Ngày 8/4, Ủy viên châu Âu phụ trách Nông nghiệp Phil Hogan đã công bố một số chi tiết trong "Kế hoạch khẩn cấp" của Liên minh châu Âu (EU) đối với lĩnh vực nông sản, trong trường hợp không có thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU, gọi là Brexit "cứng."
EU dự đoán hoạt động của lĩnh vực này sẽ bị gián đoạn nếu xảy ra Brexit "cứng." Những xáo trộn thị trường sẽ liên quan tới thủ tục hải quan, kiểm soát an toàn và bảo vệ sức khỏe (SPS), hậu cần, lưu trữ sản phẩm....
Hậu quả của các tình huống này rất nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề chậm trễ trong giao hàng gây hư hỏng và thiếu hụt sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, EU đã sẵn sàng cho một kịch bản "không thỏa thuận" có thể xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp và vẫn cam kết bảo vệ lợi ích của người nông dân châu Âu.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết chính sách nông nghiệp chung đã bao gồm các công cụ có thể được kích hoạt trong trường hợp gián đoạn thị trường sau Brexit mà không có thỏa thuận, chẳng hạn như biện pháp can thiệp công khai, huy động nguồn dự trữ của tư nhân, phòng chống khủng hoảng và quản lý rủi ro.
EC từng sử dụng các biện pháp can thiệp cùng sự trợ cấp của nhà nước kiểu này, đặc biệt là trong giai đoạn 2014-2016, để khắc phục sự mất cân đối trong thị trường nông sản và giúp những nông dân gặp khó khăn về tài chính.
Theo ông Phil Hogan, EC có kinh nghiệm đáng kể trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân trong trường hợp xảy ra gián đoạn thị trường ở mức độ lớn.
Trong trường hợp Brexit "cứng," chắc chắn sẽ xảy ra sự gián đoạn đáng kể tại một số thị trường nông sản. Ủy viên của EU cũng lưu ý rằng một số quốc gia thành viên sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt, do hậu quả của Brexit "cứng" vì khối lượng xuất khẩu của họ vào thị trường Anh.
Hầu hết các sản phẩm thực phẩm của EU xuất khẩu sang Anh là các sản phẩm tươi sống (trái cây và rau quả), do đó rất dễ hỏng. Hiện Vương quốc Anh phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản từ 27 quốc gia EU. Trong trường hợp xảy ra Brexit không có thỏa thuận, nước Anh sẽ rất khó khăn để tìm nguồn cung thay thế.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh, có trụ sở tại London (Anh), ngành hàng hải Anh, gồm cầu cảng, tàu bè và các dịch vụ liên quan, nằm trong số các lĩnh vực sẽ bị tác động nhiều nhất bởi Brexit.
Nghiên cứu trên cho thấy lĩnh vực hàng hải chỉ chiếm 0,6% cho GDP của Anh, song đóng vai trò quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Theo nghiên cứu trên, việc chấm dứt các quy định về di chuyển tự do của hàng hóa sẽ đồng nghĩa với xuất hiện các chốt kiểm soát hải quan, các loại thuế hải quan, các chốt kiểm soát quy định và thuế VAT đánh vào hàng hóa giữa Anh và EU, làm gia tăng thời gian và chi phí của các nhà xuất khẩu Anh.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một hậu quả khác của việc chấm dứt sự di chuyển tự do của con người là các công ty tàu phà sẽ phải đối mặt với thực tế nhu cầu của các công dân Anh và EU đi qua eo biển Manche giảm mạnh.
Theo nghiên cứu trên, cảng Dover sẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu xảy ra Brexit "cứng." Năm 2017, riêng cảng này đã xử lý 17% hoạt động thương mại hàng hóa đường biển của Anh, giá trị khoảng 220 tỷ bảng Anh.
Theo Vietnamplus