“Ông hoàng hoa lan” và chuyện “vườn địa đàng” giữa lòng Hà Nội

Không chỉ sở hữu trang trại hoa lan vào loại lớn nhất châu Á, doanh nhân Nguyễn Văn Kính còn đang hiện thực hoá tham vọng đưa Việt Nam lên bản đồ hoa lan thế giới và trồng cả trăm ha rừng nhằm xây dựng một khu “vườn địa đàng” ngay giữa lòng Hà Nội...
“Ông hoàng hoa lan” và chuyện “vườn địa đàng” giữa lòng Hà Nội

Không chỉ sở hữu trang trại hoa lan vào loại lớn nhất châu Á, doanh nhân Nguyễn Văn Kính còn đang hiện thực hoá tham vọng đưa Việt Nam lên bản đồ hoa lan thế giới và trồng cả trăm ha rừng nhằm xây dựng một khu “vườn địa đàng” ngay giữa lòng Hà Nội. Ẩn sau vẻ xuề xoà, dân dã của con người này là tầm nhìn, sự nhạy bén, quyết liệt và những ý tưởng tiên phong...

ông hoàng hoa lan

Nếu gặp người đàn ông dáng vẻ đầy xuề xoà, dân dã đến ngạc nhiên ấy ngoài phố, dám chắc ít ai biết ông lại là một doanh nhân cực kỳ thành đạt, một “đại gia ngàn tỉ” đúng nghĩa nhưng ông lại rất kín tiếng và không thích người khác gọi mình là đại gia. Ông cũng thích tự lái xe chứ không dùng tài xế riêng như nhiều người có thế lực khác.

DỰ ÁN NGÀN TỶ KHÔNG VAY NGÂN HÀNG

Ông Kính thực sự khiến tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác ngay từ lần đầu gặp mặt. Dịp báo Khoa học và Đời sống long trọng kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên tại Nhà hát lớn TP Hà Nội, ông Kính - từng một thời là phóng viên lăn lộn tại Khoa học và Đời sống cùng các thế hệ cán bộ, nhân viên - cũng tề tựu chung vui. Khi đó, tôi mới biết ông chính là chủ siêu thị hoa Anh Trí trên chợ hoa Quảng An, Tây Hồ. Ít bữa sau, khi anh em đang ngồi café bình dân, ông Kính bất ngờ rủ tôi tới thăm trang trại hoa lan trên đất Đan Phượng.

Thú thực, một số vườn lan Đà Lạt tôi cũng đã từng ghé chơi nên nghĩ bụng nể ông mời thì cứ đi cho biết chứ chắc mẩm cũng chả có gì khác lạ. Nào ngờ tới nơi tôi choáng thực sự bởi quy mô trang trại đồ sộ, trải rộng hàng chục ha ngay bên triền sông Đáy.

Ông Kính hăm hở dẫn tôi đi mỏi chân hết khu nhà kính này sang khu nhà kính khác, mỗi phân khu biệt lập rộng chừng 6.000m2 được tuỳ chỉnh kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí… một cách nghiêm ngặt.

ông hoàng hoa lan
ông hoàng hoa lan
ông hoàng hoa lan

Trong những nhà kính tiêu chuẩn quốc tế này san sát các chậu lan hồ điệp thuộc hơn 100 loại sắc màu rực rỡ, mỗi khu lại phân theo từng độ tuổi hoa lan khác nhau được các công nhân cần mẫn chăm chút ngày đêm theo chế độ riêng, giống như bảo mẫu chăm lũ trẻ con trong nhà mẫu giáo. Ông bảo trang trại của công ty Toàn Cầu thuộc sở hữu của ông có thể “ra lệnh” để lan hồ điệp nở chính xác đến từng ngày, mỗi cành bao nhiêu bông để khớp với nhu cầu thị trường.

Người ta thích gọi ông Kính bằng những biệt danh “vua lan” hay “ông hoàng hoa lan”. Nhưng, nếu ai chứng kiến ông bao năm đôn đáo ngược xuôi nước trong nước ngoài, mất ăn mất ngủ rồi nhiều phen “trầy vi tróc vảy” vì loài hoa nữ hoàng này, họ sẽ thấy ông “giống “nô lệ” của chúng hơn” - như chính ông tự nhận.

Trang trại hoa lan thuộc hàng lớn nhất châu Á của ông Kính không chỉ cung cấp ra thị trường miền Bắc nhiều chủng loại hoa lan hồ điệp chất lượng cao, mà còn cung cấp lan giống cho nhiều vùng trồng hoa khắp cả nước. Để làm được việc này, ông Kính bỏ ra 1.000 tỉ đồng, đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, khu nuôi cấy phôi lan giống rộng 6.000m2 lắp đặt các hệ thống máy móc cực kỳ hiện đại với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về vệ sinh, môi trường sạch như lau như ly, chẳng khác gì phòng mổ trong bệnh viện.

