Chị là Ninh Thị Ty – nữ doanh nhân anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - “Thuyền trưởng” của “hải đội” May Hồ Gươm và May Chiến Thắng vươn xa trên biển lớn!
Trong các cuộc gặp mặt của giới doanh nhân, cứ chỗ nào có tiếng cười rộn ràng là y như rằng có chị Ty. Bởi chị luôn có những câu chuyện vui chọc cười mọi người. Vui thì vui vậy nhưng tôi đã có dịp chứng kiến lúc chị làm việc. Quyết đoán, nghiêm khắc nhưng vẫn có lý có tình của chị khiến không chỉ cấp dưới mà đối tác nước ngoài cũng nể phục. Chẳng thế mà nhiều người đặt cho chị cái tên rất phù hợp với tính cách và vai trò của chị:
“Nữ tướng của ngành may”
Luôn sâu sát với công việc, với người lao động - một trong những "bí quyết" thành công của "nữ tướng" Ninh Thị Ty
Có thể sơ lược nói về “Nữ tướng” này như sau: nhà nghèo, học giỏi và có chí nên được chọn đi học Đại học tại CHDC Đức. Với 3 lần tu nghiệp tới gần 9 năm tại Đức đã khiến chị gắn bó máu thịt với ngành may và ảnh hưởng tính cách công nghiệp của người Đức. Năm 1979 chị về nhận công tác tại liên hiệp các xí nghiệp may (tiền thân của Tập đoàn Dệt May) và đem hết những gì đã được học ở nước bạn để đóng góp cho sự phát triển của ngành. Với chị đây là những năm tháng đầy khó khăn nhưng cũng đầy khao khát khẳng định mình và cống hiến.
Chị Ty nhớ lại: “Tháng 11/1995, khi được giao tiếp quản Xí nghiệp May thời trang Trương Định nay là Cty CP May Hồ Gươm trong tình trạng vô cùng khó khăn, tài khoản không còn một đồng nào, máy móc, thiết bị, nhà xưởng ọp ẹp, cũ kỹ, đời sống và tinh thần của cán bộ công nhân viên rất bi đát. Không hề nản trí, bằng những biện pháp cụ thể, tôi đã cùng các đồng nghiệp từng bước ổn định tổ chức, sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất cho hợp lý, tích cực tìm nguồn hàng để phát triển sản xuất. Chỉ sau một năm, xí nghiệp đã đi vào ổn định, năng suất lao động tăng cao, đời sống cán bộ công nhân được cải thiện rõ rệt, xí nghiệp đã thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính.”
Trước thành công đó, nhận thấy khả năng vực dậy nhà máy của chị, Tập đoàn một lần nữa lại tin tưởng giao thêm trọng trách mới cho chị khi trước đó đã có người từng đảm nhiệm nhưng không thành công.
“Khi May Hồ Gươm đã đi vào ổn định và phát triển tốt, tháng 11/2006, Tập đoàn Dệt may VN lại giao cho tôi tiếp quản Cty CP May Chiến Thắng trong tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài. Để vực dậy Cty này, tôi đã tập trung sắp xếp lại tổ chức, giảm các phòng ban gián tiếp, bố trí lại lao động, chấn chỉnh lại nề nếp làm việc, đặc biệt quyết định tăng lương cho người lao động nhằm ổn định tình hình. May Chiến Thắng cơ bản đã giải quyết được phần lỗ, các khoản nợ đọng và đi vào phát triển sản xuất. Cùng thời gian này, tôi cũng quyết định mua lại công ty may Đức Việt (Thái Bình) cũng đang trong tình trạng làm ăn kém hiệu quả. Bằng kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, uy tín và khả năng tìm kiếm thị trường, tôi đã giúp các DN này vượt qua khó khăn, từng bước phát triển vững chắc.”
Bà Ninh Thị Ty được vinh danh là một trong những Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu
Chị kể về những năm tháng ấy với giọng nói trong trẻo, nhẹ nhõm nhưng tôi hiểu tâm huyết và trí tuệ cùng sức lực chị dồn vào đó không phải đễ gì mà đo đếm được. Ngày đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm nhà máy, chị vội vã từ xưởng sản xuất chạy lên văn phòng công ty còn rất đơn sơ, tự tay pha trà rót nước mời khách quý! Giản dị và hồn nhiên như vậy đấy.
