Kỳ 1: Những ông chủ nhà băng Việt trở về từ Đông Âu

Làn sóng các doanh nhân thành đạt ở khu vực Đông Âu trở về nước đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều doanh nghiệp nổi tiếng, có quy mô lớn và những sản phẩm mang tầm vóc quốc tế.
Kỳ 1: Những ông chủ nhà băng Việt trở về từ Đông Âu

Những doanh nhân Việt trở về từ Đông Âu đã xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn tại quê hương 

Đó là giai đoạn khi đất nước mở cửa cho tới đầu những năm 2000, khi những doanh nhân ở Liên Xô cũ âm thầm trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Họ là những người trẻ tuổi, sinh từ năm 1960 đổ về, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với tài năng và nguồn vốn lớn gây dựng được ở Nga và Ukraina, rất nhanh sau đó họ tạo dựng được tên tuổi và vị thế cho bản thân.

Bên cạnh sự nổi tiếng nhờ kinh doanh thực phẩm, nhóm doanh nhân Đông Âu này tham gia rất đáng kể vào hoạt động ngành ngân hàng. Trải qua những biến động tài chính lớn, hầu hết các ngân hàng TMCP quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay đều có sự góp mặt của những doanh nhân trở về từ Đông Âu, một đặc điểm rất khác biệt so với những doanh nhân gốc Hoa.

Dưới đây là một số gương mặt nổi bật nhất.

VIB – Đặng Khắc Vỹ

Ngân hàng Quốc tế VIB được thành lập năm 1996 và ông Đặng Khắc Vỹ là một trong những thành viên sáng lập VIB .

Ông Vỹ sinh năm 1968, học khóa 81-84 của trường cấp 3 Nghi Lộc 1 - Nghệ An. Trong lịch sử trường vẫn còn nhắc tên ông Vỹ như là một học sinh thành đạt. Sau đó ông tốt nghiệp Kỹ sư Mỏ địa chất tại Đại học Thăm dò địa chất Matxcova - Nga rồi lấy bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Học viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Là một trong những thành viên sáng lập VIB, song lý lịch cũng như tất cả các tài liệu liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ đều ở mức cơ bản. Những thông tin hiếm hoi được thấy là việc ông Vỹ là một trong những người giàu lên trong nhóm doanh nhân trở về từ Đông Âu, gồm có các nhân vật cùng thời như Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Ngô Chí Dũng…

Tổ chức tài chính IFC, khi nghiên cứu về VIB và tài sản của các thành viên trong HĐQT nhà băng này, cho biết, ông Vỹ và người thân là nhóm cổ đông lớn. Tại Việt Nam, ông Đặng Khắc Vỹ còn có mảng đầu tư khác là thực phẩm (Uniben).

Ở nước ngoài, ông Vỹ còn là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mareven Food Holdings. Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt tại nước ngoài, hoạt động ở các nước Đông Âu, Tây Âu và một số nước châu Á. Công ty TNHH Mareven Food Central thuộc Mareven Food Holdings được tạp chí Forbes bình chọn thuộc Top 200 công ty tư nhân lớn nhất của Liên bang Nga.

Một cựu nhân viên đã từng làm việc tại VIB nhận định, Đặng Khắc Vỹ là người “rất quyết đoán, thông minh và cách quản lý tư duy rất hiện đại”. Dù vậy, doanh nhân này là người rất kín tiếng với truyền thông.

Ông rất ít khi xuất hiện trên báo chí hay lên tiếng với các vấn đề của ngân hàng. Ở VIB, phần lý lịch các thành viên HĐQT, ông Vỹ cũng chỉ được giới thiệu là Chủ tịch HĐQT, bình thường như những thành viên khác.

Kỳ 1: Những ông chủ nhà băng Việt trở về từ Đông Âu ảnh 1
 Chủ tịch Ngân hàng VIB Đặng Khắc Vỹ

Trong khi hầu hết các ngân hàng có lãnh đạo chủ chốt là những người trở về từ Đông Âu đều mở rộng quy mô rất nhanh thì VIB lại khá thận trọng, chú trọng vào phát triển có chất lượng. Trong kỳ đánh giá xếp hạng tín nhiệm gần đây nhất của Moody's với các ngân hàng lớn tại Việt Nam, VIB là ngân hàng có chỉ số xếp hạng thuộc nhóm cao nhất thị trường. The Banker, thuộc Financial Times cũng ghi nhận VIB 2 năm liên tiếp là "Ngân hàng tiêu biểu" năm 2015, 2016 tại Việt Nam. Tổng tài sản của ngân hàng này đến hết tháng 12/2016 đạt khoảng 105 nghìn tỷ đồng (trước kiểm toán).

Ngày 9/1/2017 vừa qua, hơn 564 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt gần 9.600 tỷ đồng. Mức giá của VIB ngày chào sàn cao hơn rất nhiều so với các cổ phiếu của ngân hàng lớn đang giao dịch trên thị trường.

