Đại tá Wayne Marotto, phát ngôn viên liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq tuyên bố “một nhà thầu dân sự thiệt mạng, năm nhà thầu dân sự bị thương và một quân nhân Mỹ bị thương trong sự kiện phóng tên lửa đêm ngày 15/2".
Cựu thủ tướng Iraq và quan chức cấp cao người Kurd Hoshyar Zebari cho biết "5 quả tên lửa Katyusha đã bắn vào thành phố Erbil, một số cơ sở ngoại giao và khu dân cư. Sân bay đã đóng cửa và các chuyến bay tạm dừng để đảm bảo các vấn đề an ninh".
Nhóm chiến binh có tư tưởng chống Mỹ mới thành lập với tuyên bố tên gọi là "Saraya Awliya al-Dam", đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng tên lửa này.
Trong một tuyên bố do Sabereen News, một kênh Telegram có quan hệ chặt chẽ với tổ chức Mặt trận Kháng chiến này đăng tải, nhóm chiến binh cho biết đã thực hiện “cuộc tấn công thành công” vào lúc 9:15 pm, nhằm vào quân Mỹ đang chiếm đóng trên vùng miền bắc Iraq.
Nhóm Saraya Awliya al-Dam nhấn mạnh rằng đã phóng 24 quả rocket từ khu vực cách căn cứ quân sự al-Tahrir do Mỹ chiếm đóng 7 km, tất cả các quả đạn đều trúng mục tiêu, phòng không của liên quân không thể đánh chặn được những quả rocket này.
Kênh Telegram này, dẫn phát biểu từ một nguồn thạo tin cho biết, cuộc tấn công bằng tên lửa làm hư hại nặng một máy bay Super King Air 350 của CIA và phá hủy một máy bay không người lái MQ-1C.
Hãng tin địa phương Rudaw, dẫn tuyên bố của Bộ Nội vụ Khu vực Kurdistan cho biết, lực lượng an ninh Iraq đang tiến hành cuộc điều tra, kêu gọi người dân có mặt tại nhà và không bước ra đường. Cảnh sát Iraq cũng đã tìm thấy tại hiện trường giá phóng các tên lửa này, đó là các rocket 107 mm, được cho là do Iran sản xuất.
Giá phóng rockets 107 mm của nhóm chiến binh chống Mỹ ở Iraq
Phản ứng trước cuộc tấn công, Tổng thống Iraq Barham Salih cho biết “việc nhắm mục tiêu vào Erbil, gây ra thương vong dân sự thể hiện sự leo thang nguy hiểm và một hành động mang tính tội phạm, khủng bố nhằm phá hoại an ninh của đất nước và sự an toàn của công dân”.
Các căn cứ quân sự và địa điểm ngoại giao của phương Tây trở thành mục tiêu của hàng chục vụ tấn công bằng rocket và đánh bom vệ đường kể từ năm 2019, nhưng phần lớn các cuộc tấn công diễn ra trong phạm vi thủ đô Baghdad của Iraq.
Cuộc tấn công ngày 14/2 là nhằm các lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Trên đất nước này, căng thẳng tiếp tục leo thang giữa một bên là lực lượng Mỹ với các lực lượng vũ trang đồng minh Iraq và người Kurd, một bên là các nhóm kháng chiến chống lại quân Mỹ.
Tâm lý chống Mỹ tăng cao ở Iraq kể từ khi quân đội Mỹ công khai ám sát trung tướng Qassem Soleimani Iran và Phó tư lệnh Các Đơn vị Động viên Rộng rãi người Shiite của Iraq - Abu Mahdi al-Muhandis - ở Baghdad ngày 3/1/ 2020.
Hai ngày sau hành động này, các nhà lập pháp Iraq nhất trí thông qua dự luật yêu cầu rút toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ, nhưng dự luật này không được thông qua.
Trong bối cảnh phẫn nộ ngày càng gia tăng, các đoàn xe của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Iraq trở thành mục tiêu thường xuyên của các vụ tấn công. Không có quá nhiều tổn thất đối với quân đội Mỹ trong các cuộc tấn công này, nhưng điều đó lại khiến các hoạt động tấn công ngày càng mở rộng hơn ra toàn bộ lãnh thổ Iraq.