Khi được hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị khen thưởng danh hiệu anh hùng lúc ấy mới có dự tính lãi của May Chiến Thắng là 17 tỷ đồng, chị kiên quyết bảo chờ kết quả đích xác đã. Chỉ đến khi con số lãi của May Chiến Thắng được chốt hơn 18 tỷ đồng mới là lúc chị đồng ý gửi báo cáo lên trên! Tính cách chị thẳng thắn và rạch ròi như thế, như chị vẫn nói: đã làm là ra làm, đã hứa là giữ lời! Có lẽ chính vì vậy mà các đối tác nước ngoài từ Mỹ, Châu Âu, Israel... đều “kết” chị. Chị mở nhà máy ở đâu là họ lại dăng ký làm đối tác đến đó. Điều ấy thực sự là niềm mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp.
Thấy chị vẫn xuôi ngược về Thanh Hóa lên Bắc Kạn đặt nhà máy, tạo thêm hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động, tôi không khỏi ngạc nhiên. Sức đâu mà người phụ nữ bé nhỏ này có thể làm được nhiều như thế? Vực dậy May Hồ Gươm, May Chiến Thắng và phát triển nó như hiện nay với doanh thu năm vừa qua tới hơn 600 tỷ đồng, thu hút tới gần 6.000 lao động... đã là một kỳ tích. Vậy mà dự định của người nữ doanh nhân tài ba này là năm tới sẽ đạt đến con số 10.000 lao động. Chỉ riêng việc tạo công ăn việc làm cho biết bao người và sau họ là biết bao gia đình, điều ấy với mỗi doanh nhân đã xứng đáng là anh hùng, ghi danh vào bảng vàng danh dự.
Tôi đặt câu hỏi rằng sao chị vẫn chưa chịu dừng lại, vẫn tự đặt lên vai mình áp lực nặng nề như thế và nhận được câu trả lời rất nghiêm túc của chị rằng thấy các doanh nghiệp FDI lớn quá nhanh còn các doanh nghiệp Việt dường như ngày càng nhỏ lại, thấy phần lớn kim nghạch xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI thì trong chị thực sự rất buồn! Lòng tự hào dân tộc, lòng tự trọng của doanh nghiệp Việt trỗi dậy – nó khiến người nữ doanh nhân ấy không chịu dừng lại. Chị lại dấn bước tiếp – thế thôi!
Tôi chợt nhớ lại câu nói nổi tiếng của chị trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế vừa qua “Đứng yên nghĩa là thụt lùi” mà nhiều người truyền tụng. Và với chị chỉ được tiến chứ không lùi! Điều ấy được nói ra từ một người có tính cách như chị chính là một bảo chứng cho những tính toán và mỗi bước đi của mình. Người ta vẫn còn nhớ mấy năm trước khi đã có tích lũy, chị đã mạnh dạn đầu tư vào bất động sản. Nhiều người lo thay bởi lúc ấy thị trường bắt đầu xuống dốc và đóng băng, thêm nữa xây dựng không là nghề của chị. Nhưng trong lúc hàng loạt các doanh nghiệp bát động sản lao dốc, nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, thì Hồ Gươm Plaza của anh hùng lao động Ninh Thị Ty lại bán được, trong số khách hàng mua, có cả cán bộ của doanh nghiệp may Hồ Gươm và may Chiến Thắng. Chị lại một lần nữa chiến thắng bằng sự cẩn thận, tỉ mỉ, chất lượng và giữ cam kết với khách hàng...Chị là thế - như điều vẫn tâm niệm: Đã đi là phải đến, chắc thắng thì mới làm!
Trải nghiệm và suy tư
Tôi biết cuộc đời chị vất vả từ nhỏ và đặc biệt có một người mẹ tần tảo hay làm hay làm và rất thương người – chính là thần tượng của chị. Chị bảo cứ nhìn mẹ mà học bởi sống là phải lao động và lo toan cho người khác. Rồi câu chuyện giữa chúng tôi dẫn về chuyến đi Israel vừa qua của chị bởi có một sự liên tưởng tình cờ. Chị bảo điều lớn nhất chị nhận thấy và ngưỡng mộ ở người Israel là tinh thần làm việc, lòng yêu lao động, đến mức cảm thấy nhu cầu đầu tiên của con người sinh ra là để lao động và được chết trong lúc làm việc!
