Khi nói đến sức khỏe não bộ, có rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi tác là rủi ro lớn nhất đối với tình hình sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, các yếu tố khác như di truyền, học vấn sớm, điều kiện kinh tế - xã hội và giới tính cũng đóng vai trò không nhỏ.
Dù vậy, việc duy trì sức khỏe tinh thần và nhận thức không hoàn toàn nằm ngoài tầm tay mỗi người. Theo các bác sĩ chuyên khoa, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện nhiều biện pháp ngay từ hôm nay để bảo vệ não bộ của mình trong tương lai.
“Có những thói quen chúng ta có thể áp dụng ngay bây giờ để cải thiện sức khỏe não bộ về lâu dài”, bác sĩ Nilüfer Ertekin-Taner, chuyên gia thần kinh tại Bệnh viện Mayo Clinic và là nhà nghiên cứu về bệnh Alzheimer cho biết.
“Chăm sóc não bộ thực chất là chăm sóc toàn diện sức khỏe bản thân”, bác sĩ Scott Kaiser, chuyên gia lão khoa và Giám đốc Chương trình Sức khỏe Nhận thức Người cao tuổi tại Viện Thần kinh Thái Bình Dương chia sẻ.
Việc sử dụng rượu bia quá mức hay hút thuốc lá cũng là những tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ.
Đáng chú ý, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn, do đó việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát sớm các vấn đề nhận thức và chủ động trao đổi với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường là vô cùng quan trọng.
Và một thông điệp vô cùng quan trọng là đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ. Sức khỏe của não bộ chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khác nhau trong lối sống và bác sĩ có thể giúp chúng ta xây dựng một kế hoạch chăm sóc cá nhân hóa, thậm chí là đưa ra các hướng điều trị nếu đang có dấu hiệu suy giảm nhận thức. “Hiện nay đã có các phương pháp điều trị được FDA phê duyệt và các biện pháp làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể”, bác sĩ Kaiser nhấn mạnh.
Dưới đây là những lời khuyên hàng đầu từ bác sĩ Kaiser và bác sĩ Ertekin-Taner nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe não bộ.
QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHOẺ TIM MẠCH
Việc cholesterol LDL cao được bổ sung vào danh sách nguy cơ gây sa sút trí tuệ, theo tạp chí ý khoa uy tín The Lancet, là minh chứng rõ ràng rằng những gì tốt cho tim mạch cũng tốt cho não bộ.
Bác sĩ Ertekin-Taner giải thích, não bộ cũng cần một hệ mạch khỏe mạnh để nhận dưỡng chất, đào thải độc tố và duy trì chức năng. Các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu không chỉ gây hại cho tim mà còn làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Hãy đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh cho tim mạch như chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc MIND - chế độ ăn được thiết kế riêng để hỗ trợ chức năng nhận thức. Ưu tiên rau xanh, hạt, quả mọng - những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương do stress oxy hóa - một yếu tố liên quan đến bệnh Alzheimer.
VẬN ĐỘNG 30 PHÚT MỖI NGÀY, 5 NGÀY MỖI TUẦN
CDC khuyến nghị người trưởng thành nên duy trì ít nhất 150 phút vận động thể chất mỗi tuần. “Tập thể dục gần giống như một loại “thần dược” cho sức khỏe não bộ và quá trình lão hóa”, bác sĩ Kaiser nhận định.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy người ít vận động có tỷ lệ suy giảm nhận thức gần gấp đôi so với người thường xuyên vận động. Nghiên cứu tổng hợp năm 2024 đăng trên Trends in Neurosciences cũng chỉ ra rằng tập luyện giúp cải thiện khả năng ghi nhớ, ngôn ngữ và sự tập trung.
Hãy chọn một hình thức vận động phù hợp, ví dụ như đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày là lựa chọn đơn giản và hiệu quả. Tập luyện cũng có thể giúp mở rộng vùng hippocampus - khu vực xử lý trí nhớ và học tập trong não bộ.
DUY TRÌ GIAO TIẾP XÃ HỘI THƯỜNG XUYÊN
Giao tiếp với người khác giúp kích thích hoạt động nhận thức và cải thiện trí nhớ, ngôn ngữ, đồng thời làm giảm căng thẳng. Nghiên cứu năm 2022 trên The Lancet Healthy Longevity chỉ ra rằng những người thường xuyên gặp gỡ bạn bè, gia đình mỗi tuần hoặc mỗi tháng sẽ có tốc độ suy giảm trí nhớ chậm hơn.
Hãy đánh giá lại tần suất bạn kết nối với mọi người và nếu cần, hãy chủ động lên kế hoạch để duy trì giao tiếp, dù chỉ là một cuộc gọi mỗi tuần. Tham gia các hoạt động tình nguyện cũng là cách hiệu quả để tăng cường kết nối xã hội.
THỬ THÁCH TRÍ NÃO QUA NHỮNG BÀI HỌC MỚI
Cũng giống như cơ bắp, não bộ cần được rèn luyện thường xuyên. Đọc sách, giải ô chữ, học nhạc cụ hay vẽ tranh đều giúp hình thành kết nối thần kinh mới và duy trì chức năng não bộ.
Điều quan trọng là bạn cần chọn những hoạt động thực sự kích thích trí não, thay vì chỉ luyện tập một kỹ năng đơn điệu (ví dụ như chơi lặp lại một trò chơi điện tử). Hoạt động càng mang tính sáng tạo và mới mẻ, thì hiệu quả càng cao.
BỔ SUNG ĐỦ VITAMIN
Hãy chủ động kiểm tra mức độ vitamin thiết yếu trong cơ thể. Thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu thần kinh và gây ra các vấn đề về nhận thức. Một số vitamin như C, D, E, B12, cũng như axit béo omega-3, nấm Lion’s Mane và nghệ tây đã được chứng minh là có lợi cho trí nhớ. Tuy nhiên, bác sĩ Ertekin-Taner nhấn mạnh: “Không có loại vitamin hay thực phẩm chức năng nào là “thần dược” cho não bộ, điều quan trọng vẫn là chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe toàn diện.
KÍCH THÍCH TẤT CẢ GIÁC QUAN
Âm nhạc, mùi hương, xúc giác - những trải nghiệm cảm giác đa dạng giúp kích hoạt não bộ và hỗ trợ quá trình học tập, ghi nhớ. Đặc biệt, thính giác đóng vai trò rất quan trọng, bởi mất thính lực làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer lên gấp 5 lần, theo một nghiên cứu năm 2023.
Do đó, hãy duy trì kiểm tra định kỳ thị lực và thính lực. Và hãy tạo điều kiện để bản thân có thể thưởng thức âm nhạc thường xuyên. Các nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể cải thiện trí nhớ, khả năng ngôn ngữ và nhận thức ở bệnh nhân Alzheimer.
Chăm sóc não bộ trên thực tế không đòi hỏi điều gì quá phức tạp hay xa vời. Điều quan trọng là bạn cần bắt đầu từ những thói quen nhỏ như ăn uống lành mạnh, vận động đều đặn, duy trì mối quan hệ xã hội và không quên đi khám định kỳ. Khi chủ động bảo vệ sức khỏe não bộ từ sớm, bạn đang đầu tư cho một tương lai minh mẫn, khỏe mạnh và chất lượng hơn.