Các nhà kinh tế Bloomberg dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức kỷ lục trong năm nay khi các doanh nghiệp gấp rút trữ hàng do lo ngại về nguy cơ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu vào năm sau.
Trong một báo cáo được thực hiện từ ngày 15 - 21/11, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong ba tháng cuối năm ước tính tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một điều chỉnh so với mức tăng 5% được dự báo hồi tháng 10 trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nếu đạt được như kỳ vọng, tổng giá trị xuất khẩu năm 2024 của Trung Quốc sẽ lên tới 3,548 nghìn tỷ USD, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2022.
“Trong vài tháng tới, xuất khẩu Trung Quốc có thể hưởng lợi từ xu hướng tích trữ hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài. Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại cũng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải tập trung triển khai các biện pháp kích cầu nội địa vào năm 2025”, bà Erica Tay, nhà kinh tế tại Maybank Investment Banking Group nhận định.
Ngay từ khi bắt đầu quý 4, xuất khẩu của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 7/2022, đưa quốc gia này tiến gần tới kỷ lục thặng dư thương mại có thể đạt gần 1 nghìn tỷ USD trong năm nay.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 60% - mức độ mà Bloomberg Economics dự đoán có thể phá hủy hoàn toàn mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng đã áp thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, dẫn đến hàng loạt biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh và gia tăng căng thẳng song phương. Tổng thống Joe Biden hầu như vẫn giữ nguyên các mức thuế này trong 4 năm cầm quyền sau đó.
“Các gói kích thích kinh tế có tiềm năng giúp Trung Quốc phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại với Mỹ vào 4 năm tới sẽ đe dọa triển vọng này. Thách thức đối với Bắc Kinh là biến các kế hoạch thành động lực tăng trưởng bền vững và bảo vệ nền kinh tế trước làn sóng thuế quan mới từ ông Trump”, hai nhà kinh tế học Chang Shu, Eric Zhu và David Qu lưu ý.
Bắc Kinh tiếp tục phải dựa vào xuất khẩu để bù đắp cho sự yếu kém của nhu cầu trong nước, ngay cả khi các quan chức chính phủ đẩy mạnh hàng loạt gói kích thích nền kinh tế trong thời gian gần đây.
Và trái ngược với sự bùng nổ của xuất khẩu, tăng trưởng nhập khẩu tại Trung Quốc vẫn đang trì trệ khi nền kinh tế nội địa còn nhiều khó khăn.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc được dự báo tăng 4,9% trong quý 4/2024, cao hơn mức 4,8% được dự kiến vào tháng trước, theo khảo sát của Bloomberg.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát cho rằng Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 0,25 điểm phần trăm trong quý cuối năm để giải phóng vốn vay, đồng thời giữ nguyên các mức lãi suất chính sách quan trọng khác như lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn bảy ngày. Các kỳ vọng này không thay đổi so với khảo sát hồi tháng 10.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lần gần đây nhất đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) vào tháng 9, ngay sau khi Thống đốc Pan Gongsheng công bố một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Tháng trước, ông Pan từng nhắc lại rằng ngân hàng trung ương có thể hạ thêm 0,25-0,50 điểm phần trăm nữa trước cuối năm, tùy thuộc vào điều kiện thanh khoản trên thị trường.
“Chúng tôi giả định, cú sốc thuế quan lần này sẽ lớn hơn so với giai đoạn 2018-2019, nhưng Trung Quốc hiện đã bớt phụ thuộc vào Mỹ phần nào, đồng thời họ cũng có sẵn kế hoạch ứng phó - bao gồm việc hạ giá đồng nhân dân tệ - và bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế nếu tình trở nên thách thức hơn”, ông Arjen van Dijkhuizen, nhà kinh tế cấp cao tại ABN Amro Bank NV cho biết.