Bà Ninh Thị Ty cùng Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội (HBA) Nguyễn Hồng Sơn tại Gala Doanh nhân Thăng Long ngày 11/10/206
David Gebi và Yasaka Ginseng là hai đối tác lâu năm người Israel mời chị tới thăm doanh nghiệp và đất nước họ. Chị bảo mục đích của chuyến đi là tìm hiểu và học và kiểm chứng cho một ý tưởng vừa manh nha trong chị. Tình cờ mà cả tôi và chị đều thích cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” và câu chuyện vì thế càng hào hứng không ngờ.
Chị say sưa kể với tôi về đất nước và dân tộc vĩ đại ấy mà chị có dịp đi từ Đông sang Tây, có mấy ngày ở tại nhà một người Israel để hiểu thấu đáo về họ hơn. Chị chia sẻ rằng thêm một lần thấu hiểu sự thành công của họ: tính liên kết trong cộng đồng rất cao, sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác và chuyên môn hóa từng khâu rất rành mạch, ăn chia rõ ràng minh bạch... Đặc biệt người giàu tình nguyện bỏ tới 10-20% lợi nhuận để giúp đỡ cộng đồng. Một luật bất thành văn mà ai cũng tôn trọng. Là người đi rất nhiều nơi trên thế giới nhưng chị bảo Israel là đất nước đặc biệt nhất khi mỗi người đều có thể là một doanh nhân tính toán kinh doanh một cách hiệu quả và tiết kiệm. Chị đã ở ngôi làng có mô hình xã hội chủ nghĩa mà mỗi sáng thứ 7 người ta vui vẻ tự nguyện lao động công ích như dọn dẹp, trồng cây đầy hăng say.
Chị kể và cứ suy tư mãi về việc được chứng kiến một buổi gặp mặt và ăn tối của một gia đình vào cuối tuần. “Đó là một nét văn hóa rất đẹp của họ. Mọi người đều mang đồ ăn do mình tự nấu đến nhà ông trưởng họ. Trước khi ăn họ rửa tay thật sạch rồi trầm tư cầu nguyện. Người bạn Israel bảo chúng tôi rằng đến với Chúa không cầu kỳ gì cả, quan trọng nhất là đức tin và một tấm lòng trong sạch. Gần 40 người cùng ăn uống vui vẻ với đồ uống là ... một chai vang! Bên bàn ăn họ chia sẻ tình cảm và bàn bạc cách làm ăn, hợp tác...”. Giọng chị chợt trầm xuống “Chứng kiến cảnh ấy chợt thấy chạnh lòng. Nước mình còn nghèo mà ăn tiêu phung phí, ở các bữa tiệc rượu bia cứ chảy tràn... Thật xót xa”. Rồi chị tỉ mỉ kể cho tôi nghe những nông trại chị đến thăm với 200 ha (120 ha bơ, 80 ha cam) mà chỉ có ... 4 người làm! “Từng giọt nước tưới, từng mẩu đất cũng được tính toán chi tiết”. Gương mặt chị ngời lên đầy ngưỡng mộ. Và tôi – một người viết văn luôn để ý đến chi tiết cũng đầy ngạc nhiên khi nghe chị kể dã thấy trên những con đường chị qua, người ta chọn trồng cây ăn quả bên đường ... để cho người nghèo có thể hái tự do lúc mùa về! Nhân văn và thực tế biết mấy.
Câu chuyện của chúng tôi dường như khó có điểm dừng. Thêm một góc nữa trong tâm hồn của người nữ doanh nhân này tôi được may mắn chạm vào. Cứ nói doanh nhân chỉ biết kiếm tiền là nhầm. Những người như chị Ty và rất rất nhiều người khác luôn nặng lòng với đất nước và có trách nhiệm với cộng đồng. Bởi họ chấp nhận dấn thân, chấp nhận gian khó để sản xuất kinh doanh, mang lợi nhuận về không chỉ cho mình mà còn cho. đất nước, tạo công ăn việc làm cho bao người khác. Sự đánh giá về họ nhiều khi chưa công bằng là điều đáng tiếc.
Chia tay, chị Ninh Thị Ty nói với tôi “ngẫm ra câu nói từ xưa - một người vì mọi người, mọi người vì mình” bao giờ cũng đúng. Tôi hiểu ý chị và thêm yêu mến người nữ doanh nhân này và hiểu cả điều chị chưa nói ra – trong chị đang ấp ủ một dự án mới qua chuyến đi đặc biệt vừa rồi.