Tôi gặp Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần S Furniture, cách đây khoảng 4 - 5 năm. Anh thuộc thế hệ doanh nhân 7x “đời giữa”, quê Tiền Giang. Nhà nghèo nên từ nhỏ, Vạn đã lao vào “thương trường” buôn bán đủ thứ, theo ghe của cha ngược xuôi trên kênh rạch để bán giống cây bạch đàn. Những trải nghiệm buôn bán từ rất sớm đã ngấm dần, trở thành “máu” kinh doanh sau này của Vạn.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Huỳnh Thanh Vạn về làm việc tại Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hoà, đơn vị có truyền thống và có thương hiệu trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu, trực thuộc Công ty CP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su.
Với sự nỗ lực và sự nhạy bén vốn có, Huỳnh Thanh Vạn thăng tiến rất nhanh trong công việc, được bổ nhiệm Giám đốc Xí nghiệp Chế biến gỗ Dĩ An năm 2008, rồi sau đó là Giám đốc Xí nghiệp Chế biến gỗ Đông Hoà năm 2010.
Năm 2015, khi nhận thấy môi trường làm việc không còn phù hợp, Huỳnh Thanh Vạn quyết định rẽ sang một hướng khác, đó là thành lập Công ty Cổ phần S Furniture chuyên về chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, nơi anh có thể “gửi gắm” tất cả những ý tưởng, hoài bão của mình. Một trong số đó là xây dựng “môi trường làm việc hạnh phúc”, thân thiện, mọi người đối đãi với nhau như những người thân trong gia đình.
Tình người “3 tại chỗ”
Tôi và anh Vạn thường hẹn gặp nhau buổi sáng tại một quán café ở Sài Gòn. Anh em trò chuyện, trao đổi công việc với nhau một chút rồi anh lại tất bật đến văn phòng, nhà máy tại Bình Dương. Dù quen biết đã 4 – 5 năm nhưng lần này, tôi mới tới thăm và “tận mục sở thị” môi trường làm việc hạnh phúc mà anh tâm đắc xây dựng trong nhiều năm qua.
Ngạc nhiên nhưng không bất ngờ. Diện tích 2,5ha của S Furniture được anh xây dựng như một “khu phức hợp” bao gồm không gian làm việc, ăn uống, giải trí đầy đủ với sân tennis, sân cầu lông, bàn bida, bi lắc, bóng bàn…, nói chung là đủ các món để anh em cán bộ công nhân viên S Furniture có thể giải tỏa stress, vui chơi thoải mái với nhau sau giờ làm.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đây chính là “đại bản doanh” mà S Furniture thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu cho các đối tác không bị đứt gãy.
“Đó là những tháng ngày kinh hoàng nhưng cũng hết sức ngoạn mục mà anh em S Furniture đã cùng nắm tay nhau để vượt qua”, Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ và nhớ lại bối cảnh hoang mang, sợ hãi lúc đó khi hàng chục ngàn công nhân tại các khu công nghiệp của Bình Dương bị nhiễm Covid-19.
Vị CEO chưa một lần “qua đêm” tại S Furniture quyết định ở lại, thực hiện “3 tại chỗ” cùng anh em cán bộ, công nhân viên. Lo ăn ở, sinh hoạt ngay tại nhà máy cho hơn 400 cán bộ, công nhân viên là chuyện không hề đơn giản và rất tốn kém nhưng “chỉ huy trưởng” Huỳnh Thanh Vạn không hề đắn đo. Anh cho triển khai lắp đặt ngay các “tiện ích” để đảm bảo tốt nhất các sinh hoạt hàng ngày của người lao động như ăn, ngủ, tắm giặt, chia cán bộ - nhân viên thành các tổ nhóm để tránh lây nhiễm chéo.
Nhưng điều quan trọng lúc đó, theo anh Vạn nằm ở tâm lý của người lao động khi họ hoang mang, lo lắng về dịch bệnh. Vì thế, việc đầu tiên, anh cùng với các cán bộ chủ chốt của S Furniture phải làm là công tác truyền thông để họ thực sự yên tâm, rằng ở đây, họ được đảm bảo an toàn về sức khỏe, đời sống. Công tác xét nghiệm, dù rất tốn kém tiền bạc nhưng anh đã phối hợp với các lực lượng y tế tiến hành thường xuyên nhằm sàng lọc, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khi thực hiện “3 tại chỗ”.
“Lúc này, tôi mới thấm câu “gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Hai khó khăn lớn nhất lúc đó là vắc xin và lương thực, thực phẩm, cái gì cũng thiếu thốn nhưng may mắn là S Furniture đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ nhiều phía”, anh Vạn chia sẻ và khẳng định: “Tiền lúc đó không là gì, chỉ có tình người mới có thể giúp nhau vượt qua đại dịch. Người thân của cán bộ, công nhân viên S Furniture từ nhiều vùng miền đã gom góp, gửi từng quả bầu, quả bí, từng ký gạo vào cho con em, rồi mọi người cùng san sẻ để có được những “bữa cơm nhân ái” giữa quay cuồng tâm dịch.
“Kết quả ngoạn mục là trong suốt thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, S Furniture chỉ có 4 người bị nhiễm Covid nhưng đều ở thể nhẹ, hoạt động sản xuất – kinh doanh được duy trì. Sau đại dịch, nhiều nhà máy, xí nghiệp tại Bình Dương nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung rơi vào cảnh thiếu lao động vì nhiều người do ám ảnh dịch bệnh đã bỏ việc về quê nhưng tại S Furniture “quân số” vẫn rất đông đủ”, anh Vạn tự hào chia sẻ.
