Doanh nhân tiêu biểu Đỗ Nguyệt Ánh: Điều đau đáu nhất là làm sao đảm bảo đủ điện cho khách hàng

Doanh nhân tiêu biểu Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC - Hội viên của Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD) vừa được VCCI vinh danh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Nhân dịp này, Thương Gia có cuộc trò truyện với bà Ánh liên quan đến “Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh” theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây cũng là thông điệp mà VCCI, VACOD muốn lan tỏa rộng rãi tới giới doanh nhân. Cùng với đó là một số vấn đề đặc thù của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh vinh dự được vinh danh Doanh nhân tiêu biểu năm 2022
Bà Đỗ Nguyệt Ánh vinh dự được vinh danh Doanh nhân tiêu biểu năm 2022

Giá trị an sinh xã hội mà EVNNPC đem lại là rất lớn

Khác với việc bình chọn và tôn vinh doanh nhân tiêu biểu trước đây, năm nay, chương trình áp dụng “Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh” vào việc bình xét nhằm vinh danh những doanh nhân không chỉ kinh doanh giỏi, mà phải có đạo đức, có văn hóa kinh doanh, được xã hội trân trọng. Bà có thể chia sẻ cho Thương Gia và độc giả biết thực tế hành động “Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh” của bà cũng như của EVNNPC đối với đông đảo khách hàng và đối tác?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Được vinh danh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 là may mắn đối với tôi và Tổng Công ty. Đây là lần đầu tiên tôi được đề nghị bình chọn. Năm nay, VCCI lấy tiêu chí bình chọn là “Đạo đức doanh nhân và Văn hóa kinh doanh”. Tiêu chí này khá tương đồng với tôn chỉ hoạt động, với văn hóa doanh nghiệp là mang lại giá trị cho xã hội của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) từ trước đến nay.

EVNNPC là doanh nghiệp 100 % vốn nhà nước. Do vậy, EVNNPC có nhiều điểm khác so với doanh nghiệp thông thường. Với các doanh nghiệp thông thường, mục đích tối thượng của họ là mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông, cho người lao động, mở rộng thị trường, khẳng định tên tuổi,… Nhưng với EVNNPC nói riêng, ngành điện nói chung, mục tiêu tối thượng của chúng tôi là đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Do vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp là thứ yếu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là phục vụ cộng đồng, phục vụ toàn xã hội, phục vụ đất nước, thực hiện những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao.

Mục tiêu mang đến giá trị tổng hòa xã hội như: Giá trị kinh tế, giá trị tinh thần, giá trị nền sản xuất kinh doanh, giá trị an sinh xã hội, cuộc sống ổn định, văn minh, công bằng, minh bạch, thân thiện với môi trường,… luôn được Tổng công ty và đặc biệt là Ban lãnh đạo Tổng công ty hướng đến.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc

Bà có thể cụ thể hóa hơn những đóng góp của EVNNPC thời gian qua bằng những hành động cụ thể, thể hiện sự tổng hòa các giá trị mà EVNNPC đã mang lại cho xã hội?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong những năm qua, EVNNPC đạt nhiều thành tích, thể hiện rõ mục tiêu của Tổng công ty. Đó là việc Tổng công ty luôn đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Bắc. Tổng sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty bán ra chiếm đến 65 % sản lượng điện công nghiệp. Đây là khu vực tiêu thụ điện công nghiệp cao nhất toàn quốc. Những “đại bàng lớn” đều đổ bộ về miền Bắc như: Hòa Phát, Thành Thành Công, các khu công nghiệp về xi măng, sắt thép, khai khoáng,… tạo nên sự phát triển mạnh cả về kinh tế và xã hội cho khu vực phía Bắc.

Ngoài ra, EVNNPC có lượng khách hàng ở nông thôn và miền núi rất đông đảo. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, số hộ dân nông thôn ở miền Bắc đã được hòa lưới điện quốc gia lên tới 99,08%. Theo đánh giá của các tổ chức thế giới như World Bank (Ngân hàng thế giới) hay ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) thì kết quả này nằm ở Top đầu của thế giới. Một loạt những quốc gia phát triển chưa đạt được tỷ lệ này. Do đó, giá trị an sinh xã hội mà EVNNPC đem lại cho cộng đồng là rất lớn. 

