Tuyến đường sắt điện cao tốc trị giá 7,3 tỷ USD kết nối hai thành phố lớn nhất của Indonesia sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia. Mặc dù được kỳ vọng sẽ cải thiện năng suất kinh tế và kinh doanh trên tổng thể, nhưng những lợi ích đó có thể bị lấn át bởi gánh nặng nợ nần của chính phủ Indonesia khi chi phí cho dự án tiếp tục tăng cao.
Tuyến tàu dài 142 km nối thủ đô Indonesia với Bandung dự kiến sẽ di chuyển với tốc độ 350 km/h, chạy bằng điện và không phát thải carbon trực tiếp trong quá trình vận hành. Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình đầu tiên thuộc loại hình này ở Đông Nam Á.
Theo tính toán ban đầu, tuyến tàu đáng nhẽ hoàn thành vào năm 2019 nhưng đã bị trì hoãn do có nhiều chậm trễ trong hoạt động và bội chi ngân sách 1,2 tỷ USD.
Đường sắt cao tốc là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hay được biết đến nhiều hơn ở quê nhà với cái tên Jokowi. Kể từ khi nhậm chức, ông Jokowi đã tìm cách thu hút các hợp đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như tàu trên không hoàn toàn mới của Jakarta và tàu điện ngầm do Nhật Bản tài trợ.
Tuy nhiên, chi phí dự án leo thang có thể đẩy nợ công của Indonesia lên cao và làm lu mờ mọi lợi ích kinh tế ngắn hạn.
Là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, tuyến tàu được tài trợ bởi PT Kereta Cepat Indonesia Trung Quốc - một tập đoàn gồm các công ty từ Trung Quốc và Indonesia được giao nhiệm vụ xây dựng dự án đường sắt. PT KCIC đã nhận được khoản vay 4,55 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Nhưng với chi phí ngày càng cao, Tổng thống Jokowi đã đồng ý sử dụng quỹ nhà nước để hỗ trợ tài chính cho tuyến đường sắt, điều mà các chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng đến tài chính công, vốn đã tăng cao do các chi phí liên quan đến đại dịch.
Vào tháng 4, Indonesia đã tìm kiếm khoản vay bổ sung 560 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Reuters đưa tin dẫn lời một bộ trưởng cấp cao.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật có trụ sở tại Jakarta cho biết trong một bài bình luận hồi tháng 5 trên ấn phẩm độc lập The Conversation rằng: “Việc sử dụng ngân sách nhà nước làm tài sản thế chấp có thể dẫn đến thua lỗ và cuối cùng sẽ gây gánh nặng nợ nần cho người dân Indonesia. Nếu Indonesia không muốn gặp phải vấn đề nợ nần với những nước khác thì họ cần có một chiến lược cụ thể”.
Hai trường hợp mà các nhà phân tích đề cập đến là dự án phát triển Cảng Hambantota thất bại của Sri Lanka và dự án mở rộng Sân bay Quốc tế Entebbe của Uganda, cả hai dự án này đôi khi được giới chuyên gia mô tả là ví dụ điển hình của bẫy nợ mà các nước đang đối diện.
Theo ông Arief Anshory Yusuf, giáo sư kinh tế tại Đại học Padjadjaran ở Bandung và là nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc nhận định, nếu tuyến đường sắt Jakarta-Bandung gây ra chi phí dài hạn và làm tăng thâm hụt ngân sách nhà nước thì đó có thể được coi là một khoản đầu tư tồi.
Một bài xã luận gần đây trên tờ báo địa phương Kompas cho biết, nếu tuyến đường sắt trị giá tổng cộng 108,14 nghìn tỷ rupiah Indonesia (7,3 tỷ USD), có nghĩa là mỗi km đường ray cần khoản đầu tư khoảng 758 tỷ rupiah Indonesia (IDR). “Số tiền này rõ ràng là cao hơn rất nhiều so với chi phí xây dựng đường cao tốc thu phí, thường chỉ vào khoảng 90-110 tỷ IDR/km”, báo cáo đưa ra so sánh.
Các nhà quan sát cho rằng nếu không có đủ hành khách, thì lợi thế về môi trường của tuyến tàu cũng sẽ chẳng được đánh giá cao. Trong khi tàu điện giảm mức tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm so với ô tô và tàu diesel, thì những đoàn tàu không được sử dụng đúng mức sẽ là kém hiệu quả về mặt chi phí hơn.
Ông Putra Adhiguna, trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ năng lượng khu vực châu Á tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng giải thích: “Với một chuyến tàu đông người, mỗi km di chuyển dự kiến sẽ giảm bớt một nửa hay đến hơn hai phần ba mức tiêu thụ năng lượng. Việc chuyển từ vận tải đường bộ sang vận tải công cộng là rất đáng hoan nghênh, nhưng tỷ lệ lấp đầy thấp sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng thấp đồng thời tạo gánh nặng cho tài chính đường sắt và kéo dài ngân sách công”.
“Indonesia nên tận dụng vị thế chiến lược là quốc gia sáng lập và chủ tịch ASEAN năm nay để đàm phán lại với Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ vướng vào tình trạng vỡ nợ và thiệt hại nặng nề hơn”, một số nghiên cứu gợi ý.