lại những kỳ vọng lớn về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hàn Quốc duy trì là quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 9.500 dự án cùng tổng vốn đăng ký hơn 80 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 87 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2021. Năm 2023 cũng đánh dấu mốc 15 năm Tập đoàn Samsung triển khai kế hoạch đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam, trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD, gồm các dự án lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…