Vào tháng trước, Uỷ ban truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã đưa ra lệnh cấm sử dụng Quỹ dịch vụ Toàn cầu (USF) trị giá 8,5 tỷ USD mỗi năm để mua thiết bị và dịch vụ từ các công ty gây ra mối đe doạ an ninh quốc gia. Cơ quan quản lý này đã chỉ định Huawei và ZTE là các công ty sẽ nằm trong lệnh cấm này.
Vào tối thứ Tư (4/12), Huawei đã đệ trình đơn đề nghị xem xét lại vụ việc tại Toà án kháng án lưu động Hoa Kỳ Vùng 5 ở Louisiana. Trong đơn thỉnh cầu, Huawei tuyên bố phán quyết của USF đã “vượt quá thẩm quyền theo luật định của cơ quan và vi phạm luật liên bang, hiến pháp và các điều luật khác”.
Công ty tin rằng phán quyết của FCC đã tước đi các biện pháp bảo vệ đúng đắn khỏi Huawei bằng cách dán nhãn mối đe doạ an ninh quốc gia cho công ty.
Huawei yêu cầu toà án coi lệnh cấm của FCC là bất hợp pháp.
Giám đốc an ninh của Huawei Hoa Kỳ, Andy Purdy chia sẻ với CNBC: “Đây là cơ hội để chúng tôi sử dụng một trong những cơ chế hợp pháp để có thể ngăn chặn chính phủ Hoa Kỳ tìm cách ‘tiêu diệt’ Huawei.” “Họ đã đi quá xa, và đây là cách để chúng tôi tuyên bố Huawei đã phải chịu đựng quá đủ,” ông Purdy nói thêm.
Vào đầu năm nay, Huawei đã bị đưa vào danh sách đen thương mại Hoa Kỳ, giới hạn các công ty Mỹ làm việc việc với Huawei. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ bởi vẫn còn một số nhà mạng tại khu vực nông thôn Hoa Kỳ vẫn còn dựa vào thiết bị của Huawei.
Quỹ dịch vụ toàn cầu (USF) cung cấp các khoản trợ cấp để tăng cường các dịch vụ viễn thông vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa cho trường học và thư viện.
Glen Nager, cố vấn chính của Huawei cho biết trong một tuyên bố rằng quyết định của FCC cấm các công ty sử dụng quỹ USF để mua thiết bị Huawei là vượt quá thẩm quyền vì FCC không được phép đưa ra phán quyết liên quan tới an ninh quốc gia hay hạn chế sử dụng USF dựa trên những đánh giá vô căn cứ.
Nguồn: CNBC