Hơn 2 năm qua, toàn thế giới và Việt Nam phải vật lộn với dịch Covid-19, EVNNPC cùng Tập đoàn có những đóng góp đáng kể trong phòng chống dịch. EVNNPC đã san sẻ gánh nặng với cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội, thiết thực nhất như thực hiện giảm giá điện cho toàn thể người dân trên toàn quốc, miễn toàn bộ chi phí cung cấp điện cho cơ sở điều trị Covid- 19. Đóng góp cho quỹ vaccine, quỹ phòng - chống Covid- 19, cho chương trình nuôi dạy những em nhỏ bị mất bố/mẹ trong đại dịch,… Tổng số tiền được EVNNPC ủng hộ trên 4 nghìn tỷ đồng.

Có thể nói rằng, tiêu chí đánh giá đạo đức doanh nhân tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, liêm chính, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị cho gia đình, hợp tác thúc đẩy cùng phát triển,… những gì EVNNPC hành động trong thời gian vừa qua hoàn toàn xứng đáng. Đó cũng là minh chứng cho việc EVNNPC thể hiện văn hóa doanh nhân của lãnh đạo, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi rất vui mừng, rất tự hào bởi đây là nỗ lực của hơn 27.000 cán bộ, công nhân viên EVNNPC được ghi nhận thông qua việc bình chọn năm nay.

Vật tư, thiết bị luôn luôn sẵn sàng để khắc phục nhanh chóng những sự cố do nắng nóng
Vật tư, thiết bị luôn luôn sẵn sàng để khắc phục nhanh chóng những sự cố do nắng nóng

Cần số hóa toàn xã hội

Hiện nay, vấn đề chuyển đổi số doanh nghiệp đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Thực tế chuyển đổi số doanh nghiệp diễn ra như thế nào tại EVNNPC?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Chuyển đổi số doanh nghiệp là một quá trình, nó không phải là đích đến trong một năm nào đó. Chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi từ rất sớm. Thời gian đầu rất sơ khai thông qua các hệ thống quản lý tài chính, quản lý kinh doanh, quản lý kỹ thuật,… chúng tôi đã thực hiện tin học hóa từ khoảng 20 - 30 năm trước.

Chuyển đổi số cần đồng bộ, không chuyển đổi riêng khâu nào, tạo ra một hệ sinh thái số. Toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVNNPC phải nằm trong hệ sinh thái số. Để tất cả hoạt động tương tác với nhau trên môi trường số. Đây là mục tiêu đầu tiên khi chúng tôi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số.

Từ năm 2019, khi bắt tay vào chuyển đổi số mạnh mẽ, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, vất vả, tốn kém. Tốn kém không những về tiền bạc, thời gian, mà còn tốn kém cho đào tạo cán bộ, công nhân viên làm quen với môi trường số. Nếu như chúng ta chỉ số hóa nội bộ, không gắn với số hóa cả xã hội thì không thể đạt được thành công. Do vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền, người dân cùng hòa nhập vào quá trình số hóa này.

Bắt đầu quá trình chuyển đổi số, chúng tôi lập chiến lược, vẽ ra một bộ khung, cụ thể các khâu, sau đó giáp lại thành một quy trình sao cho các phần tử, các công đoạn giao tiếp được với nhau trên cùng môi trường số.

Đầu tiên, chúng ta phải số hóa được những dữ liệu như hóa đơn, dữ liệu các công trình đầu tư xây dựng, dữ liệu tài sản, dữ liệu khách hàng, dữ liệu cán bộ, công nhân viên, sau đó mình phải số hóa được quy trình tương tác các dữ liệu này với nhau. Chẳng hạn như số hóa về thanh toán tiền điện. Từ khi ghi chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn, thông báo đến khách hàng và cuối cùng là thanh toán tiền điện thành công mà khách hàng và nhân viên không cần gặp nhau.

Tiếp theo, chúng tôi cân nhắc số hóa khâu nào, khâu nào ưu tiên? Đến năm 2021, chúng tôi đã hoàn thành số hóa 3 lĩnh vực quan trọng như: Tài chính kế toán, kinh doanh điện năng và quản lý kỹ thuật. Năm 2022, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành các lĩnh vực còn lại như: Quản trị văn phòng, đầu tư xây dựng, tổ chức nhân sự. Phấn đấu đến năm 2023, chúng tôi cơ bản trở thành doanh nghiệp số. Và đến năm 2025, tất cả dữ liệu trong hệ thống kinh doanh của EVNNPC sẽ được số hóa 100%.