Nhưng cho dù cơ ngơi có tiên tiến, hiện đại đến mấy mà không có nhân sự đủ trình độ xứng tầm sử dụng thì cũng vứt, bởi nếu không có con người, chúng cũng chỉ đơn thuần là cái xác nhà trống lạnh lùng vô nghĩa. Thế nên, ông Kính đã tuyển hàng chục kỹ sư trẻ mới ra trường, đưa họ sang Đài Loan đào tạo trong vòng 3 năm rồi quay về làm việc tại đây. Các chuyên gia Đài Loan sang cũng được ông xây hẳn một khu biệt thự sang trọng để họ có thể ăn nghỉ, làm việc ngay tại trang trại.

ông hoàng hoa lan

Thế vẫn chưa đảm bảo sự thành công và phát triển bền vững, ông Kính hiểu rõ rằng trong một nền kinh tế tri thức, công nghệ luôn luôn thay đổi đến chóng mặt thì cập nhật công nghệ đỉnh cao ngay tại nguồn là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, ông quyết định đầu tư hàng triệu USD để sở hữu 40% một công ty top đầu về nghiên cứu, nuôi cấy phôi lan hồ điệp tại Đài Loan nhằm đảm bảo rằng công ty Toàn Cầu không bao giờ là kẻ đi sau trong cuộc đua khốc liệt này.

Theo ông Kính, mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 800 triệu giò lan hồ điệp, trị giá chừng 10 tỷ USD. Tốc độ phát triển thị trường của lan hồ điệp tại Việt Nam tăng khoảng 50-100% mỗi năm, tạo ra một thị trường quy mô cỡ 6.000 tỉ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 12-15 triệu cây lan.

Tuy nhiên, hiện trong nước chỉ trồng được khoảng dưới 20% nhu cầu thị trường. Trước đây, toàn bộ khu vực miền Bắc đều nhập hoa lan từ Trung Quốc về bán, còn thị trường hoa lan miền Nam do Đà Lạt cung cấp. Điều đáng nói là cả lan nhập từ Trung Quốc về hay lan trồng ở Đà Lạt đều phải nhập 100% giống từ Đài Loan.

Là một người nhạy bén và tinh tế, từng bỏ thời gian đi khảo sát từ Bắc chí Nam và nhiều dịp bôn ba nước ngoài, ông nhận thấy tình yêu của người Việt Nam dành cho hoa thuộc tốp đầu thế giới. Đặc biệt, họ rất mê chuộng loài hoa nữ hoàng thân to, lá xanh mướt, cánh hoa lớn, màu sắc rực rỡ vừa bền vừa đẹp lại sang như lan hồ điệp. Thời điểm 2004 - 2005, ông từng nhập về và bán hết veo hàng vạn giò lan hồ điệp dịp Tết. Điều đáng buồn là toàn bộ thị trường lan hồ điệp nội địa phần lớn đều có xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan.

Kể từ khi đó, một câu hỏi luôn đau đáu trong đầu ông Kính và khiến ông trăn trở trong suốt nhiều năm: Liệu bàn tay, trí óc người Việt có làm chủ được công nghệ nuôi trồng lan hồ điệp hay không? Làm sao có thể chiến thắng trên sân nhà và chiếm lĩnh được thị trường hoa lan trị giá hàng ngàn tỉ mỗi năm từ tay nước ngoài?

ông hoàng hoa lan

Ông đã từng thành công rực rỡ ở lĩnh vực bất động sản với những dự án khu đô thị hàng trăm ha. Sau bước ngoặt bỏ bất động sản đi trồng hoa hồng rồi lan hồ điệp, ông Kính gặp liên tiếp những thất bại bởi thiếu tri thức và kinh nghiệm trong ngành này. Thói thường, người đời chỉ biết đến ánh hào quang từ những người thành công mà ít khi biết rằng đằng sau nó là biết bao cay đắng, tủi nhục, khóc cười trả giá.

Nhưng với quyết tâm của một người lính, những phân tích khoa học của một kỹ sư và sự nhạy cảm của một người có kinh nghiệm thương trường, dù gặp thất bại, ông biết mình đang đi đúng hướng, chỉ có điều chưa đúng phương pháp mà thôi.

Sau những bài học đắt giá, ông rút ra kết luận: Chỉ có thể làm nông nghiệp công nghệ cao thành công nếu nắm được công nghệ gốc và đầu tư xứng tầm, không được nửa vời, không tiếc tiền. Thế nên, ông Kính quyết lặn lội sang Đài Loan tầm sư học đạo. Hòn đảo này giai đoạn cao điểm có tới trên 4.000 công ty, nhà vườn nuôi cấy lan hồ điệp, cung cấp cho toàn thế giới.

