Khách du lịch là nguyên nhân khiến Nhật Bản… thiếu gạo?

Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt gạo nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ do thời tiết xấu và lượng du khách tăng cao, cùng với các chính sách hạn chế về gạo…

Nhiều siêu thị tại Nhật Bản phải đưa ra quy định mỗi người chỉ được phép mua một túi gạo
Nhiều siêu thị tại Nhật Bản phải đưa ra quy định mỗi người chỉ được phép mua một túi gạo

Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Nguyên nhân chính được cho là bởi sự kết hợp của thời tiết xấu và lượng du khách gia tăng, cùng với các chính sách hạn chế về gạo của quốc gia này.

Giá gạo Nhật Bản đã tăng hơn 3% lên mức 16.133 Yên (112,67 USD) mỗi 60 kg vào tháng 8 so với tháng 7 và cao hơn 5% kể từ đầu năm. Xu hướng này đã đẩy lạm phát toàn phần của Nhật Bản lên cao hơn vào tháng 8, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái do giá năng lượng và thực phẩm tăng. Giá gạo và sô cô la là hai nguyên do chính trong rổ thực phẩm.

Trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, lượng tồn kho gạo tư nhân của nước này hiện chỉ còn 1,56 triệu tấn tính đến tháng 6. Đây cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, xuất khẩu gạo từ Nhật Bản sang các thị trường nước ngoài lại tăng gấp sáu lần lên gần 30.000 tấn kể từ năm 2014 đến 2022.

Trong suốt mùa hè năm 2024, Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo ở nhiều nơi khi nhu cầu vượt quá sản lượng trong ba năm qua, khiến lượng dự trữ cạn kiệt và chạm mức thấp nhất trong hơn 20 năm.

Sản lượng gạo tại Nhật Bản giảm mạnh khi các nông dân trồng lúa lớn tuổi nghỉ hưu và số người trẻ tiếp nối nghề này ngày càng ít. Các đợt nắng nóng và hạn hán trong nửa cuối năm ngoái cũng ảnh hưởng đến mùa vụ.

Mặt khác, theo đài truyền hình NHK đưa tin, tình trạng thiếu hụt còn trở nên trầm trọng hơn khi lượng khách du lịch tăng đột biến, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sushi và các món đến từ gạo. Ước tính, lượng gạo tiêu thụ bởi khách du lịch đã tăng từ 19.000 tấn (giai đoạn tháng 7/2022 đến tháng 6/2023) lên 51.000 tấn (giai đoạn tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), theo nhà phân tích Oscar Tjakra của ngân hàng Rabobank chuyên về nông sản toàn cầu.

Nhật Bản đã đón kỷ lục 17,8 triệu khách du lịch trong nửa đầu năm, vượt xa các mức trước đại dịch. Xu hướng này vẫn tiếp tục với 3,3 triệu du khách nước ngoài đến xứ sở mặt trời mọc vào tháng 7, con số cao nhất từng được ghi nhận theo thống kê du lịch của Nhật Bản.

Nhưng mặc dù lượng gạo tiêu thụ của du khách có tăng hơn gấp đôi, con số này vẫn là khá nhỏ so với lượng tiêu thụ nội địa hàng năm của Nhật Bản là hơn 7 triệu tấn, ông Oscar Tjakra lưu ý. Người tiêu dùng Nhật Bản còn thường xuyên chủ động tích trữ gạo để chuẩn bị cho mùa mưa bão và cảnh báo động đất nguy hiểm. Vào tháng 8, nhiều hệ thống siêu thị liên tục rơi vào tình cảnh hết gạo trắng khiến các cửa hàng đưa ra biện pháp hạn chế, yêu cầu mỗi người chỉ được mua một túi gạo.

Trên thực tế, nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh, thì chính các chính sách gạo của chính phủ Nhật Bản mới là yếu tố cơ bản khiến nguồn cung bị thiếu hụt, theo Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, chỉ ra.

“Nền kinh tế gạo của Nhật Bản vẫn cô lập với phần lớn thị trường thế giới”, ông Glauber nói với CNBC. Nhật Bản đã áp thuế nhập khẩu gạo lên tới 778% để bảo vệ những người nông dân trồng lúa địa phương. Dù nước này từng cam kết nhập khẩu tối thiểu 682.000 tấn gạo mỗi năm theo nghĩa vụ với Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng lượng gạo này phần lớn được dùng cho chế biến và làm thức ăn gia súc chứ không đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Xem thêm

Nhà hoang tại Nhật Bản hút khách nước ngoài

Nhà hoang tại Nhật Bản hút khách nước ngoài

Số liệu mới cho thấy gần 14% tổng số nhà ở Nhật Bản là nhà để trống, nhưng tình trạng dư thừa bất động sản này đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư nước ngoài…

Có thể bạn quan tâm

Các thành viên EU đồng ý tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc

Các thành viên EU đồng ý tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua việc tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù vấp phải phản đối từ Đức và Hungary, nhưng mức thuế bổ sung này dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 10/2024 nếu EU và Bắc Kinh không đạt được các thỏa thuận chung...

“Soán ngôi” Jeff Bezos, Mark Zuckerberg leo lên giàu thứ hai thế giới

“Soán ngôi” Jeff Bezos, Mark Zuckerberg leo lên giàu thứ hai thế giới

Mark Zuckerberg đã vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới, với giá trị tài sản ròng đạt 206,2 tỷ USD. Thành công này phản ánh đà tăng trưởng mạnh mẽ của Meta nhờ lợi nhuận từ quảng cáo trực tuyến và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo…

Qualcomm muốn mua lại Intel

Qualcomm muốn mua lại Intel

Theo thông tin được tiết lộ bởi tờ Wall Street Journal, Qualcomm đã tiếp cận Intel với một đề nghị sáp nhập...

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Trong tuần này, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bao gồm Mỹ, Brazil, Anh, Nam Phi và Nhật Bản, sẽ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ. Dự kiến, Fed có thể cắt giảm lãi suất từ 0,25 đến 0,50 điểm phần trăm trong khi BoE, BoJ nhiều khả năng giữ nguyên mức hiện tại…

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