Dân Mỹ dừng chi tiêu xa xỉ, thị trường hàng hiệu ở châu Á vẫn toả sáng

Báo cáo kết quả thu nhập của tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH cho thấy chi tiêu xa xỉ đang đột ngột chậm lại ở Mỹ…
Dân Mỹ dừng chi tiêu xa xỉ, thị trường hàng hiệu ở châu Á vẫn toả sáng

Tập đoàn hàng xa xỉ khổng lồ của Pháp LVMH mới đây đã báo cáo sự sụt giảm đáng ngạc nhiên về chi tiêu xa xỉ tại Mỹ trong quý thứ hai, với doanh số bán hàng thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm trước. 

Kết quả đáng thất vọng này được đưa ra sau khi Richemont, chủ sở hữu của thương hiệu Cartier hồi đầu tháng cũng báo cáo doanh số bán hàng giảm 4%. Cổ phiếu của Richemont đã rớt hơn 10% sau tin tức, gây áp lực lên các cổ phiếu xa xỉ khác trong suốt cả tuần khi các nhà phân tích chuẩn bị cho khả năng thị trường hàng Mỹ có thể giảm tốc.

Trong cuộc gọi thu nhập của LVMH hôm 25/7, giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony cho biết doanh số bán hàng giảm ở Mỹ do nhóm người tiêu dùng trung lưu không còn quá nhiệt tình với các sản phẩm hàng hiệu “entry-level” (sản phẩm có mức giá thấp hơn và phù hợp với những người mới tham gia vào trải nghiệm hàng xa xỉ). Mặc dù ông Guiony nói rằng bản thân không thể giải thích lý do chính xác của sự sụt giảm, nhưng việc các khoản hỗ trợ tài chính thời đại dịch đang giảm dần có thể là một phần nguyên nhân. 

“Nếu chúng ta cho rằng nhóm người tiêu dùng trung lưu được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp trong thời kỳ Covid-19, thì xu hướng mua sắm của họ cũng sẽ sớm thay đổi”, ông Guiony lưu ý.

Phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất là rượu vang và rượu mạnh - đặc biệt là rượu cognac. LVMH cho biết họ đã phải vật lộn với các vấn đề về hàng tồn kho trong và sau đại dịch khiến giá cả và nguồn cung khó kiểm soát.

Trong khi đó, mảng sản phẩm giá thành cao tại các thương hiệu thời trang đắt đỏ nhất của LVMH đang hoạt động tốt ở Mỹ, có lẽ là nhờ những người mua sắm giàu có, vốn ít nhạy cảm hơn với lạm phát, nợ hay sự bấp bênh của nền kinh tế. 

Ông Guiony nhận thấy sự chậm lại trong doanh số ở thị trường Mỹ cũng xảy ra khi người dân nước này đi nghỉ hè ở châu Âu và tranh thủ mua hàng xa xỉ ở Paris, Rome hoặc London thay vì Mỹ. Doanh số bán hàng của LVMH ở châu Âu đã tăng 18% trong quý hai và giám đốc tài chính Guiony khẳng định khách du lịch chiếm gần một nửa mức tăng trưởng đó. Vào năm ngoái, LVMH cũng đã có một báo cáo tương tự về việc người Mỹ ồ ạt tới châu Âu để du lịch, khiến một phần doanh số bán hàng ở Mỹ suy giảm. 

Nhìn chung, LVMH báo cáo doanh số bán hàng toàn cầu tăng 17% trong quý 2/2023, đặc biệt nhờ vào mức tăng 34% ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản.

chi tiêu xa xỉ

Cũng trong đó, Trung Quốc mang đến sự tương phản khá lớn so với Mỹ. Ông Jean-Jacques Guiony nói rằng mặc dù có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, nhưng chi tiêu cho hàng xa xỉ vẫn mạnh mẽ sau khi các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái. Thương hiệu trang sức Bulgari của công ty, hoạt động tốt ở châu Á, đã có một quý 2 vững chắc, trong khi Tiffany &Co., công ty phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Mỹ, lại yếu hơn kỳ vọng. 

Ông Guiony nhấn mạnh, trong khi trước đây đa số các giao dịch mua hàng xa xỉ của người dân Trung Quốc thường được thực hiện chủ yếu ở châu Âu, thì giờ đây phần lớn lại ở chính quốc gia của họ và Nhật Bản.

“Lý do người Trung Quốc thích mua sắm tại Nhật là bởi mức giá hàng hiệu ở đó đã giảm khá nhiều trong năm do đồng yên mất giá, do đó có sự khác biệt lớn về giá giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng chúng ta sẽ thấy giá ở Nhật bắt đầu tăng trở lại”, ông Guiony giải thích thêm. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…