Một trong những "chìa khóa" để thực hiện chiến lược gia nhập NATO, là hệ thống Iron Dome của Israel.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Kiev John Herbst nghi ngờ về khả năng trở thành thành viên NATO của Ukraine. Phát biểu trên kênh Apostrophe TV của Ukraine, ông cho rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO trong vòng một thập kỷ tới.
“Tôi không thấy khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO sau 5 năm, thậm chí sau 10 năm. Tất nhiên, nếu một cái gì đó đảo ngược hoàn toàn thì có thể. Nhưng nếu không có những thay đổi như vậy, tôi không nhận thấy điều này” - Herbst nói.
Ông giải thích rằng, mặc dù Tổng thống Joe Biden muốn thấy Ukraine trở thành thành viên NATO, nhưng Mỹ không thể đơn phương chống lại các đồng minh châu Âu trong vấn đề này, đặc biệt vì hầu hết các nước châu Âu đều tin rằng Ukraine không nên gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Các quốc châu Âu không muốn đối diện với những vấn đề địa chính trị mà Ukraine đã tạo ra trong cuộc chiến bài Nga. Vì lo lắng sẽ phải đối phó với hậu quả trực tiếp của một cuộc chiến tranh giả định ở châu Âu.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố tổng thống Mỹ Biden ủng hộ nguyện vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine, nhưng nói thêm rằng quyết định này không phải là quyết định đơn phương mà Mỹ có thể đưa ra.
Zelensky cảm thấy thất vọng vì Kiev từ lâu đã tiến hành cải cách nhiều mặt, cố gắng thể hiện mọi khả năng để gia nhập NATO, trước khi chính Zelensky lên làm tổng thống.
Đầu tháng 1/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Taran ký một chỉ lệnh giới thiệu các mã cấp bậc quân sự của NATO cho quân đội Ukraine.
Việc chuyển đổi nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý quân sự từ thời Liên Xô. Đạt mục tiêu tương thích với hệ thống chỉ huy điều hành các lực lượng của NATO. Kiev hy vọng rằng thông qua những động thái này, Ukraina sẽ thuận lợi hơn trong nỗ lực gia nhập NATO.
Tạp chí Politico cho biết, dự luật quốc phòng sửa đổi cho năm tài chính 2022 đã thúc giục chính quyền Biden chuyển giao những hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc phòng không cho Ukraine. Theo Politico, hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật của Israel, Iron Dome, có thể sẽ được triển khai ở Ukraine.
Một nguồn tin tại Hạ viện Mỹ cho rằng, Washington đã lưu ý đến tuyên bố của Taran về việc Kiev cần một hệ thống phòng không mới như Iron Dome. Ấn phẩm có trụ sở tại Arlington cho rằng, nếu Ukraine mua lại hệ thống Vòm Sắt, thì sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Kiev và Washington với Moscow.
Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CAN, chuyên gia quân sự của Politico cho biết: “Về mặt chiến thuật, Iron Dome không hiệu quả ở tầm ngắn hoặc trên tuyến tiếp xúc. Do lực lượng dân quân Donbass sẽ nhanh chóng phá hủy hệ thống này bằng pháo phản lực đa nòng và xe tăng. Nhưng hệ thống có thể đánh chặn các tên lửa tầm xa, bảo vệ một địa điểm quan trọng hoặc trung tâm chỉ huy quân sự trên vùng miền đông Ukraine".
Nhưng rõ ràng, lực lượng dân quân Donbass không phải là tổ chức Hamas. Thực tế, năng lực tác chiến của Donbass đã tương đương với lực lượng quân đội chính quy của Nga.
Tháng 10/2019, Chuẩn tướng Mỹ Brian Gibson tuyên bố, Iron Dome “làm được những điều đáng kinh ngạc” và Quân đội Mỹ cần những tổ hợp di động tương tự của riêng mình, như một phần của Hệ thống Chỉ huy Điều hành tác chiến Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Tích hợp (IBCS), được hiểu hệ thống chỉ huy và điều khiển hỏa lực, đảm bảo sự tương tác với các phương tiện hỏa lực khác của hệ thống phòng không và tên lửa.
Nhưng Seth J. Frantzman, nhà phân tích các vấn đề Trung Đông tại The Jerusalem Post, tin rằng “Iron Dome sẽ không tồn tại mãi mãi”. Tháng 5/2021 trong các cuộc xung đột ác liệt giữa Israel và Gaza, Iron Dome không chỉ không thể đánh chặn nhiều đầu đạn trong số hơn 4.300 rocket do tổ chức Hamas và lực lượng Hồi giáo thánh chiến Palestine phóng vào Israel, mà thực tế là mỗi lần đánh chặn có giá từ 100.000 USD đến 150.000 USD.
Frantzman giải thích rằng Iron Dome "không đủ để ngăn chặn trận mưa tên lửa “từ Gaza trong tương lai vì” có trần chiến lược cho công nghệ này” mà “Israel không thừa nhận”. Ông nhấn mạnh, Iron Dome “không phải là cây đũa thần để chiến thắng trong chiến tranh hay ngăn chặn kẻ thù”.
Một câu hỏi tự nhiên, tại sao Iron Dome lại được coi như một giải pháp để Ukraine có thể tiến vào khối NATO, trong khi chính Israel không phải là thành viên NATO ?.
Nếu các chuyên gia Israel cảnh báo rằng “Iron Dome sẽ không tồn tại mãi mãi”, ngay cả trong tình huống chống lại kho vũ khí khiêm tốn tự chế của một nhóm chiến binh, thì hệ thống này có cơ hội nào để chống lại hàng loạt vũ khí tiên tiến của Nga trong một cuộc chiến giả định?
Tên lửa đánh chặn Tamir và hệ thống phóng là những thành phần quan trọng của Iron Dome, khoảng 75% thành phần này được sản xuất tại Mỹ, đó là câu trả lời.
Ukraina hy vọng tiến vào NATO bằng cách mua thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, ngay cả khi các chuyên gia cảnh báo, đây là một hệ thống đã bắt đầu lỗi thời. Điều đó cho thấy, Kiev đang cố gắng trở thành thành viên NATO bằng mọi giá.