Nỗi niềm “người truyền lửa”
Ngoài mê kinh doanh, Huỳnh Thanh Vạn còn mê đi “truyền lửa” khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Mà nói thật, đã có lần anh chia sẻ với tôi: Bảo anh mê truyền lửa khởi nghiệp cũng được vì không khởi nghiệp làm sao có được S Furniture với doanh số xuất khẩu mỗi năm 300 – 400 tỷ đồng như hôm nay nhưng thật lòng là anh sợ các các bạn trẻ chưa trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm đã lao vào khởi nghiệp, rốt cuộc bị thất bại để lại “một đống nợ” cho bản thân và gia đình.
Khởi nghiệp như thế, theo anh sẽ là gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, với kinh nghiệm xương máu của mình, anh sẵn sàng mang tiếng “vác tù và hàng tổng” đi nhiều trường đại học để nói chuyện với các bạn sinh viên, hầu mong các bạn sẽ tránh được những thất bại không đáng có.
Hiện anh là Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam, đến nay đã giao lưu tại hơn 40 trường đại học, cao đẳng trên cả nước, nói chuyện với hơn 50.000 lượt sinh viên, bạn trẻ về khởi nghiệp. Mới đây, khi doanh nghiệp đã “ổn ổn” sau khi bị Covid-19 hoành hành, anh đã có buổi giao lưu với gần 1.000 sinh viên tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.
Từ những kinh nghiệm đúc kết được trong hành trình đi đến thành công của mình, anh khuyên các bạn trẻ hãy cứ dấn thân để hoàn thành ước mơ, khát vọng của mình. Tuy nhiên, vị doanh nhân trẻ cho rằng dấn thân ở đây có nghĩa là dám nghĩ, dám làm, chứ không phải là liều lĩnh. Tỷ lệ lên đến 90% doanh nghiệp sống lay lắt hoặc phá sản chỉ sau một năm thành lập nói lên độ khắc nghiệt của thương trường.
Vì vậy, đừng tưởng khởi nghiệp là dễ, muốn thành công cần phải chuẩn bị đủ hành trang, kiến thức và tinh thần “thép” để bắt đầu và sẵn sàng “đương đầu” với những sóng gió trong kinh doanh.
“Tôi khuyên các bạn, khi còn ở trên ghế nhà trường thì nên tập trung học cho thật giỏi, tranh thủ trang bị cho mình những kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, tham gia nhiều hoạt động phong trào để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống.
Khi ra trường thì hãy đi làm thuê, làm mướn trước, đừng nóng vội khởi nghiệp ngay. Hiện nay, đa phần các bạn đều khá mộng mơ về ý tưởng của mình và chủ quan cho rằng ý tưởng đó là tuyệt vời, rồi cứ thế lao vào làm, thiếu suy xét một cách cẩn trọng nên thất bại là khó tránh khỏi”.
“Việc thử thách bản thân trong môi trường làm mướn sẽ giúp các bạn học được nhiều điều, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để làm nền cho tương lai làm chủ”, Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ và cho biết: Thành công hôm nay của S Furniture có được cũng là nhờ gần 10 năm “trày da tróc vẩy” trong môi trường kinh doanh nhà nước của mình.
Anh cho rằng, yếu tố may mắn trong thành công chỉ chiếm 1% và 99% còn lại là sự cố gắng mỗi ngày. Càng trong lúc khó khăn, càng phải mạnh mẽ để vượt qua. Anh cũng tâm niệm, thành công không chỉ ở những con số, kiếm được bao nhiêu tiền mà còn ở khía cạnh đóng góp được gì cho xã hội.
Đi tìm điểm cân bằng từ âm nhạc
Điều hành một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ quy mô trên dưới 500 nhân sự, mỗi tháng xuất khẩu gần 100 container hàng hóa nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã tới các đối tác nhập khẩu cực kỳ khó tính sẽ không tránh khỏi áp lực. Ngoài gia đình luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc thì vị CEO của S Furniture còn tìm đến âm nhạc để cân bằng cuộc sống. Đến nay, Huỳnh Thanh Vạn đã sáng tác trên 10 ca khúc nổi bật với các chủ đề về tuổi trẻ, tình yêu quê hương, đất nước, con người…
Vạn kể: Dòng sông Bảo Định chảy qua, chia quê hương Mỹ Tho của anh thành tả ngạn và hữu ngạn luôn hài hòa, xinh đẹp, cây trái đôi bờ quanh năm tươi tốt. Sông nước miền Tây bồi đắp tâm hồn tuổi thơ, hình thành tính cách phóng khoảng, cởi mở, nhiệt huyết, vì vậy những ca khúc của anh như “Ngọn lửa tuổi trẻ”, “Tình yêu và cuộc sống”, “Sài Gòn nhớ em”, “Mùa đông yêu em”… cũng luôn tràn đầy tình yêu, khát vọng, tinh thần lạc quan hướng về phía trước. Đặc biệt, Huỳnh Thanh Vạn luôn dành tình cảm thiêng liêng cho đấng sinh thành với hai ca khúc rất xúc động là “Nhớ Mẹ” và “Nhớ Mẹ Cửu Long”… Bên cạnh đó là tình yêu biển đảo với các ca khúc như “Hướng về biển đảo”, “Đảo ngọc và em”…
Âm nhạc của doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn mộc mạc từ ca từ đến giai điệu nhưng lại rất nồng nàn, nhiệt huyết. “Có những điều chỉ khi được kể bằng âm nhạc mới nói hết được tấm lòng mình”, Vạn chia sẻ và cho biết: Mỗi ca khúc mà anh sáng tác đều được anh gửi gắm vào đó những thông điệp một cách tinh tế, có giá trị lan tỏa hơn nhiều lời nói.