Techcombank – Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang

Techcombank được thành lập ngày 27/09/1993 bởi một nhóm các trí thức du học từ Nga trở về, đi theo con đường phát triển thế mạnh về kỹ thuật (technology - gốc gác của cái tên Techcombank - Ngân hàng Kỹ thương) với số vốn ban đầu ở mức 20 tỷ đồng. Trong đó có những tên tuổi lớn đã đồng hành cùng Techcombank từ những bước đi đầu tiên như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ông Hoàng Quang Vinh, ông Lê Kiên Thành, ông Nguyễn Thiều Quang….

Không chỉ phát triển mạnh mẽ, Techcombank còn được biệt như “cái nôi” của các ông chủ Đông Âu, rất nhiều những thành viên trong bộ máy Techcombank sau này đã tách ra và quản lý những ngân hàng TMCP khác.

Người có công lớn dìu dắt Techcombank trong chặng đường 10 năm đầu tiên là ông Lê Kiên Thành. Ông Thành là cổ đông của ngân hàng từ năm 1993 và chính ông Thành là người đã lèo lái thành công, giúp Techcombank vượt qua những khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997.

Đến năm 2005, ông Lê Kiên Thành rời Techcombank, người thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Nga. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm sau đó, bà Nga rời Techcombank và sang làm chủ tịch SeABank.

Đến tháng 8/2009, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) chính thức hiện diện tại Techcombank với vai trò cổ đông lớn khi nắm giữ 20% cổ phần của ngân hàng này.

Hai nhân vật quan trọng trong HĐQT Techcombank từ tháng 5/2012 đến nay là ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Đăng Quang (Phó Chủ tịch HĐQT), đồng thời cũng lần lượt là Phó Chủ tịch và Chủ tịch HĐQT của Masan. Cả hai nhân vật này đều từng học tập và gây dựng cơ nghiệp tại Đông Âu trước khi trở về Việt Nam.

Kỳ 1: Những ông chủ nhà băng Việt trở về từ Đông Âu ảnh 2
 Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank

Mặc dù ông Hùng Anh và ông Đăng Quang đã tham gia Techcombank từ trước nhưng tên tuổi chỉ nổi lên rõ nét sau sự ra đi của bà Nguyễn Thị Nga và Masan chính thức tham gia sâu vào các hoạt động của ngân hàng.

Cụ thể, ông Hồ Hùng Anh trở thành cổ đông của Techcombank vào năm 1995 và là thành viên HĐQT từ năm 2004. Còn ông Nguyễn Đăng Quang tham gia vào Techcombank năm 1993 với vai trò là cổ đông và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc ngân hàng từ năm 1995.

Kỳ 1: Những ông chủ nhà băng Việt trở về từ Đông Âu ảnh 3
 Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó chủ tịch HĐQT TechcomBank

Một cái tên khác không thể không nhắc tới dù không mang “gốc Đông Âu” đó là ông Nguyễn Đức Vinh. Gia nhập Techcombank từ năm 2000 và giữ vai trò vận hành ngân hàng này suốt 12 năm, ông Vinh đã đưa Techcombank tiến rất xa nhờ chú trọng vào việc xây dựng hệ thống ngay từ thưở đầu.

Năm 2001, Techcombank đã đầu tư mua hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) của Thụy Sĩ. Thuở đó, khái niệm core banking vẫn còn rất xa lạ. Không chỉ vậy, Techcombank còn tham gia thêm vào nhiều đề án hiện đại hóa công nghệ khác như gia nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất là Smartlink và Banknet (nay đã hợp nhất với nhau thành Banknet) và hợp tác chặt chẽ với đối tác và cổ đông ngoại HSBC.

Trong giai đoạn 2000 – 2011, tổng tài sản của Techcombank đã tăng liên tục và đạt mốc 180.000 tỉ đồng. Mặc dù vậy, tới cuối năm 2011, ngân hàng này đã cho thấy sự chững lại, một phần vì những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam.

Phải 3 năm sau, mãi tới năm 2013, Techcombank mới có dấu hiệu hồi sinh và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến cuối quý 3/2016, tổng tài sản của ngân hàng đã vượt qua mốc 200.000 tỷ lên 223.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2016 đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng tới 85% so với cùng kỳ 2015.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ này, Techcombank tiếp tục duy trì vị thế là một trong những ngân hàng cổ phần đứng trong tốp đầu về tài sản cũng như lợi nhuận.

Ngoài Masan, Eurowindow Holding cùng những thành viên liên quan cũng đang là cổ đông lớn tại Techcombank, nắm giữ khoảng 8,1% vốn của ngân hàng. Đại diện cho nhóm cổ đông này tại Techcombank là ông Nguyễn Cảnh Sơn với cương vị là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Ông Nguyễn Cảnh Sơn vốn là Chủ tịch HĐQT Eurowindow Hodling, Chủ tịch Tập đoàn T&M Trans (trụ sở tại Moscow, Liên bang Nga) và Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư T&M Việt Nam.

