Giấc mơ piano của Trung Quốc vỡ vụn: Từng đổ xô cho con cái theo học tới cảnh bị thất sủng, coi là thú vui 'đốt tiền'

“Học chơi piano tốn rất nhiều tiền. Hiện tại nền kinh tế đang rất tồi tệ”, một người Trung Quốc chia sẻ...

2000x1333-8320.jpg

Từng là biểu tượng của sự giàu có và địa vị xã hội, đàn piano dường như đang mất dần sức ảnh hưởng ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các hộ gia đình trung lưu.

Một trong những nhà sản xuất đàn piano lớn nhất nước Mỹ đã cảnh báo rằng doanh số bán hàng đang giảm ở mức hai con số. Theo Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc, một tổ chức thương mại trực thuộc chính phủ, tổng sản lượng nội địa năm ngoái đã giảm xuống còn 190.000, chỉ bằng một nửa con số được sản xuất 4 năm trước đó.

TỐN KÉM

Chia sẻ với Bloomberg, Rosie – một người làm nghề tổ chức tour du lịch quốc tế tại Trung Quốc cho biết cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho con gái 7 tuổi nghỉ học piano hàng tuần trong năm nay.

Nguyên nhân là bởi khi đại dịch xảy ra, thu nhập của cô đã giảm mạnh. Trong khi đó, lương và tiền thưởng của chồng cô – một nhân viên ngân hàng đã giảm cả nửa trong hai năm qua do sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý đối với ngành tài chính Trung Quốc.

“Học chơi piano tốn rất nhiều tiền. Hiện tại nền kinh tế đang rất tồi tệ”, Rosie, người sống ở Bắc Kinh cho biết. “Thép tốt thì nên được dùng cho lưỡi kiếm nên tôi cần chi tiêu ngân sách hạn chế của mình một cách tiết kiệm hơn”.

pi-944.jpg

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc đàn piano dần giảm sức hút nhưng lý do chính được cho là bởi sự siết chặt về thu nhập và của cải do nền kinh tế chậm lại, giá nhà giảm và tình trạng hỗn loạn kéo dài trên thị trường chứng khoán. Cả 3 cú sốc này khiến nhiều hộ gia đình phải cắt giảm các khoản mua sắm lớn không cần thiết.

Theo một cuộc khảo sát do Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam và Alipay thực hiện, thước đo về sự giàu có và thu nhập của hộ gia đình đã giảm trong ba tháng cuối năm 2023. Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ hộ gia đình kỳ vọng triển vọng kinh tế sẽ xấu đi trong năm tới đã tăng lên gần 22% trong quý 4, tăng từ khoảng 13% trong quý đầu tiên.

Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking cho biết: “Cũng giống như các hàng hóa lâu bền khác, bao gồm ô tô và đồ gia dụng, doanh số bán đàn piano bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng về thu nhập và hiệu ứng tài sản”.

Yếu tố dân số ngày càng thu hẹp, các tiêu chuẩn về giáo dục thay đổi và sự lưỡng lự ngày càng tăng trong việc tiếp nhận những nét văn hóa phương Tây ở Trung Quốc, cùng với sự sụt giảm về doanh số và sản lượng đàn piano có thể khó đảo ngược.

Tình yêu của người Trung Quốc với đàn piano đã có từ vài thập kỷ trước. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960, nhạc cụ này bị lên án là biểu tượng của giai cấp tư sản. Nhưng nhờ những cải cách kinh tế và sự mở cửa của đất nước, đàn piano đã trở thành một thứ xa xỉ với giá cả phải chăng cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng.

Sự phổ biến của loại đàn này cũng tăng lên khi Trung Quốc bắt đầu khuyến khích trẻ em học nhạc, dẫn đến mối tương quan chặt chẽ giữa việc chơi piano và thành công trong giáo dục. Trong vài thập kỷ qua, những sinh viên có chứng chỉ nâng cao về piano cổ điển đã có thể kiếm được điểm thưởng cho các kỳ thi tuyển sinh đại học có tính cạnh tranh cao.

Vào thiên niên kỷ mới, đàn piano - và mối liên hệ với sự giàu có của tầng lớp trung lưu - đã phổ biến khắp nơi. Fang Baili, giáo sư piano cấp cao tại Nhạc viện Thượng Hải, ước tính vào năm 2021 rằng Trung Quốc có 60 triệu người học piano - nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào.

Sự quan tâm bùng nổ đối với nhạc cụ này cũng thu hút sự chú ý của một số nhà sản xuất đàn piano nổi tiếng nhất thế giới. Ron Losby , chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Steinway & Sons có trụ sở tại New York nói với tờ China Daily vào năm 2020 : “Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Steinway và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới”.

Một số cây đàn piano tại phòng trưng bày ở Bắc Kinh đã giảm giá tới 30%, tuy nhiên cửa hàng vẫn hoàn toàn trống vắng khách.

Tổng sản lượng hàng năm liên tục vượt 300.000 từ ít nhất là từ năm 2003 đến năm 2019, theo CMIA. Phát biểu với Tân Hoa Xã hồi đầu tháng này, Chủ tịch CMIA Wang Shi Cheng cho rằng sự sụt giảm mạnh là do nhu cầu đối với những mặt hàng không thiết yếu của người tiêu dùng bị thu hẹp.