Chúng tôi xác định số hóa là để tối ưu các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí. Hiện nay, chúng tôi đang có xấp xỉ 27.000 cán bộ, công nhân viên. Chỉ tính riêng số hóa quá trình ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, chúng tôi đã bớt được 6000 người. Do tài sản của Tổng công ty luôn tăng lên, khối lượng công việc tăng lên theo nên số người này được Tổng công ty bố trí vào các công việc khác tương ứng. Vì vậy, trong vòng 10 năm qua, tài sản của Tổng công ty tăng lên, nhưng số lượng cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty lại giảm đi 2000 người.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh

Khắc phục sự cố điện tại huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam
Khắc phục sự cố điện tại huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam

Hơn nữa, số hóa mang lại tính minh bạch cho khách hàng và người dân. Khi khách hàng có vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại đều được tập trung về đầu mối là Trung tâm chăm sóc khách hàng. Sau đó, nội dung liên quan sẽ được chuyển đến bộ phận chuyên trách thông qua các hình thức như: Email, web, app, các ứng dụng mạng xã hội,…và được quan tâm xử lý sớm nhất. Số hóa cũng giúp chúng tôi giám sát chặt chẽ hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tạo mối quan hệ bình đẳng giữa ngành điện và khách hàng, rút ngắn thời gian giải quyết vấn đề. 

Thưa bà, khi thực hiện chuyển đổi số, EVNNPC có gặp nhiều khó khăn trở ngại không? Cụ thể của những khó khăn đó là gì?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Ngoài những khó khăn đã nêu, khi thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi còn gặp một số khó khăn, bất cập khác. Trước tiên đó là bất cập về pháp lý. Hiện nay, hóa đơn được pháp luật công nhận hợp pháp, nhưng một số thủ tục khác chưa được công nhận. Ví dụ như các biên bản nghiệm thu, giám sát thi công trong quá trình đầu tư xây dựng dự án điện. Chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất, sau này, những giấy tờ này được pháp luật công nhận. Hay như việc chữ ký số, nhiều khâu chưa được chấp nhận chữ ký số, yêu cầu phải ký tươi cũng là một trong những bất cập.

Khi số hóa, chúng ta không những số hóa trong nội bộ EVNNPC, mà phải số hóa cả đối với khách hàng, với các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo thành sự đồng bộ, liên kết thì số hóa mới hiệu quả. Do vậy, hiệu quả của số hóa của EVNNPC lại bị phụ thuộc khách quan từ yếu tố bên ngoài. Chi phí cho số hóa rất lớn, cũng là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp cho lần đầu tiến hành số hóa.

Đặc biệt, khi đã số hóa, chúng ta cần quan tâm sâu sắc nhất là bảo mật dữ liệu, an toàn an ninh mạng. Khi chưa số hóa, ta sợ nhất là hỏa hoạn, nhưng số hóa rồi thì vấn đề an ninh mạng phải được đưa lên hàng đầu.

Cái khó nữa xuất phát từ cán bộ công nhân viên của EVNNPC. Tuổi bình quân của cán bộ CNV EVNNPC xấp xỉ 40 tuổi. Để làm quen với công nghệ số hóa, họ cần được đào tạo, làm quen. Trong khi, trình độ, điều kiện của cán bộ CNV giữa miền xuôi, vùng đồng bằng, vùng núi sẽ khác nhau. Ở các vùng núi như Lai Châu, Điện Biên,… tìm được một cán bộ công nghệ thông tin rất khó và mất thời gian đào tạo.

Bên cạnh đó, yếu tố khách hàng, người dân tham gia vào số hóa cũng rất quan trọng. Bởi: Nhiều địa bàn không có mạng internet, nhiều khách hàng không dùng điện thoại thông minh, không dùng tài khoản ngân hàng,… sẽ làm hạn chế quá trình số hóa.

Mong muốn các doanh nghiệp VACOD liên kết thành chuỗi giá trị

Hiệp hội VACOD rất vinh dự khi có EVNNPC là Hội viên. Bà có đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của VACOD và các hội viên đối với EVNNPC cũng như của EVNNPC đối với sự phát triển chung của Hiệp hội?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: VACOD là tổ chức có quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Hiệp hội gồm nhiều doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị khác nhau cho xã hội.

Sản phẩm của EVNNPC là điện. Điện là mặt hàng tiêu dùng mà bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hay người dân nào cũng cần thiết phải sử dụng. Đối với doanh nghiệp, điện là còn là đầu vào, là nền tảng cho các doanh nghiệp khác phát triển. Chính vì vậy, tham gia vào Hiệp hội VACOD, chúng tôi tạo ra được nhiều mối quan hệ tương hỗ với các doanh nghiệp trong Hiệp hội này.