VPBank – Ngô Chí Dũng

VPBank được thành lập năm 1993 với tên gọi NHTMCP các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam. Vốn điều lệ của VPBank vào lúc thành lập chỉ ở mức 20 tỷ đồng.

Năm 2010, hàng loạt ngân hàng nhỏ phải chạy đua để tăng vốn điều lệ tối thiểu lên mức 3.000 tỷ đồng theo yêu cầu của NHNN. VPBank không là ngoại lệ, nhưng đã tăng vốn thành công vượt so với yêu cầu tối thiểu, với vốn điều lệ huy động tăng gần gấp đôi từ 2.117 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2010.

Đi kèm với việc tăng vốn điều lệ gấp đôi này là những thay đổi về chủ sở hữu, ban điều hành cũng như định hướng hoạt động. Cụ thể nhất ở đây, đó là việc đổi tên, từ NHTMCP các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam trở thành NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Cái tên viết tắt là VPBank không thay đổi, nhưng về bản chất, cách thức hoạt động của ngân hàng này đã có sự chuyển biến đáng kể. Logo và một bộ hệ thống nhận diện thương hiệu mới được đưa vào sử dụng.

Và sự thay đổi đó, cũng đánh dấu việc lên ngôi của ông Ngô Chí Dũng trong vai trò Chủ tịch HĐQT VPBank.

Kỳ 1: Những ông chủ nhà băng Việt trở về từ Đông Âu ảnh 4

Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank

Ông Ngô Chí Dũng tốt nghiệp Đại học Thăm dò địa chất Matxcova chuyên ngành kỹ sư địa chất công trình, năm 2002 ông Ngô Chí Dũng bảo vệ thành công luận án tiến sỹ kinh tế của Viện nghiên cứu Chiến lược chính trị kinh tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga.

Từ năm 1996 đến năm 2004, ông là cổ đông sáng lập và được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB).

Từ năm 2005 đến năm 2010, ông Ngô Chí Dũng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Đầu tư Liên Minh và tập đoàn KBG (Liên bang Nga), Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Cùng ông Dũng bước chân vào HĐQT VPBank năm 2010 còn có một cái tên đáng chú ý khác. Đó là bà Nguyễn Quỳnh Anh, người được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Kiểm Soát. Trước đó, cả ông Dũng và bà Quỳnh Anh đề là những nhân sự nòng cốt tại Techcombank, với các chức vụ tương ứng là Phó Chủ tịch HĐQT và thành viên chuyên trách.

Mặc dù đã tiến hành công cuộc cải tổ, nhưng VPBank chỉ thực sự gây dựng được tiếng tăm khi có sự tham gia của một “người quen cũ” tại Techcombank của ông Dũng. Đó là ông Nguyễn Đức Vinh. Đến tận bây giờ, người ta vẫn không hiểu tại sao khi đó ông Vinh lại chấp nhận chuyển từ “ngân hàng lớn sang ngân hàng nhỏ”, chỉ biết rằng, ông Vinh đã bị ông Ngô Chí Dũng thuyết phục. Thỉnh thoảng, ông Vinh vẫn nói đùa ông sang VPBank vì “nhà anh Dũng ở cùng khu nhà với tôi”.

Đặt chân tới VPBank, ông Vinh liên tục đầu tư mạnh vào đối tượng khách hàng là Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Song song đó, VPBank tiếp tục phát triển lĩnh vực mà trước đây ngân hàng đã khá mạnh là cho vay tiêu dùng. Trong lĩnh vực này, VPBank cũng tỏ ra nhanh nhạy với quyết định mua lại công ty tài chính Than khoáng sản với mức giá 1.000 tỉ đồng hồi năm 2014, đổi tên thành công ty tài chính FE Credit.

Mô hình công ty tài chính được “hậu thuẫn” bởi ngân hàng tỏ ra đặc biệt hiệu quả khi chỉ trong vòng 1 năm, tới năm 2015, FE Credit dễ dàng qua mặt đối thủ trên thị trường khi đạt dư nợ tín dụng lên tới trên 20.000 tỉ đồng, bỏ xa đối thủ số 2 là HomeCredit.

Trong tay ông chủ Đông Âu mới nổi, VPBank từ ngân hàng ít tiếng tăm đã và đang “phình to” hơn bao giờ hết. Tất nhiên, việc phát triển “nóng” thông qua công ty tài chính cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nợ xấu nhưng tựu chung lại, tất cả đang diễn biến theo chiều hướng rất có lợi.

Tính đến Q3/2016, vốn điều lệ của VPBank đã đạt 9,1 nghìn tỉ đồng, còn tổng tài sản đã đạt 205 nghìn tỉ đồng. Sau 13 năm thành lập, vốn điều lệ VPBank đã tăng hơn 450 lần, một con số đáng kinh ngạc.

(Còn nữa)

Theo Lan Chi/Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…