Nhưng khi các Offshore Zone trở thành “vật chứng” tố cáo hành vi phạm pháp, trốn thuế thì thiên đường thuế lại trở thành ngòi nổ cho hàng loạt các bê bối khó có khả năng kiểm soát.
Khi thiên đường “biến tướng”
Panama, St. Kitts và Nevis, Quần đảo Virgin, Seychelles… là những thiên đường thuế đích thực dành cho mọi doanh nghiệp và cá nhân giàu có. Ở đó, sự “dễ dãi” của pháp luật khiến các “pháp nhân” và “thể nhân” nước ngoài đổ xô về đây với những mục đích chủ yếu: trốn thuế hoặc tránh thuế cũng như là để “lánh mặt” chủ sở hữu chính thức của pháp nhân được thành lập tại Offshore Zone bằng các cổ đông và giám đốc danh nghĩa và cuối cùng là “né” các thủ tục phiền hà, phức tạp như quản lý hay quy đổi ngoại tệ...
Nhìn ngược lại lịch sử hình thành và phát triển của các “Offshore Zone”, các khu vực này trước đây được thành lập nhằm mục đích giảm hoặc hạn chế tối đa các khoản thuế, phí mà doanh nghiệp phải trả để kích thích tăng trưởng và duy trì nền tài chính theo cách riêng. Thay vì phải nộp thuế, các công ty thường chỉ phải nộp một khoản phí được ấn định hằng năm.
Bên cạnh đó, các thủ tục như thành lập công ty hoặc điều hành doanh nghiệp cũng khá đơn giản và tạo điều kiện thuận tiện nhất cho doanh nghiệp. Nhưng những vụ rò rỉ thông tin như Hồ sơ Panama hay Hồ sơ Paradise - những vụ bê bối về thuế lớn nhất trong nhiều thập kỷ lại cho thấy một “mục đích khác”.
“Mục đích ban đầu của các Offshore Zone này đã dần bị thay đổi, từ việc tránh thuế thành trốn thuế, từ việc hạn chế thu thuế thành thất thu thuế, từ việc né thuế thành che giấu tài sản.
Tại hầu hết các nước phát triển, pháp luật đều tạo những “lỗ hổng” cho cá nhân, tập thể để giảm tối đa số tiền thuế mà họ phải đóng. Điều đó đồng nghĩa với quan niệm, tránh thuế tại nhiều nước là hành vi “hợp pháp” nhưng trốn thuế thì lại ngược lại.
Và khi lỗ hổng đó trở thành những lỗ hổng đúng nghĩa, dành riêng cho giới siêu giàu thực hiện hành vi gian lận thì mục đích ban đầu của các Offshore Zone này đã dần bị thay đổi, từ việc tránh thuế thành trốn thuế, từ việc hạn chế thu thuế thành thất thu thuế, từ việc né thuế thành che giấu tài sản.
… và trở mặt…
Những cuộc giao thương ngầm, những thương vụ chuyển tiền, ngoại hối… ngày càng tinh vi, rõ rệt, có xu hướng lan rộng hơn và bây giờ là đạt đến sự “bùng nổ”. Sự bùng nổ đó đã khiến thiên đường thuế vốn là nơi “hái ra tiền” trở thành “quả bom nổ chậm”.
Ngay khi hồ sơ Panama tiết lộ Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã che giấu, không khai báo về những công ty và bất động sản do các con mình đứng tên ở nước ngoài, trong đó có cô con gái Maryam Nawaz, người được cho là sẽ nối nghiệp cha trên con đường chính trị thì ngay lập tức, Ngài Thủ tướng này đã bị Toà án tối cao nước này phế truất.
“Ngay khi hồ sơ Panama tiết lộ Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã che giấu, không khai báo về những công ty và bất động sản do các con mình đứng tên ở nước ngoài, trong đó có cô con gái Maryam Nawaz, người được cho là sẽ nối nghiệp cha trên con đường chính trị thì ngay lập tức, Ngài Thủ tướng này đã bị Toà án tối cao nước này phế truất.
Hay ngay tại Việt Nam, hồ sơ này cũng tiết lộ danh tính của gần 100 người Việt. Đây là những người liên quan tới các công ty hải ngoại, được đăng ký ở những lãnh thổ hải ngoại, mà đại diện là công ty luật Mossack Fonseca của Panama.
Mặc dù đây không phải việc bất hợp phá, nhưng trong nhiều trường hợp, những công ty hải ngoại này bị lợi dụng để gây khó khăn cho cơ quan thuế và các nhà điều tra nhằm trốn thuế và rửa tiền.
Sự biến tướng của các thiên đường thuế đã làm thay đổi cách nhìn của truyền thông về bộ mặt của tài chính thế giới “ngoài khơi”. Những luồng phản ứng dữ dội từ dư luận, sự lên án đồng loạt của truyền thông khiến chính quyền các nước phải thực hiện hàng loạt những sắc lệnh và thể hiện quan điểm mạnh mẽ liên quan đến những hành vi trốn thuế. Và những người liên đới, bao gồm mọi đối tượng, từ doanh nhân, chính trị gia đến tỷ phú… đang nhận lại được những “quả ngọt” có thể khiến toàn bộ sự nghiệp, danh tiếng của họ bị tuột dốc hoặc phá huỷ hoàn toàn.
Để mỗi quốc gia là một thiên đường thuế
Theo David Leserance, CEO của công ty tư vấn về thuế và cư trú Lesperance & Associates, “về cơ bản, tất cả các nước phát triển đều tạo ra những lợi ích nhất định về thuế trong một lĩnh vực cụ thể nào đó". David dẫn chứng, Canada là một thiên đường thuế nếu so sánh với Hoa Kỳ về lĩnh vực thuế bất động sản hay thuế vật phẩm biếu, tặng. Nhưng khi so với Pháp, Hoa Kỳ lại là miền đất hứa về thuế vì tại Hoa Kỳ, Chính phủ không đánh thuế tài sản như tại Pháp…
Cũng theo nhận định của vị CEO này, một số nước phát triển đang tích cực xây dựng hệ thống pháp luật có lợi về thuế. Đặc biệt là trong nền kinh tế toàn cầu hoá, khi khoảng cách địa lý không còn là trở ngại thì việc “mở rộng” những chuẩn mực pháp lý về thuế sẽ khiến sức hấp dẫn cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia tăng lên nhiều lần.
Không chỉ mang lại lợi ích đó, việc các quốc gia trở thành những “tax haven” theo một mức độ và lĩnh vực thuế nào đó thì sẽ thu hút được ngày càng nhiều giới siêu giàu chuyển tiền, thực hiện giao dịch hay nổi bật nhất là đầu tư vào các doanh nghiệp. Từ đó, những lợi ích kinh tế, ngoại giao sẽ mang nguồn lợi nhuận khổng lồ dành cho quốc gia và khu vực.
Hiện, thế giới đang tạo áp lực để chính quyền các nước đánh mạnh vào thuế của những người giàu nhằm mục đích biến họ trở thành nguồn nhân lực chủ chốt cho ngành thuế. Và khi sự công bằng và minh bạch được thi hành, bản chất của thiên đường thuế được giữ vững thì các Offshore Zone sẽ mãi là thiên đường không bao giờ “lật mặt”.