Thứ nhất, chúng tôi cung cấp điện - điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược phát triển doanh nhgiệp, đạt được các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của mình với mức chi phí hợp lý, có chất lượng. Thực ra, chi phí của doanh nghiệp dành cho điện năng là thấp, do giá điện ở Việt Nam luôn ở trong Top thấp nhất thế giới. Hiện trạng này xuất phát từ chính sách của Chính phủ nhằm đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy, khuyến khích phát triển sản xuất.

Thứ hai: Ngoài việc cung cấp điện năng phục vụ sản xuất thông thường, một số doanh nhgiệp còn có yêu cầu cao như: Cung cấp điện từ nhiều nguồn, cung cấp công nghệ sửa chữa điện nóng, tức là khi sửa chữa điện không cần ngắt điện, để việc sản xuất, kinh doanh không bị gián đoán.

Ngược lại, các doanh nghiệp trong Hiệp hội là những đơn vị có thể cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, những yếu tố đầu vào cho các công trình của chúng tôi. Do đó, thông qua việc hoạt động trong Hiệp hội, chúng tôi có mối quan hệ tương hỗ để cùng hợp tác, cùng phát triển với nhau.

Trong Hiệp hội VACOD có nhiều doanh nghiệp, đa dạng các ngành nghề, mặt hàng, đủ thành phần, đủ lĩnh vực. Tất cả lĩnh vực này phải dùng điện của chúng tôi (cười). Vậy nên, khi tham gia Hiệp hội, chúng tôi lắng nghe được nhiều ý kiến đa chiều từ các doanh nghiệp, các địa phương và qua đó, chúng tôi điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo chiều hướng tốt hơn.

Chẳng hạn, khu vực vùng núi chưa có nền tảng hạ tầng, kinh tế - xã hội phát triển như khu vực đồng bằng, đô thị ở miền xuôi. Khi chúng tôi trao đổi với các doanh nghiệp khu vực này, họ có thế mạnh riêng của họ, gắn với khu vực. Từ đó, chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh của chúng tôi theo hướng đầu tư phát triển điện ở khu công nghiệp trên địa bàn đó, làm cho tăng trưởng GDP của địa phương tăng, làm tăng chất lượng cuộc sống của người dân ở địa phương. Tôi thấy rằng, Hiệp hội chính là cơ sở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, cũng như có những giải pháp dành cho nhóm ưu tiên phát triển.

Bà có kiến nghị gì đối với Hiệp hội VACOD nhằm hướng tới sự phát triển chung của EVNNPC và các Hội viên cũng như về sự phát triển chung của Hiệp hội?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Tôi cho rằng Hiệp hội VACOD là một tổ chức kết nối cung - cầu rất tốt. Tuy nhiên, các quyết đoán chính sách lại phụ thuộc vào cơ quan của nhà thẩm quyền của Nhà nước. Vì vậy, tôi rất mong Hiệp hội có thể thay mặt cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội có thêm tiếng nói với Chính phủ, đối với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. 

Ví dụ như đối với ngành điện của chúng tôi, việc tiết kiệm điện cần được thể chế hóa bằng pháp luật, chứ không phải mang tính chất vận động. Vì tiết kiệm điện sẽ tiết kiệm chi phí cho ngành điện, cũng là tiết kiệm tiền cho Nhà nước.

Tôi có một nỗi đau đáu là làm sao cung cấp đủ điện cho khách hàng. Điện là một loại tài nguyên là quý giá nhưng hữu hạn, là một loại hàng hóa rất là đặc biệt, không thể lưu trữ được, công nghệ lưu trữ rất đắt tiền, đầu tư rất tốn kém. Hiện nay, phương Tây và Châu Âu giá điện gia tăng lên gấp 10 lần nhưng cũng không đủ để sử dụng. Do đó, chúng ta phải tổ chức thực hiện tiết kiệm điện một cách khoa học, tiết kiệm điện được xem như tiết kiệm tài nguyên.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh 

Chúng ta cũng có thể xem tiết kiệm điện là để bảo vệ môi trường bởi: Nếu như chúng ta dùng điện lãng phí, chúng ta phải huy động nguồn điện từ than hay các nguồn khác sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp, trước tiên là doanh nghiệp trong Hiệp hội VACOD cần thực hiện tiết kiệm điện, để vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, vừa đạt mục tiêu tiết kiệm điện chung của Chính phủ và ngành điện, mang lại môi trường kinh doanh xanh sạch, đẹp hơn. Chúng tôi sẵn sàng tư vấn các giải pháp tiếp kiệm điện cho các doanh nghiệp.

