Doanh nhân Đặng Thanh Hằng: Những năm tháng nhọc nhằn - những năm tháng nhớ thương

Có thời con người ta không nhớ nhiều về quá khứ, cứ phăng phăng hướng về phía trước nhưng rồi đến lúc, tuổi thơ giống như những thước phim quay chậm cứ dần dần hiện về trong ký ức rõ nét và đầy tràn xúc cảm…

Doanh nhân Đặng Thanh Hằng - Những năm tháng nhọc nhằn những năm tháng nhớ thương và 3 bí quyết thành công

Tôi cũng vậy. Có thể là vào một thời điểm nào đó khi đã đi qua nhiều vui buồn của cuộc sống, trải nghiệm mỗi ngày một dày lên mà tâm hồn dường như mong manh hơn, biết thương nhiều hơn, nhất là trong đại dịch Covid này khiến ta nhận ra chân giá trị cuộc sống và tự thay đổi thì cũng chính là lúc hay quay về nhớ tiếc tuổi thơ đã qua…

Tôi cũng như bao nhiêu người, có đầy ắp kỷ niệm êm đẹp tuổi thơ, về chiến tranh, về thời bao cấp cùng những nhọc nhằn của thời niên thiếu. Nhưng tôi may mắn được sinh ra ở Hà Nội, ngay phố Trần Hưng Đạo, sống trong một căn nhà Pháp cổ chỉ 100m vuông với đầy đủ các thế hệ đông đúc.
Bố mẹ tôi là cán bộ của ngành đường sắt. Bố làm trên Tổng cục còn mẹ làm ở công ty. Bố tôi đẹp trai lãng tử, đào hoa, cũng là diễn viên nghiệp dư của ngành đường sắt. Vẫn nhớ bố ngày ấy – chàng trai Hà Nội nhưng mang dáng nét rất Tây, đến đâu là nổi bật đến đó. Ai cũng bảo tôi được thừa hưởng nhiều nét đẹp từ bố - nhất là chiếc mũi cao!

Tuổi thơ tôi vẫn nhớ, cảnh mẹ làm dâu thật cực. Thời đó mẹ chồng nàng dâu chẳng dễ thông cảm, nhà lại quá đông nên va chạm là điều khó tránh nên chắc mẹ chịu nhiều uất ức. Rồi một ngày bố mẹ dẫn chúng tôi rời khỏi căn nhà của bà nội, về căn tập thể của đường sắt. Cuộc sống mới nơi đây thật khổ, với nền xi măng xù xì xấu xí, làm tôi luôn nhớ về căn phòng sạch sẽ có nền lát đá hoa mát lạnh ở Trần Hưng Đạo. Mọi thứ đều thiếu thốn. Tôi buồn nhớ bà nội và căn nhà xưa, cứ chiều lại muốn về nhà cũ, phố cũ. Mẹ chiều tôi nên đồng ý cho tôi tối về ngủ với bà nội. Trong mấy đứa cháu, tôi giống bà nhất và được bà yêu thương. Có thể bà hơi “cuồng” yêu đứa cháu nội như tôi, nên tôi cũng hay mè nheo đòi hỏi. Còn bà luôn luôn chiều tôi vô điều kiện đến ngay cả sau này cũng vậy tôi luôn là đứa được bà yêu thương che chở và lo lắng nhất… Nhắc đến bà là nỗi nhớ lại tràn lên – Bà nội ơi!
Nhà đông miệng ăn, lương thấp nên dù chúng tôi còn nhỏ mẹ đã kiên nhẫn dậy chúng tôi tiết kiệm và học cách kiếm tiền. Mẹ không có tiền cho chúng tôi mua quần áo, mẹ dậy chúng tôi chẻ rau bán, nuôi lợn để kiếm thêm. Bữa trưa mẹ tiết kiệm mua cơm tập thể chỗ làm của mẹ cho rẻ. Thương mẹ chúng tôi cố nuốt những bữa ăn của công nhân còn sáng thì cơm rang, hoặc sang lắm thì mua bát phở 3 chị em trộn với cơm nguội chia nhau ăn rồi đi học.

