Huawei ra mắt hệ điều hành riêng trên smartphone, “thách thức” Android, iOS

Huawei đã ra mắt hệ điều hành HarmonyOS trên điện thoại thông minh Mate 40 và Mate X2, đồng hồ thông minh Watch Series 3 và máy tính bảng MatePad Pro.
Huawei ra mắt hệ điều hành riêng trên smartphone, “thách thức” Android, iOS

Huawei đã ra mắt hệ điều hành tự phát triển trên một loạt thiết bị bán chạy nhất của hãng, bao gồm điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh và máy tính bảng. Động thái này diễn ra khi “gã khổng lồ công nghệ” Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và trực tiếp “đối đầu” với phần mềm của Apple và Google.

Thực chất, HarmonyOS đã được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019 sau khi Hoa Kỳ đưa Huawei vào danh sách đen, cắt quyền truy cập vào hệ điều hành Android của Google. Quyết định này từ phía Mỹ cùng với các lệnh trừng phạt khác đã hạn chế quyền truy cập của Huawei vào các chất bán dẫn quan trọng, làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng chỉ vài tháng sau khi trở thành công ty công nghệ số một trên thế giới.

Huawei đã phát triển HarmonyOS từ năm 2016 và coi đây là hệ điều hành có thể hoạt động trên nhiều thiết bị kết nối internet khác nhau. Công ty tuyên bố, các nhà phát triển có thể dễ dàng tạo ra các ứng dụng hoạt động được trên nhiều sản phẩm khác nhau.

Tập trung vào việc HarmonyOS hoạt động trên các thiết bị là cách mà Huawei đang cố gắng để tạo ra khác biệt với Android của Google và iOS của Apple.
Tập trung vào việc HarmonyOS hoạt động trên các thiết bị là cách mà Huawei đang cố gắng để tạo ra khác biệt với Android của Google và iOS của Apple.

Tuy nhiên, HarmonyOS mặc dù có thể đạt được thành công tại thị trường quê hương của Huawei là Trung Quốc, nhưng nó sẽ phải đối mặt với những thách thức trên thị trường quốc tế.

Android của Google và iOS của Apple thống trị thị trường hệ điều hành di động toàn cầu. Và trên đồng hồ thông minh, Apple có WatchOS trong khi Google tháng trước đã tung ra phiên bản cải tiến của hệ điều hành Wear. Hai “gã khổng lồ công nghệ” của Mỹ cũng đang tập trung vào phần mềm giải trí trong xe hơi.

Cả hai công ty cũng có một lượng lớn các nhà phát triển ứng dụng và các ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới trên nền tảng của họ. Đó là một lĩnh vực mà Huawei có thể gặp khó khăn.

Cửa hàng ứng dụng của Huawei đang thiếu những cái tên quan trọng từ Google (Google app, Gmail…) vốn vô cùng phổ biến đối với người dùng nước ngoài. Trong khi đó, Facebook dù có sẵn nhưng không tải xuống trực tiếp được từ AppGallery.

Nhiều nhà phân tích nhân xét, một số châu lục như châu Âu và châu Phi có thể tạo cơ hội cho Huawei nhưng rất có thể họ vẫn sẽ phải đối phó với ảnh hưởng uy tín từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Huawei phải đối mặt với những thách thức to lớn bên ngoài Trung Quốc. Có thể thấy rõ tâm lý mất niềm tin của người tiêu dùng nước ngoài đối với Huawei do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, khiến thương hiệu sẽ khó vượt qua khi nó xoay trục sang các lĩnh vực mới,” Ben Wood - chiến lược gia trưởng tại CCS Insight cho biết. 

CNBC

Có thể bạn quan tâm