Theo ông Liêm, việc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và các hiệp hội DN kiến nghị giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết "Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, không chỉ rất tốt mà còn rất cần cho DN khôi phục sản xuất.
Việc giảm thuế VAT thực chất là giảm thu từ dân cư đưa vào ngân sách, đó là quốc sách khoan sức dân.
Cũng có nghĩa là chuyển nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Nhà nước sang người dân và doanh nghiệp (nhà nước không phải thu vào rồi đầu tư lại) để họ làm vốn kinh doanh phát triển như vậy sẽ hiệu quả hơn. Nhưng vấn đề là giao tiền đó cho ai thực hiện để có kết quả.
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này, thưa ông?
Tổng cục Thống kê vừa công bố các số liệu kết quả sản xuất kinh doanh của các nhóm thành phần kinh tế trong năm 2019, trong đó có một chi tiết rất đáng cho Chính phủ suy nghĩ, đó là: Hiệu quả, lợi nhuận sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách của nhóm thành phần kinh tế phi nhà nước (doanh nghiệp của tư nhân, HTX) cao hơn nhóm doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là việc sử dụng nguồn lực quốc gia tỷ lệ thấp, nhưng đóng góp vào GDP và ngân sách với tỷ lệ rất cao.
Do đó nếu trong thời gian tới Nhà nước chuyển hướng tập trung nguồn lực quốc gia (tài chính, tài nguyên, đất đai, nhân lực…) để khôi phục nhanh nền kinh tế thì nên hướng vào nhóm thành phần này, vì chính nhóm này sẽ giúp Chính phủ thu lại nhiều lợi ích hơn, nhanh hơn, đồng nghĩa với việc người dân, xã hội, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn.
Hiện BHXH Việt Nam cũng cho phép DN được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu DN có “số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra”. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Cũng như kiến nghị được đưa ra như đã nói trên thì đây cũng là biện pháp trực tiếp cho doanh nghiệp “mượn vốn” không lấy lãi. Thay vì yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền vào quỹ, thì BHXH Việt Nam tạm để lại tiền đó cho DN làm vốn, khôi phục phát triển sản xuất kiếm lợi nhuận…. Đó là một biện pháp “lấy ngắn nuôi dài’ “nuôi dưỡng nguồn thu” trong lúc khó khăn này. Với chính sách đầy thiết thực đó tôi nghĩ khi chính sách ra đời chắc chắn sẽ được DN hết sức hoan nghênh.
Thực tế cho thấy có rất nhiều ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19. Với HTX Rạch Gầm, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình như thế nào, thưa ông?
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nhất là các nghành nghề dịch vụ. Rạch Gầm là đơn vị cung ứng dịch vụ nên chuyện bị ảnh hưởng bởi dich Covid-19 là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên HTX chúng tôi cung ứng nhiều dịch vụ nên mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau, trong đó dịch vụ cung ứng xăng dầu bị giảm nhiều nhất trong 3 tháng qua với lượng giảm gần 30%, dịch vụ vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu giảm 25% …
Ông có đề xuất gì đối với các cấp, ngành về cơ chế hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho DN trong giai đoạn khó khăn này?
Để hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho DN trong giai đoạn khó khăn này, thứ nhất các cấp các ngành nên miễn, giảm, chậm nộp tiền sử dụng đất, miễn truy thu tiền sử dụng đất nếu lý do không do HTX gây ra. Thứ hai, giảm hoặc hạ thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0 đối với tất cả các HTX, doanh nghiệp nhỏ, đang cung ứng dịch vụ cho xã hội như vận tải hàng hóa, hàng khách, khách du lịch, dịch vụ thiết yếu… Thứ ba, mở rộng, tăng cao các gói cho vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp giúp HTX Rạch Gầm nói riêng và các HTX nói chung có tiềm năng và truyền thống kinh doanh hiệu quả, giúp họ nhanh chóng khôi phục sản xuất cung ứng dịch vụ.
Song song với đề xuất các cấp các ngành hỗ trợ thì hiện tại, HTX Rạch Gầm đã lên phương án để đối mặt với khó khăn và tìm hướng đi sắp tới?
Hiện HTX chúng tôi đã có kế hoạch phát triển thị trường, phương tiện thiết bị như: Giữ vững thị trường truyền thống, tích cực chuẩn bị phương tiện để đón “lò xo” kinh tế bật trở lại sau dịch như: Đóng mới, bổ sung thêm sà lan trọng tải lớn, nâng cấp các trạm cung ứng xăng dầu; Đầu tư thiết bị kéo đẩy sà lan trong nhà máy đóng tàu của HTX để sửa chữa cũng như đóng mới sà lan trọng tải lớn; Nâng cấp các dịch vụ quản lý HTX theo công nghệ 4.0 và đầu tư kinh phí, hiện đại hoá các dịch vụ quy mô nhỏ khác của HTX.
Xin cảm ơn ông!