Như mẹ vẫn nói - Phải tự đứng trên đôi chân của chính mình. Sau này có lúc gặp phải cơ cực quá tôi nén đau khổ thường đùa với mẹ: “Sao mẹ không dậy bốn chị em con đi tìm bốn người đàn ông biết chăm sóc và nuôi chúng con, mà lại dạy chúng con học cách kiếm tiền? Mẹ toàn dậy chúng con tìm người đàn ông tử tế hiền lành có công ăn việc làm ở nhà nước, để rồi cả đời bốn chị em con đều phải tự mình “đi cày” là sao?”. Mẹ chỉ cười nói: “là do số phận”. Nhưng tôi hiểu sâu xa hơn mẹ muốn chúng tôi không bao giờ được sống phụ thuộc kể cả với chồng, bởi con người sống bằng chính giá trị của mình. Có điều mẹ chỉ nói thật đơn giản: “Tự kiếm tiền sẽ không bao giờ khổ, không bị đói cho dù gặp hoàn cảnh khó khăn thế nào…”
Tôi thường cảm thấy (có thể đó chỉ là cảm tính của một đứa trẻ) là một đứa con không được yêu đủ khi còn nhỏ?! Có thể do bà nội yêu tôi nhất nhà rồi nên bố mẹ đã dồn tình yêu cho các con khác? Cũng có thể tôi ít nói sống nội tâm không ồn ào, nghĩ nhiều hơn nói. Tôi không thích chơi nhẩy dây, trốn tìm, cũng chẳng thích gì ngoài chơi đồ hàng và búp bê, thích một mình nên không được mọi người chú ý. Lớn hơn chút nữa do thông minh nhất nhà, nên tôi thường tự chọn việc! Mẹ bảo tôi tắm cho lợn, tôi nói con đi thổi cơm. Mẹ bảo tôi đi băm bèo, tôi nhận đi xếp hàng mua rau. Mẹ bảo đi nắm than tôi từ chối chọn đi lau nhà…Từ bé tôi đã luôn sợ việc bẩn, nên chỉ chọn việc sạch để làm và thích những gì đẹp đẽ mang nét văn hóa, nhất là văn hóa châu Âu. Mẹ vẫn than vãn rằng sao con không giống những đứa trẻ khác. Tôi biết vậy nhưng vẫn thích làm theo ý mình. Ngay chuyện ăn mặc, thà ăn ít một chút mà ngon còn hơn ăn nhiều. Mặc là phải vừa theo chính mắt mình. Tôi dán hộp thuê lấy tiền mua vải, đi học cắt may ở Khâm Thiên rồi tự may quần áo cho mình những năm bao cấp khốn khó ấy. Có người bảo bé tí đã điệu đà khác người. Nhưng tính tôi thế - từ bé đã thích cái đẹp và thích sự khác biệt. Tính khí ấy sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời tôi sau này.

Lớn hơn các bạn rủ đi khiêu vũ sinh nhật, tôi thích và đi nhiều nhưng nhất quyết không nhẩy tự do lẫn cả nhẩy đôi. Tôi tự hứa với mình chỉ nhẩy đôi với người đàn ông mình yêu. Ngoài ra sẽ không cho ai ôm. Bạn bè thường bảo tôi kỳ quặc nhưng tôi mặc kệ. Tôi biết mình thích gì, cần gì, không phụ thuộc vào ý kiến người khác. Mà tôi thích gì thì phải làm bằng được. Tôi chỉ ngồi trông quần áo và xem các bạn nhảy nhưng về nhà lại bị bố mẹ mắng, nói tôi hư hay đua đòi. Tôi biết mình không hư, chỉ là muốn tiếp cận cái mới. 18 tuổi tôi là người đầu tiên trong đám bạn gái biết đi xe máy và gần như phụ nữ đầu tiên ở Hà Nội biết lái ô tô năm 1998 và đánh golf từ 20 năm trước. Dù tính tôi hiền ít nói, nhưng tôi lại là người theo trường phái hiện đại, không bảo thủ, không chịu tụt hậu. Ngày ấy bạn bố mẹ ai cũng muốn hỏi tôi cho con cháu họ. Bố mẹ tôi lại thằng thừng từ chối chê rằng tôi lười hơn chị em! Vậy mà tôi không giận, không nói gì, chỉ lẳng lặng thầm nghĩ và quyết tâm - nhất định con sẽ để bố mẹ thấy con là người đặc biệt không giống như những người khác!

