Mới đây, nhiều chi nhánh doanh nghiệp của công ty Nhật tại Trung Quốc sản xuất ra sản phẩm và linh kiện xuất khẩu sang nước thứ 3 ví như Mỹ đang cân nhắc rời khỏi nước này. Khi chính phủ Mỹ mới đây áp dụng tăng thuế lên 25% đối với khoảng 16 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Cụ thể, công ty Asahi Kasei chuyển hoạt động sản xuất của nhà máy tại Trung Quốc chuyên xuất hàng đi Mỹ sang một nhà máy tại Nhật. Nguyên liệu do nhà máy này sản xuất ra được sử dụng trong phụ tùng ô tô, mặt hàng này bị phía Mỹ chính thức tăng thuế trong ngày thứ Năm.
Asahi cuối cùng đã phải đưa ra động thái trên ở thời điểm 1 tháng sau khi Mỹ công bố các biện pháp đánh thuế bổ sung. Công ty hưởng lợi từ việc sản xuất sản phẩm tại Trung Quốc cũng như Nhật. Công ty cũng được phía khách hàng chấp thuận cho việc sản xuất tại một nước khác nếu như có vấn đề xảy ra.
Còn với Komatsu, công ty sẽ sử dụng các nhà máy tại Mỹ, Nhật và Mexico để sản xuất sản phẩm. Các sản phẩm kiểu này hiện được sản xuất ở Trung Quốc.
Cấu trúc hoạt động sản xuất linh hoạt của doanh nghiệp Nhật cho phép họ không gặp quá nhiều khó khăn khi muốn luân chuyển hoạt động tại các nhà máy ở các nước khác nhau để có thể thích ứng. Việc thay đổi địa điểm sản xuất sẽ buộc Komatsu phải chi ra thêm khoảng 36 triệu USD/năm.
Công ty Iris Ohyama đồng thời cũng đã lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy lọc không khí, quạt điện và nhiều thiết bị khác chuyên xuất đi Mỹ sang nhà máy mới tại Hàn Quốc dự kiến sẽ được hoàn tất việc xây dựng vào năm sau. Các sản phẩm này hiện chưa bị đưa vào danh sách chịu thuế cao hơn của Mỹ thế nhưng công ty này đang có những bước đi thận trọng hơn.
Hàng loạt các biện pháp thuế quan mà chính phủ Mỹ và Trung Quốc đưa ra nhằm đáp trả nhau sẽ khiến doanh nghiệp nhiều nước gặp khó khi muốn điều chỉnh chiến lược cho doanh nghiệp mình, và làn sóng tháo chạy khó tránh khỏi nếu các biện pháp trả đũa liên tục leo thang.