Đại gia điện tử Hàn Quốc tiếp tục tìm kiếm doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, song doanh nghiệp Việt khó "qua cửa" do không đáp ứng được yêu cầu về độ chính xác.
Tại hội thảo về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 16/9, các chuyên gia nêu quan điểm, không phải doanh nghiệp Việt không thể “chen” được vào chuỗi cung ứng của Samsung, mà vấn đề là doanh nghiệp cần xác định trình độ của mình tới đâu.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, từ năm 2007 đến nay, Samsung đã có cố gắng tìm kiếm doanh nghiệp Việt có thể cung cấp linh, phụ kiện cho các nhà máy sản xuất của tập đoàn này tại Việt Nam.
Đến nay, Samsung công bố có 192 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng về công nghiệp hỗ trợ cho tập đoàn, trong đó chỉ có 12 nhà cung cấp cấp 1, còn lại là nhà cung cấp cấp 2. Ba trong số 12 nhà cung ứng cấp một là cung cấp linh phụ kiện điện tử, cơ khí… còn lại chỉ đủ năng lực cung cấp bao bì, đóng góp sản phẩm.
Có rất ít doanh nghiệp đủ khả năng cung ứng chi tiết kỹ thuật cao cho doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Báo Thái Nguyên |
Với một linh kiện cấp 2 làm khuôn mẫu, Samsung yêu cầu độ chính xác đến phần nghìn, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đảm bảo chính xác đến phần trăm. Vì thế, phía Việt Nam chủ yếu tham gia khâu lắp ráp - khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong cơ cấu chuỗi giá trị.
Những điều kiện để sàng lọc doanh nghiệp theo GS Nguyễn Mại là khắt khe, nhưng công bằng. “Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ của ta mới chỉ đáp ứng được những đơn hàng đòi hỏi trình độ công nghệ vừa phải, chứ chưa đáp ứng được công nghệ không đòi hỏi quá cao, độ tinh vị chính xác tới hàng nghìn như linh phụ kiện máy tính bảng, điện thoại di động”, Giáo sư Mại bình luận. Thực tế này cũng cho thấy, đã tới lúc doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ phải “chuyển mình” hơn nữa.
Vị Giáo sư tiết lộ, ngoài các nhà máy sản xuất máy tính bảng, điện thoại di động, Samsung đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tủ lạnh, thiết bị gia dụng… Đây chính là thời cơ cho doanh nghiệp phụ trợ trong nước, khi những đòi hỏi kỹ thuật không quá cao.
“Chúng ta có thể tham gia được vào chuỗi của doanh nghiệp FDI, nhưng cái chính là chọn cái gì để làm, phát triển. Điển hình như quá trình hợp tác với Honda, sau một thời gian dài thì hiện cũng đã có tới 80-90% nhà cung cấp và đã có sản phẩm xe máy Made in Vietnam. Vấn đề là cần tập trung ngành công nghiệp hỗ trợ nào thích ứng với doanh nghiệp Việt Nam để lựa chọn hỗ trợ phù hợp”, ông lạc quan.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận, doanh nghiệp Việt muốn lọt vào tầm ngắm của Samsung khá khó khăn. “Thực tế chúng ta không thể trông chờ hay hy vọng vào doanh nghiệp FDI được”, ông thẳng thắn và cho rằng, việc hình thành một số tập đoàn công nghiệp lớn thuộc sở hữu tư nhân, giống mô hình các chaebol của Hàn Quốc trước đây thì mới mong doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh và đương nhiên sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng.
Còn Tiến sĩ Yoichi Sakurada, chuyên gia đến từ Nhật Bản thì đề xuất, Việt Nam cần xây dựng mô hình trung tâm công nghệ cấp địa phương quản lý, điều hành, vận hành, tạo thành mạng lưới và chuỗi liên kết.