Động lực để phát triển nền kinh tế: Phải là Kinh tế tư nhân!

Đó là khẳng định của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam trong bài viết bàn về vai trò của Kinh tế tư nhân. Thương Gia xin giới thiệu cùng bạ

Theo tính toán, nếu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP theo đầu người lên mức 6,0-6,5% mỗi năm, 20 năm nữa mới có thể ngang với mức thu nhập bình quân của thế giới, nhất là trong bối cảnh thế giới không còn thuận lợi như trước. Điều đặc biệt quan trọng là sự sút giảm của năng suất lao động của khối doanh nghiệp kể cả DNNN và DNTN. 

Kinh nghiệm thế giới cho thấy vai trò của kinh tế nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển nền kinh tế phải là KTTN. World Bank đã đưa ra 5 tiêu chí để Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035, trong đó tiêu chí thứ 4 là, tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP đạt ít nhất 80%. Đồng thời cũng chỉ ra 6 nội dung phải chuyển đổi lớn, trong đó nội dung thứ 3 là: Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm.

Tuy nhiên, thách thức về tìm kiếm một cơ chế quản lý phù hợp cho phát triển bền vững để Việt Nam thoát khỏi nước có thu nhập trung bình vẫn đang hiện hữu. Mức tăng trưởngkhông đến nhiều từ nội lực của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng không phải từ KTTN mà từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% giá trị công nghiệp và gần 70% xuất khẩu. Động lực tạo ra giá trị bền vững cho đất nước không nằm ở nội lực của Việt Nam nên không vững chắc. Trong khi đó môi trường hiện nay chưa thực sự hỗ trợ cho các DNTN trong nước hoạt động có hiệu quả. Vì vậy cần phải có các biện pháp cấp bách để cải thiện các điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển các DNTN.

Cuộc chơi không cân sức…

DNTN trong nước thường nhỏ, hoạt động không chuyên nghiệp (chưa kể tới khá nhiều như các hộ gia đình không đăng ký kinh doanh), do vậy khó có thể tăng năng suất bằng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, bằng chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn. 

Đa số DNTN có tầm nhìn ngắn hạn về đầu tư và lợi nhuận, chỉ tập trung đầu tư vào đất đai và vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản, xây dựng, khai thác mỏ… đây là các lĩnh vực có thể tận dụng được cơ chế “xin-cho”. Có rất ít các doanh nghiệp đầu tư dài hạn trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo… do vậy việc kết nối với các DN FDI còn kém, không phát huy được tăng năng suất thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý, không tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam ở đẳng cấp cao và hiệu quả kinh tế vượt trội.

Chính những hạn chế ấy đã khiến DNTN đang măc kẹt giữa cái bóng của hai người khổng lồ là DN FDI và DNNN. DNTN dường như không có được một sân chơi bình đẳng với cả khối DNNN và khối FDI, nhất là việc bình đẳng khi tiếp cận với các nguồn lực, làm giảm khả năng sinh lời và ảnh hưởng tới khả năng tồn tại của các DNTN.

DN FDI không những không chịu ảnh hưởng bởi thể chế trong nước mà còn được ưu đãi gần như tuyệt đối, lại thường khai lợi nhuận nhỏ hoặc lỗ do làm tăng chi phí đầu vào, DN FDI vay công ty mẹ và tổ chức nước ngoài ở mức lãi suất thấp, trong khi các DNTN phải vay vốn lãi suất cao đã làm giảm sức cạnh tranh của DN. Trong khi điều cần tìm kiếm là sự tham gia của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, tình trạng thương mại hóa quan hệ với nhà nước với một số ưu đãi khác làm cho những lợi ích kinh tế chỉ có thể đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với các cơ quan công quyền, chứ không phải năng lực và nỗ lực của chính doanh nghiệp và điều này cũng làm cho nhiều DNTN rất khó phát triển, ngay cả khi họ hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó sự tham gia của nhà nước với tư cách chủ sở hữu tài sản sản xuất vẫn còn lớn, nhất là từ các hoạt động quản trị công, dịch vụ công và an ninh, quốc phòng… làm cho tỷ trọng của khu vực nhà nước vẫn còn khá cao trong GDP (1/3), nhà nước cũng vẫn còn giữ thế độc quyền trong một số lĩnh vực như than, ngân hàng, xây dựng, phân bón và cao su.

“Mê hồn trận” rào cản… 

Môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn và thiếu bình đẳng luôn là thách thức lớn nằm ngoài khả năng kiểm soát của DN. Tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng chậm được khắc phục. Có thể nói môi trường kinh doanh đang là trở ngại lớn nhất của khu vực KTTN. Theo đó, hiện đang có rất nhiều Luật và văn bản dưới luật quy định liên quan đến khu vực KTTN nhưng chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu ổn định, khó tiên liệu, quá trình thực hiện cũng không thống nhất, gây ra nhiều tranh cãi giữa các cơ quan quản lý và DN. Tình trạng giấy phép con (hiện có khoảng gần 6.000 GP con, trong đó có tới hơn ½ trái luật) cũng là một trở lực khác đối với các DNTN.