Ông Kính cất công tìm đến cơ sở nuôi cấy mô giống lan hồ điệp tiên tiến hàng đầu vùng lãnh thổ nọ để ký kết hợp tác, chuyển giao công nghệ. Trời không phụ lòng người, nhờ những bước đi đột phá, chỉ một thời gian sau, trang trại của ông Kính thắng lớn khi cho ra đời những cây lan hồ điệp thậm chí còn to đẹp hơn cả lan hồ điệp Đài Loan.

Theo tính toán của ông Kính, thực tế cho thấy nếu làm nông nghiệp công nghệ cao như trồng hoa lan, mỗi ha đất có thể mang lại lợi nhuận 3 tỉ đồng/năm. Nếu ứng dụng công nghệ và quản lý tốt, thu nhập có thể lên tới 4 tỉ đồng. Hiện trang trại lan hồ điệp của ông đã xây hàng chục ngàn m2 nhà kính đạt tiêu chuẩn quốc tế và đang tiếp tục mở rộng, xây dựng tới 120.000 - 150.000m2 nhà kính, còn chưa tính tới khu hội chợ - triển lãm. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 - 5.000 tỉ đồng.

Điều khiến người ta càng thêm kính nể doanh nhân Nguyễn Văn Kính là toàn bộ khoản đầu tư nói trên đều nhờ vốn tự có của công ty, không hề vay ngân hàng đồng nào. Ai cũng biết thời buổi kinh tế liêu xiêu, nhiều đại gia Việt đình đám cỡ tỷ phú đô la cũng điêu đứng vì thiếu vốn, rõ ràng những người vẫn hiên ngang đứng giữa trời đất mở rộng làm ăn lúc này như ông Kính quả thật hiếm lắm thay.

TRỒNG RỪNG, XÂY "VƯỜN ĐỊA ĐÀNG" GIỮA LÒNG HÀ NỘI

Mắt ông Kính sáng rỡ lên mỗi khi nhắc tới trang trại hoa lan, ông say sưa nói về những dự định đang ấp ủ với loài hoa quý tộc ấy cứ như thể nói về đứa con yêu hay người tình của mình vậy.

Tôi thực sự khâm phục ông Kính và đoán chắc con người này dứt khoát đã vượt qua bao nếm trải, cảm ngộ nhân sinh mới có được cái dũng khí để quyết đoạn tuyệt với bất động sản khi đang trên đỉnh thành công. Có bao nhiêu người đủ bản lĩnh để dứt áo nhẹ tênh như thế?

Nhìn người đàn ông trạc ngoại lục tuần lọ mọ lật từng viên gạch, hỏi han kỹ lưỡng nhân viên từng chi tiết khi đích thân kiểm tra công trình nhà hội chợ, tôi chợt nhớ dịp được tỷ phú Trần Bá Dương dẫn đi xem nhà xưởng lắp ráp ô tô của tập đoàn Thaco trong Quảng Nam. Cũng là dân Bách khoa ra, ông Dương vốn đi lên từ một anh thợ sửa xe quèn, đến khi thành ông chủ lớn vua biết mặt chúa biết tên vẫn giữ tác phong tỉ mỉ, kỹ lưỡng đến từng chi tiết.

ông hoàng hoa lan

Vị tỷ phú khoe toàn bộ khu nhà xưởng đều do ông tự thiết kế chứ chẳng thuê chuyên gia nước ngoài nước trong nào hết. Phải chăng điểm chung của những người thành công thường luôn hào sảng, quan tâm đến người khác khi ứng xử nhưng lại đặc biệt nghiêm khắc, cẩn trọng đến từng chi tiết trong công việc?

Ông Kính tâm sự: Chính chất lính, thời lăn lộn nghề báo và quãng đời kinh doanh đầy gian truân đã đưa tới thành công và định hình con người ông bây giờ. Ông chia sẻ, mình bước vào nghề trồng hoa ban đầu như để trả nghĩa cho đất và người nông dân. Còn giờ đây, sau gần hai thập niên nếm đủ cay đắng ngọt bùi, ông đã bị loài hoa quý tộc này mê hoặc và trở thành “nô lệ” của chúng tự bao giờ chẳng hay.

Trường vốn, quyết tâm và sáng tạo là bí quyết thành công và cũng chính là cơ sở để ông Kính tự tin với kế hoạch dần thay thế lan hồ điệp nhập ngoại bằng lan nội địa rồi đưa lan hồ điệp Made in Vietnam hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là một phần trong những tham vọng đường xa của ông.

