Dọn dẹp rào cản ngăn trở mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

Đến năm 2025, đặt mục tiêu thị trường cổ phiếu có quy mô vốn hóa đạt 100% GDP và đạt 120% GDP vào năm 2030. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế.

Đồng thời, duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa triển thị trường chứng khoán Việt Nam so với triển thị trường chứng khoán các nước phát triển.

NÂNG HẠNG CHỨNG KHOÁN NĂM 2025, CÓ 11 TRIỆU TÀI KHOẢN ĐẾN NĂM 2030

Tại chiến lược, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu cụ thể phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam tới năm 2023.

Thứ nhất, đến năm 2025, đặt mục tiêu thị trường cổ phiếu có quy mô vốn hóa đạt 100% GDP và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030. Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ hai, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Thứ ba là nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Thứ tư, hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025.

Thứ năm, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

Cuối cùng, cần tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

CUỘC ĐẠI THANH LỌC TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón nguồn vốn đầu tư chảy vào nhiều hơn, tích cực hơn. Theo ước tính, các nhà đầu tư nước ngoài có thể “rót vào” thị trường khoảng 2 - 5 tỷ USD nếu kỳ vọng này trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, con đường nâng hạng thị trường là một quá trình tương đối dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như khung pháp lý. Do vậy, điều này sẽ rất cần sự nỗ lực chung từ phía tất cả các thành viên tham gia thị trường chứ không chỉ thụ động chờ đợi.

Trong thời gian qua, thị trường liên tục xuất hiện những cuộc “thanh lọc” từ “xóa sổ” tài khoản chứng khoán ảo đến đưa doanh nghiệp ra “ánh sáng”, hủy niêm yết và đình chỉ cổ phiếu... nhằm làm sạch dữ liệu, trả lại sự minh bạch cho thị trường.

Mới đây, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã công bố thông tin, riêng trong tháng 11/2023, tổng số tài khoản mở mới là 148.592 tài khoản, số tài khoản thực hiện đóng là 341.393 tài khoản.

Số tài khoản được đóng nhiều nhất được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), cụ thể là 339.968 tài khoản.

Phía MBS cho biết, công ty vẫn đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản chứng khoán và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không phát sinh giao dịch.

Trước đó, trong tháng 10, số lượng lớn tài khoản chứng khoán thực hiện đóng, là 545.386 tài khoản với phần lớn các tài khoản này đều được mở ở MBS. Như vậy trong 2 tháng liên tiếp, số tài khoản chứng khoán thực hiện đóng tại công ty này là hơn 880.000 tài khoản.

Hồi cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán.

Việc làm sạch dữ liệu người dùng sẽ giúp đối chiếu thông tin của người dùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Nhiệm vụ này được yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 11. Chỉ đạo trên được đưa ra khi thời gian qua nhiều cá nhân bị khởi tố vì thao túng chứng khoán để thu lợi.

Trong vài năm trở lại đây, đã có không ít những vụ án thao túng thị trường chứng khoán bị cơ quan chức năng đưa ra “ánh sáng”, khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dính vòng lao lý, thậm chí lĩnh án phạt tù chung thân.

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Trong đó, có những vụ việc gây rúng động bằng cách sử dụng nhiều tài khoản để “thổi giá” cổ phiếu tăng mạnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ án khởi tố hình sự như Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu FLC; rồi đến Đỗ Thành Nhân và Chứng khoán Trí Việt tại nhóm cổ phiếu Louis; hay Nguyễn Đỗ Lăng và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu “họ” Apec... cùng nhiều cá nhân bị xử phạt hành chính hàng tỷ đồng và đình chỉ giao dịch nhiều tháng. Những sai phạm nêu trên đã tác động mạnh đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings thông đồng với Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu TGG, cổ phiếu BII và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Như vậy, việc rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán, trong đó có thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán là điều vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, một loạt quan chức Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng bị kỷ luật, sau khi kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ các lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước buông lỏng quản lý, dẫn đến thị trường phát triển không lành mạnh và để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Có thể thấy, dù có được nâng hạng khi thỏa các tiêu chí về mặt kỹ thuật ban đầu và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ đổ vào, nhưng nếu các hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu, bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin vẫn tồn tại, các doanh nghiệp niêm yết vẫn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thì thị trường không thể nào phát triển bền vững được. Khi đó, niềm tin lại sụt giảm dẫn đến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài lẫn nội địa khó có thể gắn bó lâu dài.

Có thể bạn quan tâm