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có tới 11% trong tổng số hơn 110.000 DN được điều tra cho biết phải trả các chi phí không chính thức lên tới 10% tổng doanh thu. 65% DN cho rằng tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan quản lý các cấp khi giải quyết thủ tục cho DN diễn ra rất phổ biến. Theo xếp hạng mức độ tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), năm 2015 Việt Nam đứng thứ 112/168 nước và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, các DN Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu là 7 - 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (lãi suất thực của Philipines là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm). Nếu mức lãi suất thực hợp lý tiền gửi khoảng 2% và mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hợp lý của hệ thống ngân hàng khoảng 2-3%, mặt bằng lãi suất hiện nay cần phải được giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý.

Mở đường cho kinh tế tư nhân

Trong một chia sẻ của mình, TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello – Thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhấn mạnh “Những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp khó khăn, Việt Nam không được nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7/2017 cùng với đó là xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại”.

"Có thể thấy, hơn lúc nào hết kinh tế tư nhân cần được nhìn nhận một cách đúng đắn, để từ đó có những chính sách hợp lý, kịp thời nhằm biến khu vực này trở thành động lực chính của nền kinh tế Việt Nam.

Muốn làm được điều đó, trước hết cần tạo khí thế mạnh mẽ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trên cơ sở các cam kết của Đảng và Chính phủ về việc minh bạch hoá, công bằng hoá sự phát triển kinh tế nói chung. Phát huy hơn nữa vai trò của DNTN, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp, tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Làm chuyển biến căn bản nhận thức về khu vực KTTN trong việc đảm bảo sự phát triển thực sự của nền kinh tế thị trường nhất là ở các cấp cơ sở.

Chúng ta cũng cần xây dựng một chiến lược tổng thể trong bối cảnh hội nhập (bằng sử dụng các chất xám của đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước) cho sự phát triển của KTTN, tạo ra một khung pháp lý đồng bộ, có sự nhất quán tạo điều kiện cho KTTN phát triển thuận lợi để phát huy được vai trò, vị trí, hướng sự phát triển vào những ngành, nghề có lợi thế so sánh, phát huy thế mạnh ở một số ngành, sản phẩm trọng điểm. 

KTTN cũng cần được xác định, lượng hóa một cách rõ ràng trong chiến lược tổng thể phát triển quốc gia. Đồng thời cần những giải pháp có tính đột phá, để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân yên tâm hăng hái tham gia đầu tư về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính trong các chuỗi giá trị, các sản phẩm ngành công nghiệp và nông nghiệp. 

Muốn vậy, cần tối đa hoá và cộng hưởng nguồn lực xã hội, khai tác tối đa tiềm năng sẵn có các nguồn lực bằng việc cho cộng đồng DNTN được tiếp cận bình đẳng theo cơ chế công khai minh bạch và theo hình thức "nhà nước tạm ứng lợi thế, DNTN quản lý hiệu quả”. Mạnh dạn giao 1 số nguồn lực (vốn, đất đai, cổ phần...) cho DNTN quản lý dưới sự giám sát của nhà nước bằng mục tiêu là hiệu quả sinh lời. Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất để vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho.

Đặc biệt, một trong những điểm mấu chốt để tăng sức mạnh cho khối DNTN là tăng cường tín dụng cho các DN hoạt động có quả, mạnh dạn cho khu vực KTTN vay vốn dựa vào tính khả thi của các dự án. Tăng cường áp dụng hình thức thuê mua tài chính tạo điều kiện cho những DN vốn ít nhưng vẫn có thể tiếp cận được với những máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình SXKD.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, đồng thời tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở các cấp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp, phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tiên phong, quỹ đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ…

Trong 10 - 15 năm tới đầu tư nước ngoài vẫn là 1 kênh quan trọng để thu hút vốn, công nghệ, trình độ quản lý, công ăn việc làm và sức cạnh tranh của Việt Nam nhờ tăng xuất khẩu. Các hiệp định thương mại có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hiệp định đổ vốn vào Việt Nam vì liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Vì thế, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần tạo cơ chế khuyến khích kết nối giữa DN FDI và doanh nghiệp trong nước để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cần phải có chiến lược tận dụng tốt hơn nguồn vốn FDI và cải thiện lực lượng doanh nghiệp nội địa để tránh bị chèn lấn, bên cạnh đó cần chú trọng hơn trong tiếp nhận dự án hướng tới mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa để trở thành mắt xích quan trọng với DN FDI trong nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa... để mang lại giá trị gia tăng cao cho đất nước.

Trên thực tế, để KTTN thực sự trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, tất cả các chính sách, cơ chế đều phải được xây dựng trên cơ sở xác định rõ ràng rằng KTTN không chỉ có tiếng nói quyết định đến sức mạnh kinh tế của quốc gia mà còn trở thành một lực lượng kinh tế có ý nghĩa chính trị toàn cầu. Quan điểm ấy cần được xem như tư tưởng chủ đạo để xác định và xây dựng đường lối phát triển kinh tế của quốc gia. Theo đó, phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng phải được xem như là nguồn gốc của mọi sự phát triển…

Ngày 13/4, tại Hà Nội, sẽ diễn ra hội thảo "Phát triển Kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới". Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương, HBA và VACOD, tạp chí Thương Gia tổ chức. 

Hội thảo sẽ được chủ trì bởi GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội (HBA), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD). 

Có thể bạn quan tâm