Farfetch là "nạn nhân" mới nhất của sự suy giảm chi tiêu tại hai siêu cường thế giới

Nền tảng thương mại điện tử xa xỉ Farfetch được cho là đang dự tính hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York và trở lại thành công ty tư nhân, trong bối cảnh có nhiều tin đồn về khó khăn tài chính…

Farfetch chính thức niêm yết trên sàn giao dịch NYSE vào năm 2018
Farfetch chính thức niêm yết trên sàn giao dịch NYSE vào năm 2018

Theo báo cáo của Reuters, José Neves - giám đốc điều hành và người sáng lập Farfetch được cho là đang thảo luận về việc tư nhân hóa công ty bán lẻ điện tử đa thương hiệu của mình với các cổ đông, bao gồm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba và tập đoàn xa xỉ Thụy Sĩ Richemont.

Các nhà đầu tư đã “nhướn mày” vào tháng trước khi Farfetch trì hoãn công bố kết quả tài chính quý 3/2023.

“Công ty hy vọng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về thị trường vào thời điểm thích hợp. Công ty sẽ không cung cấp bất kỳ dự báo hoặc hướng dẫn nào vào thời điểm này và mọi dự báo hoặc hướng dẫn trước đó sẽ không còn được cân nhắc”, nền tảng thương mại điện tử đã nêu sau đó, theo Drapers.

Các dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện một thời gian tại Farfetch, nhưng chưa bao giờ thể hiện rõ ràng như vậy cho đến những tuần gần đây.

Nhà bán lẻ hàng xa xỉ trước đây đã từng ấp ủ ý tưởng về một thỏa thuận để mua lại 47,5% cổ phần của đối thủ cạnh tranh Yoox Net-A-Porter. Nhưng kế hoạch này đến nay vẫn tiếp tục bị đình trệ.

“Farfetch đang thua lỗ và có vẻ không được trang bị đầy đủ để hoàn tất giao dịch với Richemont. Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 70% kể từ khi IPO vào năm 2018 đến nay”, các nhà phân tích cho biết vào cuối tháng 11.

Theo Reuters, trong quý 2/2023, Farfetch không đạt được doanh thu dự kiến và buộc phải giảm bớt các đơn đặt hàng cho mùa thu và mùa đông do lượng hàng tồn kho còn dư thừa nhiều. Kết quả này đã khiến các nhà phân tích lắc đầu thất vọng.

Ông José Neves, Giám đốc điều hành Farfetch, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy khách hàng đang kém hào hứng hơn ở Mỹ. Còn tại Trung Quốc đại lục thì thực tế là sự phục hồi không mạnh mẽ như mong đợi khi chúng tôi đưa ra hướng dẫn vào quý 1”.

Với việc thế giới dần mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 trong hơn một năm rưỡi qua, những dự báo ban đầu là lạc quan khiến nhiều nhà bán lẻ bao gồm cả Farfetch đặt kỳ vọng cao. Nhưng trong những tháng gần đây, sự lạc quan đó gần như “tiêu tan”.

Với việc người tiêu dùng Mỹ chi tiêu ít hơn cho hàng xa xỉ trong năm qua, nhiều thương hiệu đã hướng sự tập trung tới Trung Quốc, với hy vọng rằng người tiêu dùng ở quốc gia tỷ dân sẽ bù đắp phần nào cho sự suy giảm ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, điều này đã không thành hiện thực đối với các nhà bán lẻ điện tử như Farfetch, khi Trung Quốc tiếp tục đối mặt với cái mà các chuyên gia gọi là “cuộc khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng”.

Trong khi đó, Farfetch gần đây đã ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa tổng thể (GMV) của họ sẽ đạt khoảng 4,4 tỷ vào năm 2023. Ước tính này là một sự đi xuống so với con số dự kiến trước đó là 4,9 tỷ. Việc Farfetch có khả năng đạt được mức GMV đó hay không vẫn chưa được nhìn thấy, nhưng con đường phía trước của nền tảng thương mại điện tử có vẻ không chắc chắn, nếu không muốn nói là đầy chông gai.

Doanh thu của Farfetch đã giảm 1,3% so với cùng kỳ xuống còn 527 triệu trong quý 2/2023. Lợi nhuận gộp của nhà bán lẻ trượt 10% so với cùng kỳ xuống 242 triệu trong quý, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp là 42,5%, thấp hơn mốc 46,2 % của năm trước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…