Học xong cấp 3, tôi nói với mẹ con không thích thi đại học, chỉ muốn đi kiếm tiền để có thể tự mình lo cho mình. Mẹ cho tôi chiếc xe đạp bằng tiền bán lợn, nhưng lúc ấy tôi lại ao ước có xe Mipha để đi. Hình ảnh cô gái thả tóc đi trên chiếc xe Mipha lướt ngang trên phố là niềm mong ước không của riêng tôi! Mẹ nói thế thì con phải tự kiếm tiền. Tôi nhất quyết nói con muốn đi làm. Rồi tôi cũng đi học lớp kế toán ngắn hạn và ra bán hàng trong công ty chỗ mẹ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của mình ngày ấy - cao dong dỏng, trắng như “thỏ bạch” và có gương mặt kiêu kỳ... nên không dễ hòa đồng. Tôi bị bắt nạt ở chỗ làm nhiều lần. Làm thu ngân nhưng lại bị tổ trưởng sai đi đâp đá. Cái chày to hơn bắp chân khiến vác lên cũng mệt và phải đập tới mấy bao tải đá một ngày. Rồi đi nhặt cốc với hai hàng cốc dài từ ngang lưng đến quá mang tai, hai tay hai chồng cốc cao như làm xiếc. Tôi phải mặc tạp dề và quần ống xéo áo bà ba cho thật già để không bị trêu ghẹo. Thế mà vẫn bị giật tạp dề liên tục. Khi quay vào quầy thì bị mất tiền, hầu như ngày nào cũng bị thiếu tiền. Rồi sếp lại bắt đóng quầy để đi lăn bia từ ga về cửa hàng. Tôi xin tổ trưởng - em thuê xích lô được không? Sếp không đồng ý nói thanh niên phải tự lăn… Tôi đội nón che mặt để không ai nhận ra mình, cắn răng lăn ba cây số. Quay về tiền bán hàng vẫn mất. Lương tôi không đủ để đền và bị vu oan. Thanh tra xuống làm việc kiểm tiền, dù tiền không thừa họ vẫn nói tôi gian lận! Khi đó có cả mẹ cùng thanh tra. Quá uất ức tôi đã đập bàn và nói như khóc là mình không gian lận! Những ngày thật cay đắng và chất chứa ấm ức nhưng chính nó giúp tôi vỡ ra nhiều điều. Thứ nhất không có nghề nào xấu nhưng phải tìm đúng nghề phù hợp với mình. Thứ hai không thể để người khác “giật dây” chỉ đạo mình như con rối…

Bố muốn tôi thi vào Đại Học Giao Thông và xin cho tôi đi ôn thi. Tôi đỗ đại học và khi học xong bố lại muốn tôi làm nhà nước nên xin cho tôi làm kế toán tại Giáp Bát. Ngày đi làm cũng là ngày trời mưa. Tôi bị một xe tải đi qua làm bắn tung toé hết cả bùn lên người. Cực thân quá, lại nhớ những ngày vất vả cay cực làm trong nhà nước mấy năm trước, tôi quay về nói: “Bố - con nhất định không đi làm đâu!” “Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất” - Bố mẹ thấy tôi quyết tâm nên tìm mặt bằng để tôi kinh doanh…

