Bản lĩnh ấy không chỉ là ý chí không chịu bỏ cuộc mà còn là sự tự nhận thức vị trí của bản thân trên từng giai đoạn của “đấu trường” này.
Định vị mình trên bản đồ khởi nghiệp để giảm áp lực
Chị Vũ Hoài Thu gây ấn tượng bằng một “profile” với thâm niên 10 năm làm truyền thông, từng giữ vị trí phó giám đốc của một công ty truyền thông có tiếng nhưng bất ngờ rẽ hướng sang kinh doanh nấm “made in Vietnam”.
Chia sẻ về lý do đổi hướng, chị Thu cho biết, “dù đã có một công việc tốt với mức lương tương đối ổn định nhưng trong thâm tâm tôi luôn mong muốn có một công việc của riêng mình bởi không ai muốn đi làm thuê mãi”.
Tinh thần khởi nghiệp bất ngờ bùng cháy khi chị Thu tình cờ đọc được một câu chuyện kinh doanh nấm trên máy bay. Đó có thể là sự tình cờ nhưng cũng có thể là sự “sắp đặt” hay vẫn được nói là cơ duyên của mỗi người.
Sự ấn tượng đó đã dẫn dắt chị Thu tìm hiểu nấm Việt Nam và tiến hành học về ngành được chị nhận định là “còn vô cùng sơ khai” với tâm thế “cưỡi ngựa xem hoa” chỉ trong thời gian 20 ngày.
“Với khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi đã nhận thấy rằng, bản thân chưa thực sự phù hợp để trồng nấm vì trồng nấm, bạn phải ở liền kề với cây nấm như người ra vẫn nói rằng phải ăn ngủ với cây nấm vậy”, chị Thu chia sẻ.
Và cũng chính trong khoảng thời gian ấy, chị Thu đã đúc rút được rằng, chỉ có hai mô hình kinh doanh nấm: mô hình làm nông nhỏ lẻ chính là những người nông dân sống và ăn ngủ với cây nấm hoặc mô hình là một nhà đầu tư, thuê chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia chất lượng… để tổ chức sản xuất ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, là một người tay ngang khởi nghiệp, không có nguồn vốn lớn cũng như sự hỗ trợ đầu tư nên chị Thu cho rằng, “mình phải bắt đầu cuộc chơi bằng một điều gì đó vừa sức mình nên tôi nhận thấy là cả hai mô hình này đều không phù hợp”.
Chính sự ý thức được vị trí và khả năng của bản thân đã giúp chị Thu lựa chọn hình thức “tạo dựng thị trường” để bắt đầu. Đây là quyết định theo chị Thu là phù hợp với xu thế hiện đại. Thực tiễn đã chứng minh, những người khởi sự đều bắt đầu bằng con đường thương mại sau đó mới tiến đến sản xuất. Đó không chỉ là một lộ trình về mặt lý thuyết mà đã trở thành quy luật được đúc rút từ thực tiễn.
Có lẽ thấu hiểu câu nói “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng” đã khiến quá trình kinh doanh của chị Thu giảm bớt rủi ro thất bại cũng như áp lực khi nguồn vốn còn hạn hẹp.
Tìm “lỗ hổng” thị trường để biến thành cơ hội kinh doanh
Thành công không đến từ sự may mắn mà đến từ sự nỗ lực cũng như sự nhanh nhạy của mỗi một người doanh nhân. Dù không nhận mình là một doanh nhân nhưng chị Thu lại cho thấy tố chất tiềm năng đó.
Không lựa chọn kênh phân phối là chợ - nơi mua sắm thân thuộc của đa số người Việt Nam, chị Thu tiến quân vào kênh phân phối siêu thị không chỉ do yếu tố ngành hàng chi phối mà còn bởi “góc nhìn” của riêng mình.
“Bằng góc nhìn của mình, tôi thấy thị trường đang thiếu nấm Việt Nam ở kênh phân phối siêu thị. Không những vậy, các chủng loại, mẫu mã nấm Việt Nam đều không đa dạng thậm chí có thể nói là vô cùng nghèo nàn”, chị Thu cho biết.
Bên cạnh đó, các sản phẩm nấm được bày bán tại chợ đều xuất phát các trang trại trồng nấm, được đóng gói sơ sài, không có tem mác… trong khi người tiêu dùng thường ưa thích những sản phẩm có tem mác đầy đủ, được đóng gói cẩn thận và bắt mắt. “Đó là điểm trống của thị trường và tôi lại là một người có khả năng lấp chỗ trống đó”, chị Thu nhấn mạnh.
“Quy cách về bao bì, hình thức tem mác… của một sản phẩm được bán thụ động như nấm là vô cùng quan trọng. Đến thời điểm bây giờ điều đó vẫn là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý hơn rồi nhưng vẫn chưa thực sự có thể cải thiện được”.
Và từ đó, chị Thu bắt đầu tiến hành nghiên cứu quy cách đóng gói của các nhà sản xuất và phân phối nấm nước ngoài. “Có thể nói, tôi đã cày nát tất cả các trang web kinh doanh nấm, mò mẫm và lượn lờ đến hàng giờ đồng hồ tại các siêu thị trong nước và nước ngoài nơi có các sản phẩm nấm được bày bán”.
Tất cả công sức đó, theo chị Thu, là để tìm ra cách đóng gói phù hợp nhất, đảm bảo các tiêu chí không chỉ về chất lượng mà còn là tạo cảm quan thân thiện cho người sử dụng. “Góp nhặt tư duy của một người đã có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và truyền thông đến quy trình phát triển sản phẩm, tôi nhận thấy, mỗi một sản phẩm luôn có chức năng về mặt lý tính và chức năng về mặt cảm tính. Một sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm luôn cần có chất lượng tốt sau đó là thổi cho nó một linh hồn”, chị Thu cho biết.
Điều mà người tiêu dùng quan tâm bây giờ chính là “tốt gỗ tốt cả nước sơn” đặc biệt là thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm này đều tiếp cận khách hàng một cách thụ động nên yếu tố quan trọng là sản phẩm phải tự nói lên được tiếng nói của nó. Đó chính là sự tin cậy, chất lượng, minh bạch và an toàn – điều mà bất kỳ doanh nhân nào đều mong muốn hướng đến.
Chị Vũ Hoài Thu đang ngày càng khẳng định rằng, mình đang đi đúng trên con đường trở thành một doanh nhân. Đó là không ngừng đổi mới và sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo, làm đa dạng hơn cho thị trường nấm Việt Nam.
Với quan niệm “sáng tạo là lắp ghép những điều đã có theo cách hoàn toàn mới”, các sản phẩm như ruốc nấm, giò nấm, chả nấm hay pate nấm… đến từ thương hiệu “Ideal Foods Việt Nam” đều đang góp phần tạo nên một hệ thống sản phẩm làm từ nấm đa dạng và phong phú, tạo nên những giá trị mới cho xã hội.