Hàng không: Dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về vận chuyển khách

Hiện các cảng hàng không quốc tế đã sẵn sàng điều kiện để khai thác toàn mạng bay với việc dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về vận chuyển khách.
Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm mở cửa hoàn toàn đường bay quốc tế. (Ảnh: Int)
Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm mở cửa hoàn toàn đường bay quốc tế. (Ảnh: Int)

Sau 2 năm tạm dừng các chuyến bay quốc tế thường lệ, theo các chuyên gia, thời điểm này là cơ hội tốt nhất, do đó các hãng hàng không cần chuẩn bị nguồn lực tốt để tiếp cận ngay cơ hội mở cửa trở lại.

Thời điểm chín muồi mở lại đường bay quốc tế 

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, việc khôi phục lại các đường bay quốc tế như trước dịch là nhiệm vụ cấp bách được Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng lộ trình, bắt đầu thí điểm mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ 01/01/2022.

Theo ghi nhận, số lượng khách quốc tế từ 01/01/2022 – 12/02/2022 Việt Nam đã đón 118.000 khách quốc tế, đây là con số rất đáng mừng, tuy nhiên so với trước dịch thì đây là con số rất khiêm tốn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Cục Hàng không thường xuyên trao đổi với các hãng bay, các hãng hàng không nước ngoài, nhà chức trách hàng không nước ngoài, tất cả họ đều mong muốn Việt Nam khôi phục lại các đường bay bình thường như trước khi có dịch để các hãng hàng không chủ động xây dựng kế hoạch bay, cũng như hành khách có nhiều cơ hội tiếp cận vào các lịch bay, các chuyến bay hơn. 

“Cục Hàng không đã tổng kết, đánh giá và đến thời điểm hiện là thời điểm chín muồi để thực hiện mở cửa lại hàng không quốc tế bình thường sau hơn 1 tháng thí điểm mở lại”, ông Thắng nói.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã được phép khai thác với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại Hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết.

Cùng đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng gửi thư trực tiếp tới các nhà chức trách hàng không của các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thị trường bay thí điểm trong giai đoạn đầu và từ ngày 15/02/2022 là tất cả các thị trường mà các hãng đã khai thác trước COVID-19 sẽ khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam. Hành khách khi nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế thực hiện các quy định hiện hành về nhập cảnh và phòng chống dịch.

Ông Đinh Việt Thắng cho rằng, thời điểm này, các cảng hàng không quốc tế đã sẵn sàng điều kiện để khai thác toàn mạng bay quốc tế, trong khó khăn thì đây lại là cơ hội. Hiện các hãng hàng không đã chuẩn bị nguồn lực tốt để tiếp cận ngay cơ hội mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thắng, việc chưa mở được lại đường bay quốc tế đến Trung Quốc là một thiệt thòi, khó khăn rất lớn đối với hàng không. Bởi theo số liệu thốn kê, năm 2019 trước khi có dịch, thị trường Trung Quốc là 7,6 triệu khách, đứng thứ 2 trong các thị trường khách du lịch của chúng ta, sau thị trường Hàn Quốc xấp xỉ 10 triệu khách. Cùng đó, Trung Quốc còn là thị trường tiềm năng nhất trong các thị trường khách quốc tế của Việt Nam. 

Siết chặt kiểm soát giá vé

Liên quan đến việc giá vé máy bay dịp cao điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng vọt, khiến nhiều người dân có nhu cầu đến TP. HCM phải mua giá cao gấp 4-5 lần ngày thường. Vấn đề này Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam làm rõ.

Theo kế hoạch, giai đoạn cao điểm Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ 23/01 đến 16/02/2022, tổng ghế cung ứng 2,85 triệu ghế và 13.400 chuyến bay. Ngày 21/01, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tăng số lượng chuyến bay và ghế ngồi với tổng tải cung ứng tăng xấp xỉ 13%, đạt 3,2 triệu ghế và 15.300 chuyến bay nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách.

Ngày 5/02/2022 (tức Mùng 5 Tết) trên trang web của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, toàn bộ vé các hạng phổ thông, phổ thông linh hoạt của các chuyến bay chặng Hà Nội - TP.HCM đã thông báo hết, chỉ còn vé hạng thương gia với giá thấp nhất gần 8,7 triệu đồng/chiều, cao nhất hơn 10 triệu đồng/chiều. Một số chuyến bay tối muộn cũng có giá hơn 9,6 triệu đồng/chiều.

Những ngày 6, 7 và 8 các dải giá vé phổ thông, phổ thông linh hoạt cũng không còn, chỉ còn lại vé hạng thương gia với mức giá dao động từ 8,7 - hơn 10 triệu đồng/chiều. Phải tới ngày 9/02/2022 mới có vé  từ Hà Nội vào TP. HCM với trên một số chặng với giá hạng phổ thông ở mức gần chạm trần, hơn 3,5 triệu đồng/chiều.

Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không Việt Nam làm rõ tình hình thực hiện giá vé trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và sau Tết. Đồng thời chủ động động công khai thông tin về tình hình thực hiện giá vé của các hãng hàng không đồng thời đề xuất giải pháp, kiến nghị xử lý những khó khăn, tồn tại (nếu có). 

Đến thời điểm hiện tại, khi các hạn chế vận chuyển hành khách nội địa được dỡ bỏ, thông tin mở cửa hoàn toàn đường bay quốc tế, giá vé máy bay các chặng nội địa bắt đầu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là cao điểm hè khi mùa du lịch biển bắt đầu.

Khảo sát các chuyến bay đi Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn trong tháng 3 - 4 của các hãng hàng không vé khứ hồi cho từng chặng hạng phổ thông tầm từ 2,5 triệu đồng – 3,5 triệu đồng. Đặc biệt là dịp giữa tháng 5 đến giữa tháng 7, chặng bay các khu vực nghỉ dưỡng này còn tăng lên tối đa 7,8 triệu đồng/vé khứ hồi. Điều này cho thấy, sự trở lại của lĩnh vực vận chuyển hàng không đang “hồi sinh”.

Có thể bạn quan tâm