Kinh tế toàn cầu phải trả giá đắt nếu xảy ra chiến tranh thương mại

Chiến tranh thương mại sẽ làm giảm khối lượng giao dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng và gây mất niềm tin. Hậu quả là tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị thụt lùi.
Kinh tế toàn cầu phải trả giá đắt nếu xảy ra chiến tranh thương mại

J.P. Morgan vừa đưa ra ba kịch bản cho những căng thẳng mậu dịch toàn cầu. Kịch bản thứ nhất, Mỹ sẽ áp thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu và không nước nào trả đũa. Kịch bản thứ hai, động thái của Mỹ bị đáp trả tương đương, nghĩa là các nước khác cũng áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Kịch bản thứ ba, chiến tranh thương mại bùng nổ khi các mức thuế nhập khẩu trên toàn thế giới tăng 10%.

Theo John Normand, chuyên gia nghiên cứu của J.P. Morgan, kịch bản tồi tệ thứ ba sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm ít nhất 1,4% trong 2 năm tới.

“Các chuyên gia kinh tế của chúng tôi hiểu rằng những kịch bản này vẫn chưa tính đủ thiệt hại gây ra bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cộng thêm vòng lặp phản hồi từ chính sách thắt chặt tiền tệ”, Normand viết trong báo cáo gửi khách hàng tuần trước. “Sự bất ổn chính sách bào mòn niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến chi tiêu gia đình và doanh nghiệp giảm mạnh. Thước đo tổng hợp về tâm lý các thị trường đã phát triển cho thấy một sự sụt giảm, nhưng vẫn trên mức trung bình do chính sách cải cách thuế của Mỹ”.

Mặc dù Normand thừa nhận rằng các kịch bản tồi tệ này vẫn chưa được hiện thực hóa, các nhà nghiên cứu của J.P. Morgan cho biết tăng trưởng toàn cầu có thể giảm 0.4% nếu kịch bản thứ hai xảy ra.

Kịch bản thứ hai giống tình huống ba đồng minh thân cận của Mỹ đưa ra hàng rào thuế quan đáp trả sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh đánh thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU. Từ 1/7, Canada chính thức áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, bao gồm nước cam, sữa chua và rượu whiskey. Bên cạnh đó, Mexico và Trung Quốc cũng đưa ra hàng rào thuế quan đánh vào thịt lợn và đậu tương nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa Washington. EU sẽ đánh thuế lên 3,2 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 22/6. Phần lớn các sản phẩm bị áp mức thuế 25%, bao gồm xe máy, thuyền, rượu whiskey và bơ lạc.

Triết lý ưu tiên quyền lợi của nước Mỹ, vốn là nền tảng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, vẫn được duy trì trong chính sách kinh tế của ông. Mấy tháng qua, Trump dùng những lời đe dọa và chính sách thuế quan nhằm thay đổi những thỏa thuận thương mại mà ông cho rằng không công bằng và có hại cho kinh tế Mỹ. Kêu gọi quan hệ giao thương trên nguyên tắc “công bằng và có đi có lại”, Trump hứa hẹn sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan nếu nước Mỹ đạt được các thỏa thuận có lợi hơn với các đồng minh thương mại.

Trận chiến nhằm làm cân bằng cán cân thương mại của Trump có thể có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt thương mại có vẻ đã giảm xuống. Theo Bộ Thương mại, thâm hụt tháng 4 đạt mức thấp nhất trong 7 tháng - giảm 2,1% xuống còn 46,2 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9.

Nếu duy trì xu hướng này, GDP quý II sẽ tăng trưởng nhờ thương mại và sức tăng trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng.

Tuy nhiên, những tháng gần đây có nhiều cảnh báo từ các nhà phân tích về nguy cơ trong chính sách kinh tế “Trumponomics”. Marko Kolanovic - Trưởng bộ phận chiến lược định lượng và phái sinh toàn cầu của J.P. Morgan - ước tính hồi tháng 6 rằng chiến thuật thương mại cứng rắn của Trump đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD cho thị trường chứng khoán Mỹ.

"Sau khi phân tích ảnh hưởng của dòng thông tin liên quan đến thương mại, cả tích cực và tiêu cực, đến diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ, chúng tôi ước tính chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực 4,5%" kể từ tháng 3 đến nay, Kolanovic viết trong một báo cáo hồi tháng 6. "Xét đến mức vốn hóa thị trường hiện nay, mức thiệt hại này rơi vào khoảng 1.250 tỷ USD vốn hóa và tương đương 2/3 giá trị của tất cả các biện pháp kích thích tài khóa".

Hồi đầu năm nay, chiến lược gia Kolanovic đã dự báo đúng đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán Mỹ, và cảnh báo về tâm lý tự mãn và mức đòn bẩy cao trên thị trường. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại là bất lợi “lớn” mà Phố Wall phải đối mặt.

"Việc sử dụng những lời đe dọa có thể mang lại thành công trong đàm phán song phương, nhưng sẽ phản tác dụng trong một hệ thống phức tạp như đàm phán thương mại toàn cầu", ông nhận định. "Nếu đảo ngược chính sách thương mại, thị trường sẽ lấy lại được giá trị vốn hóa bị giảm do nguy cơ chiến tranh thương mại và giữ nguyên được ảnh hưởng tích cực từ các chính sách tài khóa. Trong trường hợp đó, thị trường có thể tăng 4%".

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…