Đây là thông tin chấn động trên một bài viết vừa đăng tải trên tờ The New York Times thì Facebook đã ký hợp đồng chia sẻ dữ liệu với ít nhất 60 nhà sản xuất thiết bị di động.
The New York Times cho biết 60 nhà sản xuất thiết bị đã “vào nhà” Facebook lấy các dữ liệu như trạng thái quan hệ, tôn giáo, sở thích chính trị và các sự kiện của người dùng.
Mặc dù không được phép truy xuất danh sách bạn bè của mỗi người dùng cụ thể, nhưng trên thực tế các hãng công nghệ này vẫn có được thông tin của họ.
Cũng theo The New York Times, đa phần mối quan hệ chia sẻ dữ liệu này vẫn có hiệu lực mặc dù Facebook vừa vướng phải vụ bê bối Cambridge Analytica hồi tháng 4 vừa qua.
Từ năm 2014, Facebook đã bắt đầu hạn chế các nhà phát triển ứng dụng, không cho họ truy cập vào dữ liệu bạn bè của người dùng bao gồm tên tuổi, ngày sinh, xu hướng chính trị và tôn giáo. Tuy nhiên, The New York Times cho biết các nhà sản xuất thiết bị lớn không bị hạn chế bởi chính sách này.
Phản hồi lại với bài viết trên The New York Times, Phó Chủ tịch Facebook phụ trách mảng quan hệ đối tác, ông Ime Archibong đã đăng một bài viết trên blog với tiêu đề: “Tại sao chúng tôi không đồng tình với The New York Times”. Ông này xác nhận Facebook có thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với 60 công ty, trong đó có Amazon, Apple, BlackBerry, HTC, Microsoft và Samsung, nhưng sự chia sẻ này có từ trước khi các kho ứng dụng và hệ điều hành iOS/Android trở nên phổ biến.
Ông Archibong cho biết: “Các đối tác của chúng tôi đã ký thỏa thuận rằng họ sẽ không sử dụng dữ liệu người dùng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc tái tạo lại những trải nghiệm giống như Facebook. Trái với tuyên bố của The New York Times, thông tin của bạn bè người dùng, chẳng hạn như ảnh, chỉ có thể truy cập được trên thiết bị của người dùng khi bạn bè của anh ta đồng ý chia sẻ tấm ảnh đó. Chúng tôi không thấy bất kỳ sự lạm dụng dữ liệu nào từ các công ty đối tác”.
Ông Archibong cũng nói thêm rằng trong 10 năm qua sự phát triển mạnh mẽ của iOS và Android đã khiến cho người dùng không cần đến những trải nghiệm giống Facebook nữa. Đó là lý do Facebook đã thu hẹp các mối quan hệ đối tác chia sẻ dữ liệu kể từ tháng 4 năm nay. Cho đến nay, chỉ còn 22 công ty được phép truy cập dữ liệu của Facebook.
Vào ngày 10/4, người đứng đầu Facebook là ông Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước một Ủy ban Điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ để trả lời về vụ bê bối Cambridge Analytica. Đây là vụ bê bối mà Cambridge Analytica (được sự “gật đầu” của Facebook) đã lấy dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook để thực hiện các quảng cáo chính trị hướng đối tượng.