Đáng nói, giảm giá mạnh là vậy nhưng các cửa hàng bán đàn piano vẫn chứng kiến tình trạng ế khách. Theo tìm hiểu của phóng viên Bloomberg, một số cây đàn piano tại phòng trưng bày ở Bắc Kinh đã giảm giá tới 30%, tuy nhiên cửa hàng vẫn hoàn toàn trống vắng khách.

“Tôi chưa từng thấy mức giảm giá như vậy trong hơn 10 năm làm việc trong ngành”, một trợ lý cửa hàng họ Tang cho biết. Người này tiết lộ thêm rằng doanh số bán hàng vào năm 2023 còn tệ hơn cả thời kỳ đại dịch.

HY VỌNG

Pearl River Piano và Hailun Piano – 2 nhà sản xuất chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng piano của Trung Quốc, đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận sụt giảm. Pearl River thuộc sở hữu nhà nước dự kiến ​​sẽ báo cáo lợi nhuận ròng gần như bị xóa sổ hoàn toàn vào năm ngoái khi công bố thu nhập vào tháng 3.

Hailun dự đoán khoản lỗ ròng lên tới 80 triệu nhân dân tệ (11,1 triệu USD) trong năm nay – một sự đảo ngược hoàn toàn so với năm 2022, khi lợi nhuận tăng hơn 8 triệu nhân dân tệ. Thị trường việc làm ảm đạm và khủng hoảng bất động sản đang đè nặng lên tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis SA và là thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels cho biết: “Các hộ gia đình biết rằng tài sản của họ đã bị ảnh hưởng rất tiêu cực bởi giá nhà đất giảm, vì vậy điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của họ”.

Lucy Cheng, người đã bỏ ra 13.000 USD trong suốt ba năm mua một cây đàn piano Yamaha mới và những buổi học thêm cho con trai mình cho biết: “Thật là lãng phí thời gian và tiền bạc”.

1200x916-4991.jpg
Giáo viên dạy piano ở Trung Quốc cũng đang cảm nhận được khó khăn.

Với hy vọng giúp cậu bé vượt qua một loạt kỳ thi âm nhạc. Cô ước tính rằng cô đã chi số tiền tương đương từ 28 đến 53 USD mỗi tuần cho các lớp học dành cho đứa trẻ, dù bản thân chúng cũng không tỏ ra thích thú. Sau khi lương của chồng cô tại một công ty công nghệ bị cắt giảm vào năm ngoái, việc bỏ chơi piano dường như là một lựa chọn hiển nhiên.

Giáo viên dạy piano ở Trung Quốc cũng đang cảm nhận được khó khăn. Liu Tingting, một người đứng lớp ở Bắc Kinh, nói rằng cô đã dạy tới 12 lớp vào mỗi thứ bảy trước khi xảy ra đại dịch. Con số này đã giảm xuống còn khoảng bốn vào năm ngoái.

Cô nói: “Phụ huynh có xu hướng mua các gói lớp học nhỏ hơn và một số trong số đó sẽ không tiếp tục sau khi các lớp học đó kết thúc”. Một số giáo viên khác thì lưu ý rằng xu hướng nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng xấu đến thế hệ nghệ sĩ piano tiếp theo. Tỷ lệ sinh đã giảm trong bảy năm liên tiếp.

Các chuẩn mực văn hóa cũng có thể góp phần vào sự sụt giảm này. Căng thẳng với phương Tây đã gia tăng trong vài năm qua khiến ngày càng có nhiều phụ huynh đăng ký cho con học nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, một loại đàn có lịch sử khoảng 2.000 năm.

Trở lại với nhân vật Rosie ở đầu bài viết, áp lực học tập cũng là một yếu tố khác khiến người phụ nữ này quyết định cho con gái bỏ piano. “Con bé cần dành nhiều thời gian hơn cho các khóa học ở trường. Nếu phải chọn tham gia một hoặc hai hoạt động ngoại khóa, tôi sẽ chọn một môn thể thao - và môn thể thao mà con tôi thực sự đam mê”.

Các gia đình Trung Quốc có thể đã từ bỏ đàn piano nhưng sự yêu thích của họ đối với loại nhạc cụ này vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Các buổi biểu diễn của Yuja Wang – người chiến thắng giải Grammy sinh ra ở Bắc Kinh đều cháy vé. Và nghệ sĩ piano người Nga Denis Matsuev, đã thu hút những tràng pháo tay vang dội tại một buổi hòa nhạc ở Bắc Kinh vào tháng 11.

CMIA dự kiến ​​sản lượng đàn piano hàng năm sẽ ổn định ở mức 200.000 đến 250.000 trong những năm tới.

Một số bậc cha mẹ đang tranh luận về giá trị của việc dạy piano cho con mình nhưng vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ. Con trai của Cheng có thể đã chuyển đi nhưng cô vẫn muốn cô con gái 3 tuổi của mình thử học đàn trước khi bán chiếc đàn hiệu Yamaha của mình. “Tôi sẽ xem liệu con bé có thích chơi không. Nếu không, tôi có thể sẽ bán đi. Chiếc đàn chiếm nhiều không gian quá”.

Xem thêm

Tình bạn trả phí: Xu hướng kiếm tiền mới của giới trẻ Trung Quốc

Tình bạn trả phí: Xu hướng kiếm tiền mới của giới trẻ Trung Quốc

Một bộ phận người dân Trung Quốc ngày nay cảm thấy mắc kẹt vì căng thẳng công việc và sự cô đơn trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đã mở ra cơ hội kinh doanh mới, với việc một người có thể “thuê” thời gian của người khác để bầu bạn hoặc cùng làm các công việc thường nhật….

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…