Kinh tế hộ là một lực lượng mạnh trong nền kinh tế với 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp tới 32% GDP. Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, lực lượng hộ kinh doanh được đánh giá rất tiềm năng có thể bổ sung vào khối doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Khi đó, khu vực này sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu vào ngân sách Nhà nước.
Ngại lên doanh nghiệp vì né thuế?
Hiện lực lượng hộ doanh trong cả nước đang áp dụng hình thức thuế khoán nên số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, cần xây dựng cơ chế chính sách thích hợp, khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi sang doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa để cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, trong hơn 40% GDP mà khu vực kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế thì chỉ có 8% là từ các doanh nghiệp chính danh, còn lại là từ 5,2 triệu hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đóng góp của kinh tế hộ cho ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, chỉ từ 2 đến 3% trên tổng số thuế thu được.
Theo ông Nghĩa, việc quản lý hộ kinh doanh theo hình thức khoán sẽ không mang lại hiệu quả, nảy sinh ra nhiều bất cập, phức tạp, trốn thuế… Thực tế, có những hộ kinh doanh thu nhập mỗi ngày lên tới hàng trăm triệu đồng, những hộ ít hơn mỗi tháng cũng có thể đạt được con số này nhưng mức thuế phải nộp hiện dao động từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/hộ. Hộ nào nhiều cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng. Con số này quá ít so với thu nhập của những hộ kinh doanh lớn.
Theo quy định hiện nay, cơ quan thuế, muốn áp mức thuế cho hộ kinh doanh phải thông qua Hội đồng tư vấn thuế xã, phường. Hội đồng tư vấn thuế này gồm: Chủ tịch UBND xã, phường, trưởng công an, đại diện mặt trận, đại diện các hộ kinh doanh. Mức thuế cho các hộ kinh doanh cùng ngành nghề gần nhau phải được đăng tải để các hộ kinh doanh này tham gia góp ý kiến.
Quy định là như vậy, nhưng hiện nay hầu như cán bộ thuế liên phường đưa ra số thu thuế như thế nào sẽ được Hội đồng tư vấn thuế phường chấp nhận số đó và mức thuế của hộ kinh doanh cũng không được niêm yết.
“Nếu để tình trạng này sẽ xảy ra nhiều vấn đề; trong đó, quan trọng là không thu được thuế, thất thoát thuế, không tạo ra sự công bằng giữa những người nộp thuế với nhau và không tạo được động lực trong kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Nghĩa nhận định.
Dưới góc nhìn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law, phần lớn các hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp. Vì khi lên doanh nghiệp, các hộ sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và chịu sự quản lý thuế khắt khe hơn, trong khi kinh doanh dưới hình thức hộ cá thể sẽ chỉ phải đóng thuế khoán.
Thực tế, hiện nay mức thuế đối với doanh nghiệp và thuế với hộ kinh doanh có sự khác nhau rất lớn. Thông qua việc khảo sát doanh thu, số lượng người lao động, cơ sở vật chất, tiềm năng kinh doanh, cán bộ thuế và hộ kinh doanh đàm phán mức thuế phải đóng. Mức thuế này thường không nhiều nên hộ kinh doanh rất “nhẹ đầu”.
Tuy nhiên, cách làm này đang gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, nếu là doanh nghiệp sẽ chịu sự quản lý rất chặt chẽ, việc tính thuế phải căn cứ vào hóa đơn, chứng từ. Nếu chi phí đầu vào không hợp lý, cơ quan thuế sẽ không chấp nhận. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp trốn thuế khi cơ quan thuế thanh kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ bị xử phạt nặng. Chính vì vậy, người dân vẫn thích hình thức hộ kinh doanh, luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Khuyến khích hơn áp đặt
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp cần đơn giản hóa các thủ tục về thuế, chính sách kế toán; cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh và hạn chế tối thiểu việc kiểm tra, thanh tra.... Nếu thực hiện đồng bộ việc này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, để chuyển nhanh hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp có thể nghiên cứu đến việc không cho phép tồn tại hộ kinh doanh, mà yêu cầu các hộ muốn kinh doanh phải lập doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu đạt ngưỡng quy định phải hoạch toán và đóng thuế như doanh nghiệp. Biện pháp này có thể giúp chống thất thu thuế và khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Theo Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, từ năm 2020, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Xét theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là những hộ kinh doanh có từ 10 lao động và doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng; từ 10 tỷ đồng/năm với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Cơ quan quản lý hy vọng, đây là giải pháp quản lý tạo bình đẳng và minh bạch đối với các hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh có đủ điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn thuế Trọng Tín, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, vẫn còn những kẽ hở của luật để hộ kinh doanh có thể lách qua. Đơn cử như hộ cá thể dù có hơn 10 lao động nhưng họ chỉ cần khai có 9 lao động là không phải nộp thuế theo hình thức kê khai, chưa kể doanh thu cũng có thể khai thấp hơn.
Ông Được cho rằng, nên hạn chế dùng những quy định hành chính mà nên dùng những cơ chế để khuyến khích hộ cá nhân tự chuyển lên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thắt chặt những điểm đang tạo kẽ hở để hộ kinh doanh lách luật.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà đề xuất, cần tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể muốn chuyển lên doanh nghiệp, chứ không phải là dùng biện pháp hành chính để ép hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
“Với hàng triệu hộ kinh doanh, chúng ta không đủ sức để ép buộc họ lên doanh nghiệp nếu họ không thấy lợi ích”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, vẫn phải đưa ra chế tài xử phạt nếu các hộ kinh doanh đạt được tiêu chí quy định nhưng không lên doanh nghiệp, ví dụ như không cho phép đánh mã số thuế đối với hộ kinh doanh đó.
Có chung góc nhìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Nghĩa nêu quan điểm, về mặt pháp luật dân sự thì không thể bắt ép người dân chuyển từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp. Quan trọng là phải đưa ra những hành lang để hộ cá thể tự nguyện lên doanh nghiệp, khi thấy có lợi ích các hộ sẽ mong muốn chuyển đổi.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn thuế Trọng Tín nhìn nhận, khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp có thể phải chấp nhận việc tăng tiền thuế phải nộp, thủ tục rườm rà, vấn đề thanh, kiểm tra... Nhưng khi chuyển thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sẽ có được những cái lợi như: hoạt động chuyên nghiệp và bài bản hơn, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, mở rộng quy mô dễ dàng hơn, năng lực cạnh tranh cũng được cải thiện và được pháp luật bảo hộ tốt hơn.
Theo Văn Giáp (TTXVN/BNEWS)