Tôi đã có một khởi đầu như thế, chỉ với hai bàn tay trắng và số vốn là 5 chỉ vàng vay của bà nội và một số nữa của cô chồng. Tôi chọn cho mình một quầy tủ kính ở chợ Hôm, nhất định không chịu bán sạp như những người khác. Tôi đã mua những thỏi son hộp phấn ngoại đầu tiên mang về bán và hàng của tôi toàn đồ hiếm từ nước ngoài… Có vốn lớn hơn là tôi lại mở lớn hơn… Ai cần hàng lạ đẹp thì phải đến với tôi. Tên Thanh Hằng của tôi được lấy làm tên cửa hàng in dấu vào tâm trí nhiều khách hàng từ ngày ấy. Họ chỉ đợi tôi để mua và cũng chỉ tin những gì tôi bán. Tôi cũng hiểu sự thành công của tôi chính là sự nổi trội và khác biệt cũng như uy tín mà thời gian năm tháng đã khẳng định. 30 năm kinh doanh là một con đường dài và vất vả, những trải nghiệm trong kinh doanh đã khiến tôi trân trọng từng chút thành quả và biết ý thức những gì đã tạo dựng nên thương hiệu Thanh Hằng ngày hôm nay. Thành công của tôi cũng có phần của bà nội, bố mẹ tôi đã vun đắp, từ những định hướng ban đầu, vốn liếng khi khởi nghiệp… Thêm một điều nghe khá buồn cười là chính bố mẹ cũng cho tôi sự quyết tâm hơn khi vẫn nói tôi lười hơn các chị em mình. Tôi muốn chứng minh với bố mẹ sự thành công để tạ ơn đồng thời khẳng định giá trị của mình trước song thân. Bố mẹ vẫn bảo thương tôi nhất vì so với các chị em tôi vất vả nhất, vất vả cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bố mẹ vẫn xót xa nhắc từng ngày chứng kiến tôi bước vào thương trường lăn lộn thế nào, một mình bươn chải với những chuyến nước ngoài dầy đặc mà chỉ có một thân một mình với ba tạ hàng, và lo lắng chứng kiến cứ 10 năm tôi lại khởi nghiệp mới, với các thương hiệu từ mỹ phẩm, thời trang, áo cưới Thanh Hằng Jessica, Ảnh viện Hồng Kong, Nhà Hàng Serenade,Thanh Hằng BeautyMedi, rồi lại đến chuỗi làm đẹp H&H…
Bố thương tôi đến mức thấy tôi thích ăn gì là bố nấu, hoặc bố đi mua cho tôi. Biết con gái thích ăn bánh khoai cứ ba ngày bố lại mua mang đến kể cả khi bố bị ốm cũng cố nhờ người đi mua. Mỗi chuyến bay của tôi bố lo lắng gọi điện liên tục xem tôi hạ cánh an toàn không? Nghe tin tôi lạc khi tự lái xe, bố và mẹ đứng ngồi không yên, mất ăn mất ngủ. Có lẽ tôi là đứa con gái khiến bố mẹ không yên tâm nhất, lo lắng nhất dù giờ cũng đã có tuổi và đã thành danh!
30 năm nhìn lại một chặng đường, nhất là thời dịch bệnh, tôi tự hỏi nếu có cơ hội quay lại liệu tôi có chọn lựa con đường mình đã đi? Hay chọn làm một người phụ nữ chỉ biết dựa vào chồng con?

Điều ấy luôn là động lực giúp tôi vững vàng bước tiếp dù hôm nay vẫn còn những khó khăn. Tôi luôn cám ơn cuộc đời đã cho tôi được sinh ra trong một gia đình có nhiều chị em biết thương yêu nhau. Tôi thấy mình thật may mắn. Tôi cám ơn ông bà bố mẹ đã dậy dỗ để tôi có được như ngày hôm nay. Tôi cho rằng cuộc sống hạnh phúc chính là được cống hiến và được làm việc mà mình yêu thích. Dịch bệnh vẫn còn chưa biết bao giờ chấm dứt, tôi vẫn phải vật lộn với những lo toan của một người đứng đầu doanh nghiệp với con số lỗ lãi hàng ngày và chèo lái con thuyền vượt bão. Nhưng có một điều mà tôi chắc chắn rằng người làm kinh doanh suốt 30 năm như tôi luôn trân trọng thời gian, mỗi một ngày trôi qua là một kỷ niệm, một dấu ấn và những người thân, bạn bè đều là báu vật mà tôi nâng niu, trân quý.

Viết trong những ngày đầu thu tặng Ba Mẹ,
Đặng Thanh Hằng
Chủ tịch Tập đoàn Thanh Hằng

Đồ họa: Lai Tiểu Bảo

Có thể bạn quan tâm