          

Tốt nghiệp kỹ sư điện Đại học Bách Khoa, trải qua quân ngũ rồi một thời gian làm báo, ông Kính từng làm đủ nghề để mưu sinh từ chụp ảnh cưới, làm âm thanh ánh sáng cho nhà hát, sản xuất đồ mộc đến thi công đường dây, trạm điện, kinh doanh bất động sản… ông không ngờ có ngày mình lại bất ngờ bước chân vào ngành nông nghiệp công nghệ cao và bị loài hoa lan “bỏ bùa”.

          

Hiện ông Kính đã gần như hoàn tất việc xây dựng khu triển lãm hội chợ rộng lớn với phong cách thiết kế Đông Dương thời Pháp ngay tại trang trại. Đây không chỉ là nơi các thương lái khắp cả nước tới giao dịch hoa lan ngay tại chỗ, mà trang trại - khi chính thức mở cửa còn là địa điểm triển lãm đón khách tham quan một tour du lịch sinh thái - văn hoá khép kín với những trải nghiệm khó quên ở miền Bắc.

Ít ai biết doanh nhân Nguyễn Văn Kính còn là một nhà sưu tầm cổ vật và gỗ quý tầm cỡ. Dịp Tết Quý Mão mới đây, chiếc trống đồng Đông Sơn quý hiếm mà cá nhân ông sở hữu vừa được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

ông hoàng hoa lan
ông hoàng hoa lan
ông hoàng hoa lan
ông hoàng hoa lan
ông hoàng hoa lan

Ông Kính tiết lộ rằng sắp tới dự án tại Đan Phượng sẽ mở rộng lên hơn 200 ha, vươn sang cả bờ bên dòng sông Đáy. Cùng với trang trại lan hồ điệp, khu triển lãm - hội chợ, ông sẽ xây cầu nối hai bờ sông Đáy, đắp 5 ngọn núi lớn và trồng cả trăm ha rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên như một khu “vườn địa đàng” ngay giữa lòng Thủ đô.

Ngoài trồng các loài cây quý theo từng chủ đề, khu rừng bên sông này sẽ tạo sinh cảnh tự nhiên nhất nhằm bảo quản nguồn gen cho tất cả các giống lan bản địa quý hiếm của Việt Nam. Toàn bộ quần thể hơn 200 ha sông suối và rừng cây nay mai sẽ trở thành lá phổi xanh và khu sinh thái tự nhiên cho một thành phố Hà Nội ngày càng tất bật đô thị hoá và công nghiệp hoá.

Tất cả khởi đầu từ mối lương duyên và sự gợi ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi tiến hành giải phóng mặt bằng cho một dự án đô thị, chứng kiến cảnh nông dân mất sinh kế khi không còn bờ xôi ruộng mật.

Ông Tạn khuyên ông Kính làm nông nghiệp công nghệ cao. Đấy thực sự là một sự lựa chọn cân não bởi chính ông phải buông bỏ lĩnh vực bất động sản đang phất lên như diều gặp gió, dốc vốn liếng nhảy sang trồng hoa…

Ông bật mí, dự án với ý tưởng tiên phong này được nhiều lãnh đạo Nhà nước và thành phố Hà Nội rất quan tâm, ủng hộ bởi không chỉ làm nông nghiệp công nghệ cao mà còn gắn với du lịch, văn hoá, phát triển kinh tế xanh. Ông cười, bảo: “Quan điểm làm việc của tôi không theo kiểu gặp anh nọ anh kia trình bày tôi đang dự định làm cái này cái nọ, mà cứ bỏ tiền đầu tư làm cơ bản xong rồi mới mời đối tác hay lãnh đạo xuống xem thực tế. Mình làm rồi mới thuyết phục được người khác chứ uốn lưỡi nói suông thì dễ lắm”.

Vị doanh nhân quả quyết, nếu như dự án được các cấp có thẩm quyền và Thành phố Hà Nội nhanh chóng phê duyệt, tạo điều kiện và thúc đẩy theo đúng kế hoạch đã định, chắc chắn chỉ sau 2 năm công trình đồ sộ tổng vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Ông đã thuê chuyên gia lừng danh từ Pháp sang để khởi động kế hoạch lớn nói trên.

Được biết, toàn bộ quần thể nông nghiệp công nghệ cao - khu du lịch sinh thái khổng lồ ấy nằm ngay trên trục đường văn hoá - lịch sử kết nối trung tâm Tây Hồ Tây với Sơn Tây đang hình thành. Chỉ ít lâu nữa thôi, người dân Hà Thành sẽ có cơ hội để ngơ ngẩn, lạc lối phiêu du trong khu “vườn địa đàng” nên thơ ngay giữa lòng thành phố.

Bài: Vương Hạnh
Ảnh: Như Ý
Thiết kế: Hoàng Nam
Kỹ thuật: AICMS

Có thể bạn quan tâm