Kiến nghị thứ hai mà tối muốn nói đến là các doanh nghiệp liến kết với nhau tạo thành một chuỗi giá trị, một chuỗi liên kết, trong đó có nhiều mặt hàng phụ thuộc vào nhập khẩu. Chỉ cần một trong những mặt hàng thiếu sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Vấn đề đặt ra ở đây, các cơ quan có thẩm quyền, cần có một chiến lược để phát triển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, làm sao để không phát triển theo hướng tự cung, tự cấp. Nhưng chúng ta vẫn có thể chủ được các nguyên liệu, mặt hàng, chủ động sẵn sàng đối phó với những tình huống.

Xin cảm ơn bà.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá dầu ô liu dự kiến hạ nhiệt sau mốc đỉnh lịch sử

Giá dầu ô liu dự kiến hạ nhiệt sau mốc đỉnh lịch sử

Giá dầu ô liu toàn cầu đang dần hạ nhiệt khi sản lượng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong mùa vụ 2024-2025. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn đối mặt với vô số thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, vì vậy cần có sự chuyển đổi sâu rộng để đảm bảo tăng trưởng bền vững…

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương chuẩn bị đội ngũ nội các và nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Những lựa chọn này hứa hẹn sẽ giúp định hình chiến lược lãnh đạo mới của ông trong bốn năm tới…

Top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024

Top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024

Những quốc gia giàu có nhất thế giới không chỉ được định hình bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào hay quy mô dân số nhỏ, mà còn bởi các chính sách tài chính thông minh và khả năng duy trì sự thịnh vượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động…

Kế hoạch chuyển giao quyền lực tại đế chế xa xỉ Prada

Kế hoạch chuyển giao quyền lực tại đế chế xa xỉ Prada

Miuccia Prada và Patrizio Bertelli đều đang chủ động chuẩn bị chuyển giao quyền lực tại "đế chế" Prada cho thế hệ tiếp nối. Điều này không chỉ giúp bảo vệ di sản của gia đình mà còn đảm bảo quá trình kế thừa diễn ra suôn sẻ, tránh những xung đột hay căng thẳng không đáng có…

Hơn 2,8 tỷ USD đặt cược cho khả năng Bitcoin chạm mốc 90.000 USD

Hơn 2,8 tỷ USD đặt cược cho khả năng Bitcoin chạm mốc 90.000 USD

Giá Bitcoin đã đạt mức kỷ lục 81.000 USD, với các chỉ báo phái sinh cho thấy đà tăng mạnh mẽ sẽ còn tiếp tục. Tâm lý lạc quan được thúc đẩy bởi chiến thắng của ông Donald Trump và các quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố thỏa thuận sơ bộ với Intel trong chuyến thăm khuôn viên Intel Ocotillo tại Arizona hồi tháng 3

Chính quyền Biden và ngành chip đẩy nhanh tiến trình nhận hỗ trợ trước khi ông Donald Trump nhậm chức

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang “chạy đua” để hoàn tất các thỏa thuận hỗ trợ ngành chip trước khi ông Donald Trump nhậm chức. Việc này càng cấp bách hơn khi nhiều công ty hàng đầu như Intel và Samsung vẫn đang trong giai đoạn đàm phán để nhận trợ cấp trị giá hàng tỷ USD từ chính phủ Mỹ…

Thế giới nên đối diện với "Trump 2.0" theo cách nào?

Thế giới nên đối diện với "Trump 2.0" theo cách nào?

Trong cả cuộc marathon bầu cử Tổng thống Mỹ, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là lo ngại về khả năng trở lại chiếc ghế quyền lực của một trong những nhà lãnh đạo khó đoán định nhất: "Trump 2.0".

"Trump 2.0" sẽ thay đổi nước Mỹ như thế nào?

"Trump 2.0" sẽ thay đổi nước Mỹ như thế nào?

Tính tới 11h30 ngày 6/11, ông Trump đang dẫn trước bà Harris với những phiếu đã kiểm, Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng gần như chắc chắn giành thắng lợi tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Câu hỏi hiện tại là Trump 2.0 sẽ như thế nào?