Gần một năm sau khi Nhật Bản dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19, đất nước hoa anh đào dường như trở thành “thỏi nam châm” thu hút khách lịch bởi chi phí giá rẻ, nền ẩm thực hấp dẫn và đa dạng trải nghiệm.
Theo cơ quan quản lý nhập cư Nhật Bản, trong năm 2023 nơi đây đã đón 25,8 triệu du khách nước ngoài, tăng gấp 6 lần so với năm 2022. Cơ quan Du lịch Nhật Bản cũng cho biết, lượng du khách khổng lồ đã chi số tiền kỷ lục 5.300 tỷ Yên trong năm vừa qua.
Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản muốn con số này tăng nhiều hơn nữa và đặt ra mục tiêu đón 60 triệu du khách vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản chưa chuẩn bị tốt để đón lượng khách du lịch tăng cao. Bởi vì hiện tại đất nước đang thiếu lao động trầm trọng, điều đó dẫn đến việc sẽ không cung cấp đủ cho du khách về chỗ ở, dịch vụ, giao thông công cộng…
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết du lịch bền vững phụ thuộc vào việc chào đón du khách mà không ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Trong năm 2023, các đề xuất được Nhật Bản đưa ra bao gồm tăng số lượng xe buýt và taxi, tăng giá vé giao thông công cộng trong giờ cao điểm và mở các tuyến xe buýt mới.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng thí điểm 11 điểm du lịch "kiểu mẫu" gồm vùng nông thôn phía đông Hokkaido và đảo cận nhiệt đới Okinawa, hy vọng sẽ thu hút du khách đến, tránh quá tải cho Tokyo, Osaka và Kyoto. 3 địa điểm này chiếm tới 64% số lần lưu trú qua đêm của du khách nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2023.
Cơ hội là vậy, tuy nhiên lượng khách du lịch ồ ạt đổ về Nhật Bản cũng gây nên nhiều thách thức cho quốc gia. Đầu tiên là ô nhiễm du lịch, điều này thể hiện rõ nhất ở Kyoto, cố đô của Nhật Bản. Tại đây có một số ngôi chùa, đền thờ nổi tiếng nhất cả nước. Năm 2022, số lượng khách du lịch đến thăm Kyoto đã lên tới 43 triệu người – gấp khoảng 30 lần dân số thành phố.
Theo đó, du khách đến thăm Đền Itsukushima, một di sản thế giới của UNESCO, hiện phải trả 100 yên vé vào cửa. Dự kiến cuối năm nay, khách du lịch đến quần đảo Taketomi sẽ phải trả một khoản tiền để giúp bảo vệ những bãi biển hoang sơ.
Từ mùa hè này, du khách có kế hoạch leo lên đỉnh núi Phú Sĩ, một địa điểm khác của UNESCO, sẽ bị tính phí 2.000 yên, khi chính quyền địa phương cố gắng giảm bớt căng thẳng trên những con đường mòn đông đúc mà hơn 5 triệu người đã đi qua vào năm 2019.
Sự bùng nổ du lịch khiến cả những địa điểm ít nổi tiếng hơn cũng phải vật lộn với lượng khách tăng cao. Vì vậy, một số chính quyền địa phương đang tự mình giải quyết vấn đề này, trong bối cảnh lo ngại rằng du lịch quá tải đang làm tổn hại đến các địa điểm mang giá trị lịch sử và sinh thái.
Lizzie Jones, một người Mỹ trong chuyến đi thứ 4 đến Nhật Bản, tỏ ra lạc quan về đám đông mà bà gặp ở Tsukiji. Nhưng giống như nhiều người dân địa phương, bà không chấp nhận việc xả rác bừa bãi và thiếu ý thức, những người chà đạp lên phong tục địa phương và coi những địa điểm đông đúc như studio chụp ảnh cá nhân của họ.
"Mấy lần đầu tôi đến đây, không có rác mà bây giờ thì nhiều. Ngoài ra còn có cảm giác về quyền lợi… mọi người làm bất cứ điều gì họ muốn và không chịu chấp nhận tuân thủ theo phong tục địa phương. Họ không quan tâm. Những địa điểm này không phải tồn tại để làm nền cho bài đăng trên Instagram của họ", Lizzie Jones chia sẻ.